Giá trị tư duy Hồ Chí Minh trong “Tuyên ngôn độc lập”
Tuyên ngôn lịch sử của sự kiện lịch sử    

Bản “Tuyên ngôn độc lập” do Hồ Chí Minh soạn thảo được Người “tuyên ngôn” tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945 được coi là “một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, một bài chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục”. Việc khai thác, nghiên cứu bản Tuyên ngôn vẫn là đề tài hấp dẫn đối với nhiều giới, nhất là trong điều kiện tranh chấp biên giới lãnh hải giữa nhiều quốc gia đang ngày càng nóng lên. Đây được coi là văn bản “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ ba của nước Việt. Văn bản có sự tiếp thu, chọn lọc và phát triển lên tầm cao mới từ các văn bản tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam và những tinh hoa từ các văn bản tuyên ngôn độc lập của nhiều quốc gia giành được độc lập trên thế giới.   

Nước Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX. Trong chiến tranh thế giới lần hai, Nhật đã thay thế Pháp độc chiếm Đông Dương và Việt Nam từ năm 1940. Khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện, thời cơ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa đã đến. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta, Cách mạng tháng Tám nổ ra, toàn thể dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 26-8-1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập, chủ trì Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, thống nhất chuẩn bị tuyên bố độc lập, mít tinh ở Hà Nội và quyết định thành lập chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân, lập chính thể cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam châu Á, tuyên bố tách hẳn sự lệ thuộc chính phủ Pháp.  

Nghiên cứu “Tuyên ngôn độc lập” thấy rõ giá trị tư duy biện chứng của Hồ Chí Minh về kẻ đi xâm lược, Người viết: “…Bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. “Kẻ tự nhận là người “bảo hộ” cho Việt Nam, thế mà “trong 5 năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật”. “Kẻ tự nhận là đại diện cho “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, khi Việt Minh “kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật”, thì “đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”(1). Rõ ràng, những sự thật tội ác mà kẻ thù gây ra là không thể chối cãi được. Chính sách “khai hoá văn minh” của chúng là căn cứ buộc tội rõ nhất của trò bịp bợm, bản chất dã man. Thế nhưng, vào thời điểm ấy, không phải ai cũng có thể nhận thấy mâu thuẫn, những mặt đối lập căn bản giữa nhân dân ta và thực dân Pháp. Trước Cách mạng tháng Tám, dân ta “chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật”, chúng “tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào”, “chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều”(2). Dù thế, ta vẫn “giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo” đối với người Pháp: “Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”(3). Trước cái ác, chúng ta đại diện cho cái thiện; đối mặt với phi nhân, phi nghĩa, chúng ta đại diện cho nhân nghĩa, thể hiện sự toả sáng tư duy và bản sắc văn hoá Việt Nam, đánh cho để dài tóc, đen răng mà giữ lấy hồn cốt Việt, đánh cho chích luân bất phản, cho phiến giáp bất hoàn, khẳng định chủ quyền nước Nam, nhưng khi địch thua chạy: “Đi bộ thì ta cấp ngựa, đi thuỷ thì ta cấp thuyền…” để chúng cuốn gói về nước.  

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đây là cấu trúc khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, đối lập hẳn với mất tự do, thiếu bình đẳng. Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu, nhận rõ mục tiêu của từng giai đoạn, từng chặng trên con đường dẫn đến lý tưởng đúc kết khát vọng đó của loài người: Giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Bởi vậy, giá trị “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ phân tích, làm sáng tỏ sự thống nhất và đấu tranh của các yếu tố tạo nên sự vận động của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, mà còn là biện chứng của sản phẩm do tiến trình ấy mang lại.  

Trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” về Cách mạng Tháng Tám, Người viết: “Cuộc cách mạng dân tộc thành công này có những ý nghĩa rất to tát mà chúng ta cần nhận rõ. Ý nghĩa đó là: trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa: Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ cộng hoà. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”(4). Người Việt Nam và nhân loại tiến bộ đều hiểu rằng, sự kiện ấy là sản phẩm của một tiến trình lịch sử đấu tranh bền bỉ, lâu dài, cam go, phải đổi bằng xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước thương nòi.   

Lịch sử Việt Nam thừa nhận: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh mấy năm nay”(5). “Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” và kết quả tất yếu của tiến trình tranh đấu: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập!”(6). Đây là sự tác động, thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam đến thắng lợi như một quy luật khách quan không thể phủ nhận được. Tư duy Hồ Chí Minh luôn đặt đúng quan hệ của Việt Nam trong chỉnh thể thế giới. Trong tương quan giữa Việt Nam và thế giới, giữa quyền bình đẳng tự do của các dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam. Khi Cách mạng tháng Tám chưa thành công, nước Việt Nam bị biến mất trên bản đồ thế giới, chỉ được xem là một phần của góc kẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Người ta chỉ biết có ba xứ: Bắc Kỳ; Trung Kỳ; Nam Kỳ; xứ Ai Lao và Cao Miên trên bán đảo Đông Dương gộp lại bị Pháp chiếm đóng, đô hộ, thường gọi là xứ Đông Dương thuộc Pháp.  

Dưới ngọn cờ cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng ta, dân tộc Việt Nam đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân và đứng về phe đồng minh chống phát xít Nhật. Nhờ thế: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà”(7). Để “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(8).  

Ngôn từ đanh thép và tính pháp lý sâu sắc  

Toàn văn “Tuyên ngôn độc lập” chỉ có 1014 chữ, nhưng hàm chứa nội dung rất lớn và sâu sắc, mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam; là thông điệp chính trị, nhắc tới những mục đích tức thời, quan trọng, ưu tiên cho hàm lượng thông tin, triệt để tạo ra tác dụng chiến đấu, loại bỏ những âm mưu trực tiếp, nguy hiểm của kẻ thù. Viện dẫn tuyên ngôn của hai cường quốc Mĩ và Pháp trong lịch sử để suy rộng ra về quyền độc lập dân tộc bên cạnh quyền con người và quyền công dân, Tuyên ngôn của Bác là kết tinh trí tuệ của thời đại, là kết quả cao của “bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng” của hơn hai mươi triệu người Việt Nam lúc bấy giờ. Một trong những yếu tố quan trọng đưa “Tuyên ngôn độc lập” lên tầm cao của một thể tài chính luận, dung lượng ngắn nhưng lập luận hết sức chặt chẽ mà giản dị, không có lý lẽ nào bác bỏ được. Vì cốt lõi của nó là, lấy thực tế cách mạng nóng bỏng của quần chúng nhân dân, bắt nguồn từ lòng yêu nước thương dân để đem lại độc lập cho dân tộc, hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho nhân dân… nên tính thuyết phục rất lớn.  

Lịch sử xã hội Việt Nam trong hơn 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật, được Người gói gọn khái quát trong 622 chữ, còn 186 chữ kế tiếp là vận dụng pháp lý quốc tế suốt hơn một trăm năm mươi năm qua, để khẳng định và đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc Việt Nam. Toàn bộ những trói buộc về mặt pháp lý mà chủ nghĩa thực dân đã bỏ ra gần một trăm năm tạo dựng ở Việt Nam, đã bị xoá bỏ trong một câu với những mệnh đề đối lập có 58 chữ, nhưng khi khẳng định chí khí, con người, dân tộc và sức mạnh Việt Nam cũng như tương lai của Việt Nam, được khẳng định trong mệnh đề với 144 chữ. Mỗi từ, mỗi câu, mỗi ý đều tỏ rõ tính lôgíc biện chứng giữa hiện thực cách mạng Việt Nam với tư duy sâu sắc của Người, được phản ánh một cách sinh động thông qua bản “Tuyên ngôn độc lập”.  

Có một chi tiết rất thú vị khi nghiên cứu "Tuyên ngôn độc lập" của Người... Từ sự phát hiện thêm các văn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 mà Hồ Chí Minh vận dụng, mở đầu bằng câu tiếng Anh, đại ý là: tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, CHÚA cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được! Nhưng khi vận dụng vào văn bản chính thức của “Tuyên ngôn độc lập Việt Nam”, Bác thay từ “GOD” tức là thượng đế, chúa trời, sự ban phát của chúa trời cho con người trong bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ (gồm 13 thuộc địa Bắc Mỹ tuyên bố tách khỏi sự lệ thuộc, đô hộ của Anh quốc) sang từ “TẠO HÓA” theo đúng quy luật vận động trong thế giới vũ trụ, theo lập trường biện chứng duy vật. Đây chẳng những thể hiện tư duy lôgíc biện chứng, từ cái bộ phận đến cái toàn thể, từ cái riêng đến cái chung… mà mối quan hệ giữa cái bộ phận với cái toàn thể cũng được thể hiện: “Các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê hê rang (Tehran ở Iran) và Cựu Kim Sơn (San Francisco), quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”(9). 

Giá trị đặc sắc trong “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh thể hiện ngay từ đoạn đầu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” để lập luận hiển nhiên và thừa nhận rằng “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng”, bởi mỗi người đều thuộc về một dân tộc, một cộng đồng người xác định, sống trong vòng cộng đồng văn hoá ấy. Một mặt, họ làm ra cộng đồng văn hoá của mình; mặt khác chính các vòng cộng đồng văn hoá đó đã nuôi dưỡng họ, giúp họ hoàn thiện về nhiều phương diện giá trị con người. Những giá trị ấy là bất khả xâm phạm, không ai có quyền đụng chạm đến bàn thờ ông bà, tổ tiên cũng như không ai có quyền xâm phạm đến tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; suy rộng ra là mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Thừa nhận quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người mà không thừa nhận quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của mỗi dân tộc là trái quy luật. Cách lập luận đanh thép đó chẳng những giúp Việt Nam thấy rõ giá trị của lịch sử, mà còn tuyên bố cho thế giới thấy rằng, dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập ấy".

“Tuyên ngôn độc lập” soi sáng hôm nay  

Kể từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, dân tộc Việt Nam khẳng định độc lập chủ quyền của mình và được thế giới công nhận. Nhờ có đường lối đúng đắn, ý Đảng lòng dân gặp nhau, cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đi lên xây dựng những tiền đề vật chất cơ bản cho CNXH. Khi nhận rõ những yếu kém của mô hình XHCN, Đảng ta nhanh chóng đổi mới, tìm con đường đưa đất nước thoát khỏi khó khăn. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đã và đang thu được những thắng lợi to lớn, tạo tiền đề cho đất nước tiếp tục vững bước đi lên.

Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Tiếng nói của Việt Nam ngày càng quan trọng trong việc giải quyết, điều phối nhiều vấn đề quan hệ quốc tế của khu vực và thế giới, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thu hẹp những bất đồng, nhất là những vấn đề mà tất cả các bên cùng quan tâm, thúc đẩy đáng kể phong trào đấu tranh vì hoà bình, ổn định và phát triển.  

Gần đây, một số nơi đã xảy ra những sự việc "không bình thường" về quan hệ láng giềng. Mỗi người dân Việt Nam cần phải được trang bị và có sự hiểu biết về các nguyên tắc pháp lý quốc tế và Việt Nam về lãnh thổ, lãnh hải; hiểu rõ lịch sử đất nước qua các thời kỳ và nắm chắc các diễn biến tình hình thời sự liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải đất nước để có các hành động chuẩn mực, thể hiện lòng yêu nước trong mỗi công việc, hành động của mình, theo đúng các quy định pháp luật, theo sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.  

Kể từ khi ra đời, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh luôn là cơ sở phương pháp luận cơ bản quan trọng đảm bảo cho chúng ta tiếp tục xác định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như quá trình đấu tranh lâu dài, kiên trì, bền bỉ để giữ gìn độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. “Tuyên ngôn độc lập” mãi là ngọn đuốc soi đường để toàn dân tộc xác định con đường đi tới, giải quyết tốt quan hệ quốc tế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.  

------------------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. NXBCTQG, H. 2000, tr 1;2;3;4;19.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất