Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ra đời Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang cách mạng. Người đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Từ năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc mở các lớp đào tạo cán bộ để “ươm mầm” những “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam. Kết thúc khóa học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu tiếp tục đi học ở trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Tại đây, các học viên được học những kiến thức cơ bản về quân sự như: quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội, nguyên tắc tổ chức quân đội theo kiểu Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Cùng với việc chuẩn bị về nhân sự, Nguyễn Ái Quốc còn cho xuất bản báo “Lính cách mệnh” nhằm tuyên truyền, giác ngộ binh lính người Việt. Báo ra số đầu tiên vào tháng 2 năm 1927, ngoài Nguyễn Ái Quốc là cây bút chính, ban biên tập còn có các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm. Đầu năm 1928, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm đầu tay về lĩnh vực quân sự có tựa đề “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”. Tác phẩm khái quát lịch sử chiến tranh du kích của nhiều nước, cũng như giới thiệu về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của chiến tranh du kích - một loại hình chiến tranh tất yếu sẽ diễn ra ở Việt Nam.

Từ cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc tham gia hoạt động trong “Văn phòng Bát lộ quân” do tướng Diệp Kiếm Anh làm chỉ huy. Trong thời gian này, Người viết cuốn sách nói về “khu quân sự đặc biệt” để tuyên truyền, vận động cho quân đội cách mạng. Tháng 6 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc gặp  đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) vừa ở trong nước sang. Bằng trí tuệ thiên tài, Người đã phát hiện ra tài năng thiên bẩm của đồng chí Võ Nguyên Giáp nên giới thiệu Võ Nguyên Giáp đi học trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “Cố gắng học thêm quân sự”.

Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể tìm đường cứu nước, ngày 28 tháng 1 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Người vẫn tiếp tục cử đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Trung Quốc học tập“Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự” và tham gia mở các lớp đào tạo cán bộ quân sự cho cách mạng Việt Nam. Tháng 10 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm có nhiệm vụ phối hợp với nhau cùng mở lớp huấn luyện quân sự tập trung đầu tiên tại Pắc Bó để tiến tới thành lập đội vũ trang cách mạng. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tham gia huấn luyện cho các đội viên. Để có tài liệu giảng dạy, Người đã biên soạn các tài liệu quân sự quan trọng như: “Mười điều kỷ luật”; “Cách đánh du kích”; “Những hiểu biết cơ bản về quân sự”; “Kinh nghiệm du kích Nga”…

Tháng 5 năm 1944, Mặt trận Việt Minh cho ra mắt cuốn “Chiến thuật du kích” do Nguyễn Ái Quốc biên soạn. Cuốn sách có 13 chương nhưng đã giới thiệu đầy đủ các vấn đề liên quan đến chiên tranh du kích bao gồm: mục đích, cách bố trí lực lượng, phương thức hoạt động, chiến thuật…. Theo Nguyễn Ái Quốc thì chiến tranh du kích là phép dụng binh cơ bản nhất để cách mạng Việt Nam thành công. Người khẳng định: “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Đế quốc có khí giới tốt, có quân đội đàng hoàng; quân du kích chưa có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng nhưng quân du kích được dân chúng ủng hộ, thuộc địa hình, địa thế, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng, khéo xếp đặt kế hoạch nên quân du kích vẫn có thể đánh được đế quốc. Chuyến này chúng ta vũ trang đánh Tây - Nhật chính dùng lối du kích mà đánh. Biết đánh du kích thì thế nào cũng thắng lợi”[1].


Tháng 9 năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở lại Cao Bằng. Người xét thấy điều kiện chưa chín muồi nên quyết định đình chỉ việc phát động chiến tranh du kích trên quy mô lớn để tránh tổn thất cho cách mạng. Người chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Phải tìm một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”[ii].

Đầu tháng 12 năm 1944, tại Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh triệu tập đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh đến để nghe báo cáo về tình hình phong trào cách mạng của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chủ trương phát động chiến tranh du kích Liên tỉnh uỷ. Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Ngay chiều hôm sau, Người gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Quảng Ba để thông qua kế hoạch thành lập đội. Người thêm hai chữ "tuyên truyền" vào tên đội Việt Nam giải phóng quân và căn dặn: "Nhớ bí mật: Ta ở Đông, địch tưởng là ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình".

Nửa tháng sau, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong đó xác định: phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang là “chính trị trọng hơn quân sự”,“tuyên truyền trọng hơn tác chiến”;  nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn những đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng và tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”; phương châm tác chiến là “vận dụng lối đánh du kích mau lẹ, linh hoạt, bí mật, bất ngờ”. Người bày tỏ sự tin tưởng: “Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc vào Nam, khắp đất nước Việt Nam”[iii].

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) ra đời ở khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).  Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm có 34 đội viên được biên chế thành một trung đội gồm 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Bác đã đặt trọn niềm tin khi trao sứ mệnh chỉ huy cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Bài diễn văn tại buổi thành lập đã khẳng định quyết tâm của toàn thể các đội viên: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc[iv].

Tuy lực lượng ít, vũ khí trang thiết bị thô sơ (2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, 14 khẩu súng kíp) nhưng chỉ mấy ngày sau, Đội đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (ngày 25-12-1944) và Nà Ngần (ngày 26-12-1944). Những chiến công đó đã tạo ra một luồn sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Quá trình hình thành, phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên quân đội ta đã được nhân dân gọi với cái tên rất thân mật nhưng cũng rất đỗi tự hào “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác và sự đùm bọc, che chở của nhân dân, quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách, tô thắm trang sử vàng chói lọi của dân tộc và đang phấn đấu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.



[1] Hồ Chí Minh:  Toàn  tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang  469.

[ii] Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, trang 132.

[iii] Hồ Chí Minh: Sđd,  trang  507.

[iv] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất