Có thể nói, trong hơn 80 năm qua, nhất là từ khi có cơ quan Ủy ban Kiểm tra chuyên trách của Đảng (1948) đến nay, công tác kiểm tra của Đảng đã đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tuy nhiên, hiện nay trước yêu cầu mới, công tác kiểm tra của các tổ chức, cấp ủy đảng còn nhiều yếu kém, hạn chế. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao, chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa tiêu cực và phát huy nhân tố tích cực. Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống diễn ra khá phổ biến. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt. Chính vì vậy, Đảng ta đã có nhiều văn bản, nghị quyết nhằm tăng cường, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Trước mắt, từ nay đến hết năm 2013, Bộ Chính trị đã có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát các tổ chức, cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương về các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta hy vọng qua các đợt kiểm tra của Bộ Chính trị trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽ có những chuyển biến rõ nét hơn.
Trong thời gian qua, các tổ chức, cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở và tất cả đảng viên của Đảng tiến hành xong công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Nói một cách hình ảnh thì đã bắt mạch được nhiều căn bệnh của các tổ chức đảng, cá nhân đảng viên. Kết quả cho thấy, mức độ khác nhau, mọi tổ chức, bộ phận, tế bào đều “có vấn đề” cần được chữa trị, thậm chí có bộ phận, tế bào đã bị “ung thư” cần phải cắt bỏ. Nhưng dù thế nào chăng nữa, điều quan trọng là sự cố gắng, tự giác, quyết tâm chữa trị căn bệnh của mỗi bộ phận, cá nhân đã được chỉ ra. Muốn khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm, có rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt quan trọng là công tác giám sát, kiểm tra của tổ chức, cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân. Bởi vì Bác Hồ đã khẳng định: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “thang thuốc hay nhất” để sửa chữa yếu kém, khuyết điểm “là thiết thực tự phê bình và phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài nói, bài viết, trong đó nêu lên những quan điểm vô cùng đúng đắn, phù hợp về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Dưới góc độ công tác kiểm tra, giám sát kết quả tự phê bình và phê bình cũng như việc sửa chữa hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình thì trọng tâm tập trung vào một số nội dung chính sau đây:
Sửa chữa được yếu kém, khuyết điểm là kết quả tất yếu của việc thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình.
Có thể nói, tiền đề để công tác kiểm tra đúng và trúng, tạo ra sự tiến bộ là phải “thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình”. Trong nhiều bài viết và bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng yếu tố “thật thà tự phê bình và phê bình trên tình thần đồng chí thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”. Nếu giấu giếm khuyết điểm, “giấu bệnh” thì cấp trên, người ngoài, thày thuốc có giỏi đến mấy cũng khó tìm ra hết bệnh. Trong quá trình tự phê bình và phê bình thời gian qua, do các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra có quá trình nắm chắc, theo dõi sát sao tổ chức đảng, cá nhân đảng viên có những yếu kém, khuyết điểm phức tạp, kéo dài nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa, tiếp tục được gợi ý kiểm điểm cho từng tổ chức, cá nhân. Đồng thời, thông qua phản ánh, khiếu kiện, tố cáo của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân đã phần nào thấy rõ những yếu kém, khuyết điểm của từng tổ chức và đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.
Có quan điểm đúng đắn về những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên.
Trong tình hình phức tạp hiện nay, khi kiểm tra, giám sát những tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng đảng cần có thái độ công tâm, khách quan, đúng mực. Cũng như một cơ thể sống, trong quá trình phát triển, từng tổ chức, cấp ủy đảng không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót, khuyết điểm. Tuy vậy, không vì thế mà giấu giếm khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác Hồ đã chỉ rõ phương pháp đúng đắn để có nhìn nhận khuyết điểm, yếu kém trong Đảng rằng, trước những yếu kém, khuyết điểm, sai lầm của Đảng, có những người lại lạc quan một cách quá mức, cho rằng “trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo”. Có những người lại cho rằng “trong Đảng cái gì cũng kém, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng”. Các thế lực phá hoại, phản động thì lợi dụng sai lầm, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc, phá hoại Đảng ta. Có một số người thì có thái độ thờ ơ, lãnh đạm, “sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn yếu ớt”. Cũng có những người coi những đảng viên có khuyết điểm, sai lầm như “đối với rắn hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm được như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi. Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên, phái có “thái độ đúng” khi nhìn nhận, đánh giá khuyết điểm, yếu kém trong Đảng cũng như của mối cán bộ, đảng viên. Tức là, “phân tích rõ ràng, cái gì đúng, cái gì sai”; “không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt, ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt”; “không mặc kệ, mà ra sức đấu tranh, sửa chữa những khuyết điểm”; “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ”; “đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”.
Khi tự phê bình và phê bình càng thiết thực, cụ thể, có phương pháp sửa chữa hợp lý thì thiếu sót, khuyết điểm càng nhanh chóng được khắc phục. Nếu như trong những bước chuẩn bị tự phê bình và phê bình từ khâu lựa chọn những vấn đề, những nội dung thiết thực, cụ thể, làm rõ những vụ việc bức súc, nổi cộm, được cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân quan tâm; trong quá trình tự phê bình và phê bình được làm kỹ càng, nghiêm túc đề ra được những phương pháp, cách thức sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm thì công tác kiểm tra, giám sát sửa chữa khuyết điểm, yếu kém càng cụ thể, đạt hiệu quả cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách chữa những khuyết điểm, yếu kém là các cơ quan chỉ đạo “phải có cách lãnh đạo cho đúng”. Muốn vậy, “cấp trên phải hiểu cấp dưới và tình hình quần chúng để chỉ đạo cho đúng”; “cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ)”; “cấp dưới phải báo cáo, cấp trên phải kiểm soát”. Một trong những giải pháp quan trọng nữa là Đảng “phải nghiêm ngặt kiểm tra”, “kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”.
Dựa vào dân để kiểm tra, giám sát, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm
Một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng ta là, Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào dân đề xây dựng Đảng. Do vậy, trong thời gian tới, khi Đảng ta ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thì đây là một kênh vô cùng quan trọng để đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Đảng phải công khai, phải đưa mọi vấn đề ra cho quần chúng thảo luận, kể cả tự phê bình của cán bộ, đảng viên. Hãy xuống với dân, hỏi dân, lắng nghe dân, tìm hiểu cuộc sống của dân, người ta sẽ góp ý. Từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hẳn một phần nói về việc cán bộ, đảng viên phải học hỏi dân chúng trong công tác, kể cả trong việc kiểm tra, giám sát. Người cho rằng, nếu “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyến điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi”. Người yêu cầu “tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề ra cho dân thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Và nhiều khi người dân có thể giải quyết nhiều việc rất chóng vánh mà người lãnh đạo nghĩ mãi cũng không ra. Bởi vì: “Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.
Trong việc sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, hãy cho nhân dân thảo luận. Người dân mình rất trăn trở và rất độ lượng trước những khuyết điểm của Đảng, nếu Đảng thực sự quyết tâm sửa chữa thì người dân sẵn sàng ủng hộ. Phải công khai cho dân thì dân mới dựa vào đó để kiểm soát hành vi của cán bộ, đảng viên. Chừng nào mà người dân còn muốn góp ý cho Đảng, người ta phê bình đảng viên này, cấp ủy khác thì đó là dấu hiệu của hạnh phúc. Nếu người dân quay mặt đi, im lặng không nói thì đó là điều bất hạnh, là nguy cơ lớn của Đảng. Bây giờ dân còn đang rất hào hứng góp ý cho Đảng, nhân dân rất kỳ vọng, vấn đề còn lại là quyết tâm của Đảng và Nhà nước làm như thế nào cho hiệu quả. Các tổ chức đảng phải có cơ quan tiếp dân để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Nhưng cụ thể nhất là các đơn vị cơ sở, phải có nơi để cho người ta phát biểu ý kiến tâm huyết thực sự. Nếu kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và đóng góp trực tiếp của người dân thì chắn chắn mọi yếu kém, khuyết điểm sẽ được khắc phục sửa chữa một cách có hiệu quả cao.
Vũ Lân