Được tham gia chấm bài trong một số Giải báo chí và hằng năm thẩm định các tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp hội nhà báo ở Trung ương và địa phương, tôi thực sự xúc động khi đọc được các bài viết thuộc thể loại: người tốt, việc tốt của các đồng nghiệp như: “Hạt gạo sạch, hạt gạo thơm”; “Hai năm trả lại khách hàng 667 triệu đồng” (báo Nhân Dân); “Bà Tân giúp thí sinh nghèo” (báo Hà Nội Mới); “lão ngư mù đánh cá bằng …tai” (Tạp chí Thủy sản); “Chuyện về một người “đồng nát” (báo Phụ nữ Việt Nam); “Chuyện mất ví” (báo Thanh Hóa); “Quét rác đêm” (báo Đất mũi- Cà Mau); “Người thầy thuốc quân đội làm theo lời Bác”(báo Thái Bình)…
Những tấm gương đều được viết ngắn gọn, súc tích, biểu hiện người viết đồng cảm với nhân vật và tập trung làm nổi bật đạo đức trong sáng của con người thời đại. Đặc biệt, người viết có tâm, đức và có nghề. Vì thế, những câu chuyện đó cứ đọng mãi trong tôi cũng như trong lòng bao bạn đọc. Chắc chắn, bài viết đạt hiệu quả tốt. Đúng như nhiều nhà báo đã nhận xét:Thật khó có thể hình dung được diện mạo của nền báo chí cách mạng nước ta nếu không tính đến sự góp mặt đầy hiệu quả của các tác phẩm thuộc dạng bài người tốt, việc tốt bên cạnh các thể loại báo chí khác: tin, xã luận, bình luận chuyên luận, phóng sự, điều tra.
Thật vậy, chỉ có báo chí Việt Nam mới có dạng bài người tốt, việc tốt được xem như một thể loại cùng với các thể loại báo chí khác do Bác Hồ- Nhà báo cách mạng vĩ đại đã khai sáng từ cuối năm 1959 và sử dụng rất thành công như một vũ khí chính trị sắc bén trong việc đấu tranh chống các thế lực thù địch, chống cái xấu, ác, khơi dậy đức tính tốt đẹp của con người trong các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ sáng lập, Bác còn dạy cách viết gương người tốt, việc tốt chính xác, hợp lý. “Khi đồng chí Hà Huy Giáp đọc chuyện một anh bộ đội, chiến đấu bị thương nặng, thủng bụng. Khi phẫu thuật (Bác nhắc: Sao không viết là mổ), chiến sỹ nọ vẫn ngẩng đầu động viên bác sỹ…Bác nhận xét: Bị thương nặng thủng bụng còn ngẩng đầu lên động viên bác sỹ thì có đúng thế không? Có lẽ hư cấu hoặc chưa đến nỗi thủng bụng, nói tố lên? Phải nói sao cho chính xác, hợp lý thì người ta mới tin, mới có tác dụng giáo dục. Còn cái đoạn anh bộ đội phất cờ để ra hiệu bắn, khi anh bị thương tay nọ sao không phất cờ bằng tay kia mà lại buộc cờ vào tay gãy, có vẻ vô lý đấy”(1)
Nêu gương những con người nhằm mục đích đề cao đạo đức trong sáng cho mọi người dễ học, để noi theo. Do đó, so với các thể loại báo chí khác, bài viết người tốt, việc tốt thường có bố cục đơn giản, theo một nguyên tắc chung là người tốt phải gắn với việc tốt. Việc tốt là bằng chứng cho những phẩm chất của người tốt. Ở đây, hai yếu tố được gắn bó chặt chẽ với nhau: con người và sự việc. Đó là những chỉ dẫn cho người làm báo nhận biết để đi sâu vào thực tế viết gương người tốt, việc tốt được thuận lợi, dễ dàng nhưng lại có hiệu quả to lớn. Đúng như Bác Hồ đã nhắc nhở khi Bác có ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt tới nay vẫn còn nguyên giá trị:“Chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Hai cô gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào đi khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni lông của mình ra đậy gạo. Cụ già Việt kiều trở về Tổ quốc để cùng chia sẻ những khó khăn, cùng gánh vác công việc đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội…Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh thắng giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”. (2)
Hiện nay, trong bối cảnh đổi mới, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, người tốt, việc tốt đã có sự vận động phát triển. Chẳng hạn, có người biết làm giàu cho bản thân mình và cho quê hương đất nước, có người làm ăn buôn bán giỏi…Nhưng, dù có nét mới, có sự vận động phát triển thế nào chăng nữa, thiết nghĩ, khi viết về gương người tốt, việc tốt vẫn không thể thoát ra khỏi vòng trung tâm là đạo đức, là giữ bền gốc thiện. Vì thế, nhà báo có thể viết về các gương sáng làm giàu, nhưng không phải làm giàu bằng bất kỳ giá nào mà phải làm giàu chính đáng, giúp nhau cùng vượt khó làm giàu. Đó mới là đạo đức của con người thời kỳ mới và xã hội càng phát triển, càng cần những tấm gương trong sáng để chống lại những mặt trái đã phát lộ của kinh tế thị trường, như sự xuống cấp của đạo đức, tất cả vì đồng tiền bất chấp mọi thủ đoạn…
Chính điều này, lúc sinh thời Bác Hồ đã căn dặn những người làm báo: “Các chú có thấy các cháu bé Việt Nam nhặt được của rơi đem trả có ý nghĩa như thế nào không? Ở nước Mỹ và các nước tư bản, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy. Thế mà ở Việt Nam ta, các cháu bé đã biết sống như thế nào. Có cháu đã bảo mẹ đi tìm chú công an để trả lại của bắt được. có cháu bé lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn xảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn: “Bám vào đây! Bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà đã biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh…từ những việc làm của cháu bé như vậy” (3)
Nhận thức rõ ưu thế và sự đóng góp to lớn không thể phủ nhận của thể loại người tốt, việc tốt, việc tuyên truyền gương người tốt, việc tốt đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng nước ta. Nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đã mở chuyên mục “ người tốt, việc tốt” ở những vị trí trang trọng. Nhiều cơ quan báo chí đã cử những phóng viên đạo đức tốt, tay nghề giỏi để viết gương người tốt, việc tốt. Vì thế, nhiều bài viết về gương người tốt, việc tốt đã có sức lay động lòng người, có tiếng vang, có sức thuyết phục, tính giáo dục cao, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.
---------------------
(1).Theo lời kể của đồng chí Trần Cư. NXB QĐND.
(2), (3). Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, HN, (năm). t.12, tr. 550, tr. 549
Phạm Tài Nguyên
Nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam