Trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhất là vào cuối năm 1944, tình hình diễn biến mau lẹ, thời cơ khởi nghĩa đang đến gần, lực lượng chính trị quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, các lực lượng vũ trang cách mạng của quần chúng (du kích, tự vệ) lần lượt ra đời và phát triển nhanh chóng. Ngày 22-12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Bản Chỉ thị là sự kế thừa, phát triển những di sản tư tưởng quân sự phong phú của dân tộc, tiếp thu những giá trị tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Đặc biệt, đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận quân sự Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, nhằm tổ chức ra đội quân chủ lực, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng: Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Bản Chỉ thị tuy ngắn gọn nhưng có tính chất như một Cương lĩnh quân sự vắn tắt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bác sự cần thiết, cách tổ chức, nguyên tắc xây dựng, chức năng nhiệm vụ và mối quan hệ giữa đội quân chủ lực với các đội vũ trang địa phương...
Trong phạm vi 2 trang (trang 507 và 508) trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB CTQG, H.2002, nội dung bản Chỉ thị toát lên một số vấn đề cơ bản cốt lõi sau đây:
1. Bản Chỉ thị chỉ rõ tính cấp thiết phải tổ chức ra đội quân chủ lực (đội quân chính quy)
Ngay ở trang đầu tiên của Chỉ thị, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ lý do phải thành lập đội quân chủ lực “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Trong rất nhiều tác phẩm trước đó, Người đã sớm đề cập tư tưởng về thành lập quân đội, song chưa đề cập cụ thể phải thành lập ngay, chỉ đến khi phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ, thời cơ khởi nghĩa vũ trang tới gần, Người mới chủ trương thành lập “đội quân chủ lực”. Điều đó vừa đúng với lý luận Mác - Lênin về tình thế và thời cơ cách mạng, vừa xuất phát từ yêu cầu trực tiếp của phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng. Sự ra đời bản Chỉ thị thành lập quân đội của Hồ Chí Minh còn xuất phát từ nhận thức đúng đắn của Người về vai trò của đội quân chủ lực làm “nòng cốt” cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Như vậy, Chỉ thị thành lập đội quân chủ lực của Hồ Chí Minh ra đời khi chúng ta đã có những điều kiện chín muồi: Có Đảng lãnh đạo; Mặt trận Việt Minh được thành lập và có uy tín rộng rãi trong nhân dân; các khu căn cứ địa cách mạng được củng cố, mở rộng; phong trào cách mạng của quần chúng lên cao; lực lượng vũ trang của quần chúng lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ… Những điều kiện trên đây đã tạo cơ sở vững chắc cho sự ra đời đội quân chủ lực, đáp ứng yêu cầu trực tiếp của khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
2. Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức lập đội quân chủ lực
Nếu như, phương thức lập ra quân đội chủ lực trong truyền thống quân sự của dân tộc ta thường được tiến hành thông qua việc tuyển chọn những nam giới trong độ tuổi, có sức khỏe tốt từ các làng, xã để gia nhập quân triều đình. Phương thức lập ra quân đội vô sản theo quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lênin là tuyển chọn những công dân có sức khỏe, có tinh thần cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân và nông dân để thành lập ra đội quân chủ lực - đội quân công nông (sự ra đời của Hồng quân Xô Viết là một ví dụ), thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ trương “chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”.
Như vậy, cách tuyển chọn để lập ra đội chủ lực của Hồ Chí Minh là tuyển những người cách mạng đang hoạt động trong các đội vũ trang địa phương, nhưng phải là những người ưu tú nhất, cùng với vũ khí hiện có. Việc tuyển chọn như thế sẽ tạo thuận lợi cho đội chủ lực khi mới ra đời vừa bảo đảm chất lượng về con người (có tính tổ chức, tính kỷ luật, đã qua rèn luyện thực tiễn trong phong trào cách mạng của quần chúng…), vừa bảo đảm yếu tố bí mật, kịp thời, cho phép đội chủ lực có sức mạnh hoạt động được ngay. Thực tế cho thấy, ngay khi ra đời, đội quân chủ lực đã có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (đánh thắng các trận đồn Phay Khắt, Nà Ngần); đây là dấu mốc đầu tiên của truyền thống quân đội là: Dám đánh, biết đánh và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân
Trong bản Chỉ thị, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”. Đây chính là tư tưởng của Người về sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân là sự kế thừa, đúc kết kinh nghiệm của dân tộc ta về xây dựng các thứ quân: “Quân triều đình”, “Quân các lộ” và “Dân binh”. Đặc biệt, Người đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin về xây dựng các “đội dân cảnh”, xây dựng “quân đội thường trực” vào thực tiễn xây dựng quân đội ở Việt Nam.
Theo tư tưởng chỉ đạo đó của Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích dần được hình thành và ra đời đáp ứng sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Tư tưởng này của Người tiếp tục phát triển và từng bước hoàn chỉnh cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
4. Những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và hoạt động của đội quân chủ lực
Bàn về nguyên tắc xây dựng đội quân chủ lực, Hồ Chí Minh viết: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền”. Điều này thể hiện rõ một vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng của Người về xây dựng đội quân chủ lực, đó là: "Chính trị làm gốc", là nền tảng cho các hoạt động quân sự.
Chính trị trong tư tưởng của Người là phương hướng giai cấp, thể hiện ở đường lối chính trị của Đảng. Điều này cũng có nghĩa là việc xây dựng quân chủ lực phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; phải luôn lấy mục tiêu, đường lối chính trị của Đảng làm căn cứ đề xây dựng; phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
“Chính trị trọng hơn quân sự” không có nghĩa là Người tuyệt đối hóa nhân tố chính trị, coi nhẹ hoặc hạ thấp nhiệm vụ xây dựng các nhân tố khác của quân đội, mà cốt lõi là làm quân đội thấm nhuần hệ tư tưởng vô sản, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc. Xét về lâu dài, phải xây dựng, phát triển đội chủ lực thành lực lượng hùng hậu, luôn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng và cách mạng, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của cách mạng, phạm vi hoạt động khắp đất nước, “đi suốt từ Nam chí Bắc”.
Trong bản Chỉ thị, Hồ Chí Minh còn chỉ ra nguyên tắc xây dựng quân chủ lực đó là nguyên tắc tập trung. Chỉ thị chỉ rõ: “Tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên”. Trong các tác phẩm trước đó, Người chưa nêu lên vấn đề này, chỉ đến tác phẩm này, Người mới đề cập rõ nguyên tắc tập trung lực lượng để thành lập quân chủ lực, điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo nền móng lý luận cho sự phát triển quân chủ lực thành các Binh đoàn, Đại đoàn quân sau này. Một vấn đề nữa trong nguyên tắc mà Người đề cập là việc xây dựng quân chủ lực là phải theo phương hướng: “Từ nhân dân mà ra”; “Người trước súng sau”.
5. Về chức năng, nhiệm vụ của đội quân chủ lực và mối quan hệ giữa đội quân chủ lực với các đội vũ trang địa phương
Trong bản Chỉ thị, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những vấn đề cơ bản về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Chức năng của quân chủ lực được Hồ Chí Minh đề cập trong Chỉ thị là “đội tuyên truyền” và “đội quân chiến đấu”. Tư tưởng đó sau này được Hồ Chí Minh hoàn thiện trong các tác phẩm kế tiếp thành đội quân chiến đấu; đội quân công tác; đội quân lao động - sản xuất. Xét vào điều kiện cụ thể khi mới ra đời đội quân chủ lực lúc đầu lấy tuyên truyền là chính, điều này được đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố trong buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Nhưng xét về lâu dài, quân đội phải thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu phát triển của cách mạng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đội quân đàn anh, dìu dắt, giúp đỡ (huấn luyện, vũ khí trang bị…) cho đội vũ trang địa phương không ngừng lớn mạnh, trưởng thành.
Đối với đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
Quan hệ giữa đội chủ lực và đội vũ trang địa phương: Gắn bó, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong xây dựng và tác chiến, để cùng nhau phát triển. Trong đó, đội quân chủ lực phải phát triển dần lên quy mô lớn, phải luôn tỏ rõ vai trò là “đội quân đàn anh”. Ngoài ra, đội vũ trang địa phương cũng là lực lượng là lực lượng trực tiếp bổ sung lực lượng cho quân chủ lực.
Tóm lại, những tư tưởng quân sự cơ bản trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh, có giá trị to lớn đối với Đảng, cách mạng, quân đội ta cả trong lịch sử và hiện thực.
Sự ra đời bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận để từ đó Đảng ta vận dụng vào quá trình xây dựng, phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Việc tổ chức ra đội quân chủ lực - quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản vào ngày 22-12-1944 theo chỉ thị của Người đã làm cho quân đội ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tuy dung lượng ngắn, song nội dung bản Chỉ thị lại rất rõ ràng, chứa đựng toàn bộ những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản. Tư tưởng của Người đã góp phần bổ sung, phát triển lý luận quân sự Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Đến nay, tuy hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi, song những tư tưởng cơ bản trong bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân của Hồ Chí Minh vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, vẫn là kim chỉ nam cho Đảng ta trong lãnh đạo xây dựng và phát triển quân đội thời kỳ mới. Từ tư tưởng cơ bản về việc thành lập đội quân chủ lực trong bản Chỉ thị ấy, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo xây dựng, phát triển quân đội theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Cũng chính từ tư tưởng quân sự cơ bản đó trong bản Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào xây dựng, phát triển bộ đội địa phương và dân quân du kích, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang 3 thứ quân đáp ứng yêu cầu của công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thiếu tá Phùng Thanh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng