Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 18-6, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật này.
Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản; Quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản; Mô hình tổ chức và đối tượng thành lập nhà xuất bản; Liên kết xuất bản; Hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản; Xuất bản phẩm điện tử; Tổ chức và hoạt động in xuất bản phẩm; việc quản lý cơ sở in; việc cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm. Tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản phẩm; việc cấp phép hoạt động phát hành xuất bản phẩm; cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh…
Nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết quy định nội dung xuất bản phẩm điện tử trong Luật và cho rằng xuất bản phẩm điện tử là mảng nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này. Tuy nhiên, quy định về xuất bản phẩm điện tử như Dự thảo còn mang tính chung chung, chưa chặt chẽ, chưa đưa ra khung pháp lý quản lý cụ thể, chi tiết nên khó khả thi. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, phương thức và cơ chế quản lý; cần quy định về cả xuất bản, in và phát hành đối với xuất bản phẩm điện tử. Một số đại biểu cho rằng vừa quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản, vừa quy định điều kiện được cấp chứng chỉ biên tập viên là không hợp lý. Đề nghị cần cân nhắc về mục đích và sự cần thiết của việc cấp chứng chỉ biên tập viên và nên tách thành các điều phân biệt rõ các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản với các quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ biên tập viên, đồng thời đề nghị bổ sung các quy định về thu hồi, cấp lại chứng chỉ biên tập viên.
Buổi chiều, Quốc hội họp thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Trong đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhiều người quan tâm với những quy định tiến bộ về tuổi nghỉ hưu, mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ thai sản, tiền làm thêm giờ và số giờ làm thêm của người lao động… thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con sáu tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm một tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng. Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1-5-2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29-6-2006 thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-5-2013.
T.H