Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội
Đại biểu đoàn Hoà Bình phát biểu tại hội trường.

Tuy nhiên, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên là: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn...

Các ý kiến của đại biểu trong ngày 30-10, tập trung vào vấn đề sau:

Làm lành mạnh lại các ngân hàng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là nội dung được nhiều đại biểu trao đổi, kiến nghị. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP. Cần Thơ) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm có chủ trương, giải pháp mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục nền kinh tế đất nước. Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ phải kiên quyết sắp xếp cho dừng hoạt động các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nợ quá hạn nhiều, mất khả năng thanh khoản, những ngân hàng này hoạt động sẽ làm rối loạn tình hình lãi suất trên thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp yếu kém thường xuyên, không có khả năng khôi phục, nợ xấu nhiều, nợ quá hạn nhiều, không đủ tiêu chí để vay ngân hàng, có cứu thì cũng khó tồn tại nên sắp xếp lại và cho dừng hoạt động. Đây cũng là thời cơ để chúng ta làm lành mạnh lại các doanh nghiệp của đất nước. Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị ngân hàng nhà nước cần công, khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém. Đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng) đề nghị các ngành ngân hàng rà soát lại các quyết định, thủ tục các ngành để có tiếng nói chung cùng các doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc hạ thấp lãi suất và mặt khác phải khơi thông nguồn vốn tín dụng, đổi mới tiếp cận vốn để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sau một thời gian nếu tình hình doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn và số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động không giảm thì đề nghị phải thực hiện chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thông qua việc giãn, giảm, miễn thuế …

 
                   \
            Nhiều ý kiến đăng ký phát biểu thảo luận

Xử lý nhanh nợ xấu.
Liên quan đến nội dung đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội là xử lý nợ xấu, đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Tuy nhiên để giải quyết tận gốc vấn đề, đại biểu ủng hộ chủ trương của Chính phủ thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu, tất nhiên công ty này phải hoạt động công khai, minh bạch và đúng pháp luật nhà nước. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng xử lý nợ xấu khác với mua bán nợ xấu và xử lý nợ xấu không phải chỉ bằng việc mua bán nợ xấu. Đại biểu tán thành với việc Chính phủ đã chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp bằng cách mua lại nợ xấu, đó là một chủ trương sáng suốt. Nợ xấu cần được rà soát, phân loại, cơ cấu lại một cách minh bạch như báo cáo của Chính phủ đã nêu, loại nào đáng mua và cần mua thì Ngân hàng nhà nước sử dụng quỹ bảo hiểm rủi ro của hệ thống ngân hàng mà theo các chuyên gia thì quỹ này cũng được hơn 60.000 tỷ đồng và các loại quỹ khác của ngân hàng để mua lại nợ xấu. Theo đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) để giải quyết hiệu quả nợ xấu, đề nghị cần rà soát tổng thể có những đánh giá đúng mức, đầy đủ, minh bạch và thống nhất về mức độ, số lượng, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng, phân lập cụ thể theo nguồn gốc phát sinh, theo chủ thể của các khoản vay nợ để có biện pháp xử lý tương ứng với từng loại nợ, yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao tính tự chịu trách nhiệm, chủ động và tự giác trong các hoạt động trích lập và sử dụng các nguồn trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ, thực hiện phân loại, khoanh, giãn nợ hợp lý nhằm xử lý được nợ xấu của hệ thống.

Giải quyết hàng tồn kho trong nước. Các đại biểu cho rằng phải kích cầu tiêu dùng mở rộng thị trường để giải quyết hàng tồn kho. Theo đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) nên phát hành trái phiếu công trình cho một số công trình trọng điểm quốc gia dân sinh, ưu tiên cho hệ thống giao thông vận tải, ví dụ như Đường 1A, từ đó mới tiêu thụ được sắt thép, xi măng, vật liệu, hàng tồn kho. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, thực hiện giảm giá hậu mãi tốt để tiêu thụ được hàng. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tích cực sử dụng sản phẩm của nhau, tích cực tham gia vào cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): để xử lý hàng tồn kho cần giảm áp lực cạnh tranh của hàng tồn kho với hàng ngoại nhập, nhất là hàng nhập lậu. Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh): để kích thích sức mua và bảo đảm đời sống đề nghị áp dụng mức Luật Thuế thu nhập cá nhân mà chúng ta sắp thông qua từ 1/1/2013 chứ không phải trì hoãn. Chúng ta mạnh dạn trong tình hình hiện nay xử lý tồn kho xi măng, sắt thép. Có thể dùng ngân sách hỗ trợ phần này cho các địa phương theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm để làm các đường giao thông nông thôn sử dụng nhiều xi măng. Trong này vốn nhà nước sẽ là vốn mồi và là cách một công hai việc về ngắn hạn trước mắt. Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tích cực tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng tháo dỡ khó khăn về hàng hóa tồn kho cho doanh nghiệp bằng cách Chính phủ cần nhanh chóng triển khai các chương trình, dự án của Chính phủ, điển hình như các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các chương trình phát triển nhà ở xã hội, chương trình xây dựng giao thông nông thôn, khi triển khai các chương trình dự án này nó vừa góp phần giảm áp lực hàng hóa tồn kho cho doanh nghiệp, vừa kích cầu đầu tư trong nước.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước nhất là kỷ cương, kỷ luật điều hành, có chế tài xử lý các địa phương chấp hành không nghiêm quy định của Chính phủ. Đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) đề nghị các ngành, các cấp từ trung ương cần thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin về tình hình triển khai thực hiện các chương trình dự án, chính sách liên quan đến mục tiêu giảm nghèo, kịp thời để giúp đỡ cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và thực hiện. Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý; có quy chế quản lý điều hành công khai minh bạch về giá đối với những mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý giá; tăng cường quản lý chặt chẽ hoàng hóa nhập khẩu để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cần thực hiện quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Tiếp tục rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước, về kinh tế quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh tế giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp, các ngành, gắn trách nhiệm với quyền hạn, nghĩa vụ với lợi ích và phù hợp với năng lực trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trung ương cần tăng cường hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia giám sát. Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận): cần nâng cao hơn nữa chất lượng năng lực xây dựng và ban hành quyết định của cấp ra chính sách để các quyết định chính sách, kể cả pháp luật đưa ra luôn sát với thực tế, có tính khả thi cao hơn, phục vụ thiết thực hơn lợi ích của nhân dân. Đại biểu Trương Minh Chiến (Bạc Liêu) nêu phải đẩy mạnh quản lý nhà nước về kinh tế thị trường, nhất là quản lý giá cả trong tình hình hiện nay, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ tốt đời sống sản xuất của nhân dân. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị phải tăng cường giám sát của các cơ quan của Quốc hội, giám sát này phải thực chất, chỉ ra được những vấn đề tồn tại, yếu kém, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương. Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) mặc dù Nhà nước đã có đầy đủ lực lượng chuyên trách và lực lượng phối hợp, nhưng những vụ rút ruột xăng, dầu, bán xăng rởm pha tạp chất lớn vừa qua chủ yếu lại do báo chí phát hiện. Chính phủ cần làm rõ sự bất lực của cơ quan chức năng là do năng lực hay do tiêu cực, cố tình làm ngơ cho vi phạm.

Đầu tư đích đáng cho nông nghiệp và nông thôn. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất đúng đắn, người dân ở nông thôn rất mừng song chính sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ có những chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân trong thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới để kịp thời hoàn thành lộ trình theo kế hoạch đề ra. Đề nghị cơ quan chức năng nên quy định đối với doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo phải có hợp đồng với nông dân về vùng nguyên liệu để gắn kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề cập đến vấn đề hỗ trợ nông dân và hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta lại nhập 70% nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục tình trạng này để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp trong nước, chủ động giải quyết lao động việc làm và tăng hiệu quả cho người chăn nuôi. Đồng thời có chính sách tạm trữ, xây dựng quỹ bình ổn, phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp để hạn chế tình trạng tư thương ép giá, được mùa mất giá, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống. Theo đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nên khắc phục tình trạng cạnh tranh giá cả của các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến xuất khẩu thường bán dưới giá vốn, ăn dần vào vốn, tự gây khó cho mình, cho người lao động và cho nông dân ở vùng nguyên liệu.

 

  Đại biểu đoàn Quảng Trị phát biểu ý kiến

Vẫn thực hiện lộ trình tăng lương theo cải cách.  Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị của Chính phủ cần xem xét lại lộ trình tăng lương hợp lý để đảm bảo đời sống cho người hưởng lương, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành đề án cải cách tiền lương đến giai đoạn 2015 cho phù hợp đồng bộ giữa thang bảng lương trong hệ thống chính trị, sớm khắc phục tình trạng ban hành nhiều chính sách ưu đãi ngành, chính sách ngành, nghề đặc thù, phụ cấp ưu đãi nghề tràn lan trong thời gian vừa qua. Cải cách tiền lương phải gắn với cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế là giải pháp hữu hiệu để thực hiện tăng lương theo lộ trình. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh): "kèm theo lộ trình tăng lương tôi đề nghị năm 2013 ngân sách nhà nước về chi thường xuyên trừ quỹ tiền lương và trợ cấp xã hội, cắt giảm ít nhất 10% các chi khác so với thực chi của năm 2012. Chúng ta tiết kiệm để chúng ta bảo đảm nguồn tăng lương. Không phải vô phương không tăng được lương nếu chúng ta có biện pháp". Còn đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị cần có các giải pháp để thực hiện lộ trình tăng lương. Đại biểu đồng nhất với một số quan điểm, chúng ta không tăng được hơn 200.000đ thì tăng hơn 100.000đ, không tăng được nhiều thì chúng ta tăng ít. Chúng ta có thể tiết kiệm phần khác để giải quyết việc này, bởi vì đây là vấn đề an sinh xã hội, đó là đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức làm công hưởng lương.

Giải quyết vấn đề quá tải ở các bệnh viện. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với quan điểm là việc tăng cường y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp lâu dài nhằm giảm quá tải bệnh viện và trước mắt là cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng bệnh viện. Theo tôi vấn đề quá tải ở các bệnh viện không phải chỉ là vấn đề của Bộ Y tế và riêng Bộ Y tế cũng khó giải quyết được. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng nhà nước cần phải đầu tư hơn nữa cho ngành y tế, tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tập trung đầu tư cho các bệnh viện trọng điểm, các bệnh viện còn xây dở dang, ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu để thực hiện việc chuyển dần đầu tư từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho các bệnh viện sang đầu tư hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Cần tách bạch việc đầu tư công và liên kết tư nhân trong các bệnh viện. Có chính sách ưu đãi đầu tư hơn nữa để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.    

Ngày 31-10, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2013.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất