Chiều 26-1, tại Hà Nội, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã tổ chức cuộc họp tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
|
Đ/c Trương Thị Mai phát biểu ý kiến định hướng thảo luận tại cuộc họp.
|
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Tiểu ban; lãnh đạo một số đơn vị ở Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương).
Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã thảo luận, thống nhất đánh giá tình hình, kết quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, chương trình, kế hoạch công tác năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác liên quan công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Theo đó, năm 2023, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Qua kiểm tra của Lãnh đạo Tiểu ban tại 11 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, cơ quan tham mưu, phối hợp bảo vệ chính trị nội bộ ngày càng được nâng cao; các nhiệm vụ được thực hiện khá đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Trong đó, nổi bật là: (1) Tiếp tục hoàn thiện và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo hướng siết chặt các điều kiện, tiêu chuẩn khi lựa chọn cán bộ vào cấp ủy, làm cán bộ lãnh đạo, quản lý và làm việc ở cơ quan, bộ phận vị trí trọng yếu, cơ mật. Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 32-TB/TW; Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW; nhiều tỉnh, thành ủy đã ban hành quy định về quy trình thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị, ban hành danh mục cơ quan, bộ phận vị trí trọng yếu, cơ mật… (2) Cơ quan tham mưu về bảo vệ chính trị nội bộ đã chủ động nắm, nhận diện hiện tượng, dự báo tình hình, kịp thời đề xuất chủ trương, biện pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; (3) Công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện một cách nền nếp, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ khi lựa chọn cán bộ vào cấp ủy, làm cán bộ lãnh đạo, quản lý và làm việc ở cơ quan, bộ phận vị trí trọng yếu, cơ mật; (4) Tích cực, chủ động phòng ngừa hoạt động tác động, móc nối, lôi kéo của các thế lực thù địch vào nội bộ, kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý các phần tử cơ hội chính trị, những đối tượng bị móc nối, lôi kéo; (5) Thống nhất chương trình công tác năm 2024 của Tiểu ban.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Tổ giúp việc và Cục Bảo vệ chính trị nội bộ tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản, tham mưu Lãnh đạo Tiểu ban báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thông báo đề các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương để kịp thời triển khai, thực hiện trong thời gian tới.
Thảo Nguyên