Trên cơ sở quán triệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là quan điểm về xây dựng quân đội
chính quy, hiện đại của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã sớm xác định phải xây dựng
quân đội ta theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại. Đây là một tư tưởng lớn,
bao gồm hệ thống những quan điểm cơ bản của Người về xây dựng quân đội. Trải
qua quá trình trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và chiến đấu của quân đội
ta, tư tưởng này của Người đã từng bước phát triển và ngày càng hoàn thiện.
Trước hết, Hồ Chí Minh xác định phải xây dựng một quân đội cách mạng, bởi đây là nhân tố
quan trọng hàng đầu, là cơ sở nền tảng xây dựng nên bản chất tốt đẹp và quyết định
cho sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta. Theo Người, quân đội cách mạng
là quân đội “coi trọng chính trị”, là quân đội "có lòng ái quốc
sắt đá", “tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ
quốc và nhân dân". Hơn thế nữa, Người còn nhấn mạnh rằng, quân đội cách mạng
là quân đội dám "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và đặc biệt, quân
đội ấy có "cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái
chí quật cường tất thắng, cái đạo đức: Trí, Dũng, Liêm, Trung"1..
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, để xây dựng quân đội cách mạng, Đảng
phải lãnh đạo quân đội thật chặt chẽ, phải liên tục tăng cường công tác đảng,
công tác chính trị ở mọi cấp, mọi đơn vị trong quân đội. Đặc biệt, Đảng phải thường
xuyên chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao giác ngộ chính trị, nâng
cao bản lĩnh và ý chí chiến đấu, nâng cao lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc
và nhân dân. Người đã khái quát nội dung, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng
là phải xây dựng sao quân đội luôn "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn
sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm
vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"2.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải
phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Hồ
Chí Minh xác định quân đội ta có bước tiến mới về chất, mà khâu đột phá của bước
tiến ấy là tiến lên chính quy. Theo Người, xây dựng quân đội chính quy là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhiệm vụ cách
mạng, của sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ
quốc. Chính từ những lẽ đó, Người yêu cầu quân đội phải nỗ lực phấn đấu để
nhanh chóng tiến lên chính quy. Người chỉ rõ, quân đội phải xây dựng chính quy
một cách toàn diện: chính quy trong huấn luyện, trong sẵn sàng chiến đấu, trong
sinh hoạt hàng ngày. Người luôn nhắc nhở bộ đội, nề nếp chính quy phải được duy
trì thật chặt chẽ, nghiêm minh; chính quy từ bước đi, từ cái chào đến khẩu lệnh,
mệnh lệnh; chính quy ở mọi lúc mọi nơi, ở các cấp và tất cả các đơn vị. Nói
chuyện với bộ đội tham dự duyệt binh ngày 1-1-1955, Người chỉ thị: “Nhiệm vụ của
quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới.
Không vì hòa bình mà sao nhãng… chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ
thuật để tiến lên chính quy”3 .
Ngay từ những ngày đó, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, muốn xây dựng
được một quân đội chính quy thì Đảng, Nhà nước phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo;
chỉ huy các cấp phải nghiêm túc tổ chức thực hiện; toàn thể bộ đội phải thường
xuyên tự giác chấp hành. Theo Người, xây dựng quân đội chính quy là nhiệm vụ rất
quan trọng, Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm và vai trò rất lớn đối
với nhiệm vụ này. Người nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội
tiến lên chính quy. Với cố gắng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh
… nhất định bộ đội ta đi tốt đến chính quy”.4
Trong quá trình lãnh đạo xây dựng quân đội, bàn đến những nội dung cụ thể về xây dựng “quân đội tinh nhuệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những luận
điểm bước đầu rất quan trọng, Người sớm có
quan điểm phát triển lực lượng theo hướng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Trong
nhiều đợt chỉnh huấn bộ đội, Người đã chỉ thị phải ra sức học tập, rèn luyện để
đạt tới “tinh binh, tinh cán”. Trong giáo dục bộ đội đặc công, Người nhắc nhở
cán bộ, chiến sĩ phải khổ công tập luyện, nhằm tinh thông kỹ thuật, chiến thuật,
để làm nhiệm vụ đặc biệt, đánh những trận chiến đặc biệt và giành thắng lợi đặc
biệt. Những quan điểm trên là tiền đề lý luận rất quan trọng để Đảng ta vận dụng,
phát triển, xác định thành phương hướng xây dựng “quân đội tinh nhuệ”, đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.
Cùng với xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, Hồ Chí Minh
cũng đã sớm xác định phải xây dựng quân đội
hiện đại. Theo Người, xây dựng quân đội hiện đại là đòi hỏi bức thiết của
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, là tiền đồ lâu dài của quân đội
ta. Chính vì thế, Người xác định, xây dựng quân đội hiện đại là con đường tất yếu.
Huấn thị tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp Bộ Quốc phòng (tháng 5-
1957), Người nhấn mạnh: “Tình thế ngày một tiến. Trước là thời kỳ khác, nay là
thời kỳ khác. Quân đội ta nhất định tiến từng bước lên chính quy và hiện đại”5.
Ngay từ những năm đầu miền Bắc mới giải phóng, Người đã chỉ
thị cho Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị chọn người đi học các quân chủng,
binh chủng kỹ thuật hiện đại như hải quân, không quân, phòng không; chuẩn bị
khung cán bộ cho các binh chủng kỹ thuật mới như xe tăng, tên lửa, ra đa, hóa học
… Người cũng đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp về nghệ thuật quân sự
của chiến tranh hiện đại, về tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Dưới sự
lãnh đạo của Người, đến năm 1960, các quân chủng, binh chủng kỹ thuật hiện đại
của quân đội ta nối tiếp nhau ra đời và lực lượng này đã chiếm tới 49% tổng
quân số. Trên cơ sở xây dựng như vậy, quân đội ta đã không ngừng tiến bộ, trưởng
thành, có đủ sức mạnh, hoàn toàn chủ động, đánh thắng ròn rã ngay từ trận đầu
cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta.
Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, muốn xây dựng được quân đội theo hướng
trên, thì trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về đội ngũ cán bộ quân đội. Huấn
thị tại buổi Lễ phong quân hàm cho cán bộ cao cấp toàn quân (tháng 12-1958),
Người nhấn mạnh: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, quân đội ta phải là một quân đội nhân dân, một quân đội cách mạng, tiến
lên chính quy và hiện đại. Nhiệm vụ của quân đội như vậy, cho nên trách nhiệm của
cán bộ rất nặng nề. Đảng và Chính phủ trao trách nhiệm ấy cho toàn thể cán bộ”6.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng,
chính quy, hiện đại, từ Đại hội toàn quốc lần thứ VII đến lần thứ X của Đảng, Đảng ta
luôn xác định, phải ra sức xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI, Đảng
ta xác định, các quân chủng phòng không - không quân, hải quân, binh chủng tác
chiến điện tử và thông tin phải tiến thẳng, tiến nhanh lên hiện đại. Việc xây dựng
bốn quân chủng, binh chủng hiện đại trên, chẳng những là ý chí, quyết tâm của
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là đòi hỏi bức xúc, khách quan của sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Quán triệt, vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng
quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, chúng ta phải tiến hành đồng
bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó trước hết cần tập trung xây dựng theo định
hướng chiến lược mà Đảng ta đã xác định như sau:
Một là, xây dựng quân đội có bản lĩnh
chính trị kiên định vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và
nhân dân; có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu ngày càng cao; thường
xuyên cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực
thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của
Tổ quốc.
Hai là, xây dựng quân đội nhân dân có số lượng hợp lý, cân đối đồng
bộ giữa các lực lượng, các quân chủng, binh chủng; đảm bảo tinh, gọn, mạnh, đáp
ứng yêu cầu, nhiệm vụ cho thế trận phòng thủ chiến lược của đất nước thật vững
chắc.
Ba là, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ
chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm đời sống
vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của quân đội trong điều kiện
đổi mới.
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp
quốc phòng, đảm bảo cho quân đội được trang bị vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại.
Đồng thời, phải có chiến lược mua sắm hợp lý để quân chủng phòng không - không
quân, hải quân, binh chủng tác chiến điện tử và thông tin nhanh chóng tiến lên
hiện đại.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối,
trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà Nước đối
với quân đội, đảm bảo cho quân đội thực sự là công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ
Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ cuộc sống hòa bình và hạnh
phúc của nhân dân.
--------------------
(1), (5) Hồ Chí Minh với các lực lượng
vũ trang nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, H.1975, tr. 55,306. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1996,
tập 11, tr. 350. (3),(4) Sách đã dẫn, tập 7, tr. 425,
425. (6) Sách đã dẫn, tập 9, tr. 274.
Đại tá, PGS, TS. Hà Huy Thông