Năm 1938 (Mậu Dần): Hội nghị Trung ương toàn thể tháng 9-1937 bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào BTV Trung ương và Hội nghị BCH Trung ương họp vào tháng 3-1938 bầu đồng chí giữ chức Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng. Cuối năm 1938, phe phát-xít thắng thế, Mặt trận bình dân Pháp tan rã, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đảng ta đã chuyển hướng các hình thức tổ chức và đấu tranh, tổ chức kết hợp hai hình thức bí mật và công khai; đấu tranh không hợp pháp với nửa hợp pháp và hợp pháp… Nhờ đó, uy tín của Đảng được tăng cường, công tác tổ chức của Đảng trưởng thành thêm một bước. Ta đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Viện dân biểu Bắc kỳ và Viện dân biểu Trung kỳ (1937-1938), tiếp đó là phong trào đấu tranh phản đế, phản phong.
Năm 1950 (Canh Dần): Năm 1947, Trung ương ra Chỉ thị “Thi đua xây dựng Đảng” và “xây dựng chi bộ tự động”. Do hiểu sai chủ trương “thi đua xây dựng Đảng” thành “thi đua phát triển đảng”, nhất là hiểu sai khẩu hiệu “làm cho Đảng thành một Đảng quần chúng” nên ở nhiều nơi có tình trạng thi đua kết nạp đảng viên, chạy theo số lượng, đưa cả những người không đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Công tác giáo dục đảng viên chưa được quan tâm đúng mức, làm cho chất lượng của đội ngũ đảng viên giảm sút. Trước tình hình đó, ngày 14-9-1950, Trung ương ra chỉ thị tạm dừng kết nạp đảng viên để tập trung giáo dục, nâng chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức đảng. Thực hiện chỉ thị này trong một thời gian dài, ở một số nơi đã có tình trạng thiếu hụt cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng tới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Những năm 1949-1950, do yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, Đảng đã tiến hành điều động nhiều cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tăng cường cho Quân đội. Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (tháng 6-1950) và của các chiến trường trong cả nước, thế và lực của cuộc kháng chiến cũng như sự nghiệp kiến quốc đã có bước phát triển mới.
Năm 1962 (Nhâm Dần): Miền Bắc tiến hành nhiều cuộc vận động lớn như xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở theo yêu cầu “4 tốt” (sản xuất, chiến đấu tốt; chấp hành chính sách tốt; công tác quần chúng tốt và củng cố Đảng tốt) gắn với các cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến quản lý xí nghiệp, “Ba xây, ba chống” (xây: nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống: tham ô, lãng phí, quan liêu). Chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần tạo ra nhiều phong trào thi đua yêu nước, yêu CNXH như: Thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Tổ đội lao động XHCN”, học tập và thi đua với các điển hình tiên tiến: “Sóng Duyên Hải” (trong công nghiệp), “Gió Đại Phong” (trong nông nghiệp), “Cờ Ba Nhất” (trong quân đội), “Trống Bắc Lý” (trong Ngành Giáo dục)…
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được Đảng quan tâm, chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác, chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn, thiếu sót, khuyết điểm của ta hòng gây chia rẽ, bè phái, chống Đảng. Thi hành Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 4-6-1962 của Bộ Chính trị, BCH Trung ương (khóa III) về “công tác thẩm tra chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên” và Quyết định số 57-QĐ/TW ngày 12-9-1962 của Ban Bí thư về “thành lập Ban Thẩm tra chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Trung ương”, Ban Tổ chức Trung ương thành lập Vụ Bảo vệ Đảng (trên cơ sở Bộ phận Thẩm tra chính trị được thành lập trước Đại hội III và Phòng Bảo vệ Đảng thành lập năm 1962). Các ban tổ chức cấp ủy lập phòng bảo vệ hoặc bộ phận bảo vệ đảng ở cấp mình.
Năm 1974 (Giáp Dần): Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị kinh tế cơ sở, nhất là những cơ sở quan trọng, giữ vị trí then chốt trong các ngành kinh tế quốc dân. Chuẩn bị tốt nhân sự phục vụ đại hội đại biểu đảng bộ các tỉnh, thông qua đại hội kiện toàn BCH mới. Tập trung củng cố TCCSĐ ở các đơn vị cơ sở trọng yếu trong các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, lưu thông phân phối. Đồng thời, củng cố các cơ sở yếu kém, nhất là những cơ sở yếu kém kéo dài nhiều năm và những nơi hợp tác xã có nguy cơ tan vỡ.
Đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, nâng cao ý thức trách nhiệm, chăm lo kinh tế tập thể vững mạnh, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần hợp tác XHCN; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực như tham ô, chiếm của công, làm ăn riêng lẻ, bảo thủ, tùy tiện. Quan tâm kiện toàn huyện ủy và bồi dưỡng huyện ủy viên, điều chỉnh một số điểm trong cơ cấu tổ chức, phân công của huyện ủy và cơ quan giúp việc. Tăng cường cán bộ cho cấp huyện gắn với quy hoạch cán bộ lâu dài theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cấp huyện. Tổ chức bồi dưỡng học vấn, kinh tế, kỹ thuật cho cán bộ; cải tiến việc quản lý cán bộ và thực hiện chuyên môn hóa cán bộ.
Năm 1986 (Bính Dần): Toàn Đảng tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội VI của Đảng. Ngày 11-3-1986, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 79-CT/TW về việc tổ chức đợt tự phê bình và phê bình chuẩn bị Đại hội VI và đại hội đảng bộ các cấp. Thông qua tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, góp phần tăng cường sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, nâng cao tính tổ chức và kỷ luật của cán bộ, đảng viên, mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Ngày 11-3-1986, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 80-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp, giao Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các ban, ngành, giúp Trung ương hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp kết quả tiến hành đại hội đảng bộ các cấp. Thực hiện Chỉ thị số 80-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 15-7-1986 Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản hướng dẫn một số vấn đề về tiến hành đại hội các cấp. Cuối tháng 10-1986, đại hội đảng bộ các cấp tiến hành xong, đạt kết quả tốt, lựa chọn được các cấp ủy viên có đủ tiêu chuẩn quy định, thực hiện được một bước yêu cầu đổi mới cấp ủy theo Chỉ thị số 80-CT/TW của Ban Bí thư.
Đại hội VI của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986. Đại hội đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Đại hội vạch rõ phương hướng, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng là: “Xây dựng Đảng thật sự ngang tầm một đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng nước ta”. Đại hội bầu BCH Trung ương gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng.
Năm 1998 (Mậu Dần): Nhiệm vụ trọng tâm của công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 1998 là cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về “Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Tham mưu với Bộ Chính trị xây dựng đề án về công tác xây dựng Đảng trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa VIII), trong đó trên cơ sở tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đề ra các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của các cấp, các ngành, chuẩn bị một bước cho bầu cử HĐND 3 cấp vào năm 1999, chuẩn bị một bước cho đại hội đảng bộ các cấp vào năm 2000 và Đại hội IX của Đảng vào năm 2001.
Thực hiện quy hoạch cán bộ cho hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất cao để đưa công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp, kế thừa, vững vàng giữa các thế hệ. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ, trong đó đặc biệt coi trọng đức tính trung thực, công tâm, khách quan, sâu sát phong trào, sâu sát cán bộ, có kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, am hiểu tâm lý con người, có năng lực nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất sát hợp với thực tiễn.
Năm 2010 (Canh Dần): Năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương và toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tập trung tham mưu, giúp việc cho cấp ủy các cấp và Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng, nhất là những nội dung mới và việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu BTV, bí thư, phó bí thư; thí điểm đại hội cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy theo đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, có chất lượng các nhiệm vụ thường xuyên, các nghị quyết của BCH Trung ương (khóa X) về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài’”. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ; quy định về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện và có nguyện vọng vào Đảng; hướng dẫn về đảng viên làm kinh tế tư nhân... Chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng gắn với triển khai các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề: “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Nguyễn Văn Lai
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân