Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện lời dạy và làm theo “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người con đất Việt luôn thấm nhuần và phát huy đạo lý ấy.
Tư tưởng của Bác về ngày thiêng liêng
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước. Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, với bao công việc bộn bề nhưng Người đã gửi thư tới đồng bào Nam bộ, trong thư có đoạn viết: Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng. Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào Việt Nam, Người lại viết: Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng. Ngày 16-2-1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sĩ của nước ta.
Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khối và tỉnh họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí, đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày thương binh, liệt sĩ” trong cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành ”Ngày thương binh, liệt sĩ”.
Sinh thời, Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến phát động các phong trào nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 1948, Người gửi thư cho các cháu nhi đồng phát động phong trào công tác Trần Quốc Toản nhằm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, liệt sĩ. Năm 1951, Người phát động phong trào ”Đón thương binh về làng“ để Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các làng, xã giúp đỡ thương binh làm những công việc nhẹ, phù hợp để có thể tự sinh sống, hoà nhập với cộng đồng, động viên anh chị em thương binh phấn đấu trở thành những người ”tàn nhưng không phế”, hăng hái, lạc quan đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Người thường xuyên viết thư, báo kịp thời biểu dương, cổ vũ những cá nhân, tập thể có thành tích giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ. Tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể. Bản thân Người xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa, 1 tháng lương, 1 bữa ăn của Người và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ) ủng hộ. Sau này, Người còn nhiều lần gửi tiền tiết kiệm, nhuận bút của mình ủng hộ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước.
Trước lúc đi xa, Người không quên nhắn nhủ lại với các thế hệ cháu con Việt Nam rằng: Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách giúp cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi lại sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
|
Những bức thư thiêng ở Thành cổ Quảng Trị sau mấy chục năm trong lòng đất, hiện vật của những người lính chưa kịp gửi về gia đình trước ngày bước vào trận đánh cuối cùng. Rất nhiều người đã xúc động khi đọc những dòng thư: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh… Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”. |
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước đã được chúng ta thực hiện tốt.
Theo thống kê của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nước ta có gần 1,4 triệu người có công với cách mạng bao gồm 12 đối tượng (trong đó bao gồm cả thương binh và liệt sĩ) được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với ngân sách hơn 30.000 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2012 đã xác nhận và giải quyết chế độ cho 3.849 trường hợp hưởng chính sách thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; xác nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 189 trường hợp; cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 10.000 trường hợp; tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 114 trường hợp; giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho gần 40.000 trường hợp; trợ cấp cho 10.755 trường hợp hưởng trợ cấp ưu đãi một lần (người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương kháng chiến…); giám định 302 mẫu sinh phẩm của liệt sĩ và 412 mẫu sinh phẩm của thân nhân, có kết quả được 153 trường hợp và kết quả đúng là 68 (44%); xác định danh tính 1.831 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Việt-Lào thông qua giám định mẫu sinh phẩm.
Năm 2012, công tác xã hội hóa chăm sóc Người có công ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng: Phụng dưỡng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây mới 11.202 nhà tình nghĩa, sửa chữa 7.317 nhà tình nghĩa; 96% số xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 96% số hộ gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với cộng đồng dân cư nơi cư trú; tặng quà các đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết cho hơn 4 triệu lượt người có công; điều dưỡng gần 80.000 lượt người có công tại 42 Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người có công trong cả nước.
Vũ Huyền