Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định văn hóa có vai trò “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Đảng ủy xã Biển Hồ (Pleiku, Gia Lai) đã tổ chức học tập quán triệt và triển khai nghị quyết kịp thời sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể sát với tình hình của địa phương.
Là một xã cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) khoảng 9,5 km về phía Bắc, Biển Hồ có 5/10 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 20% tổng số dân toàn xã, bao gồm các dân tộc như Jrai, Bahnar, Tày, Thái, Khơme, Nùng, Mường. Đảng bộ xã Biển Hồ với 170 đảng viên, sinh hoạt ở 15 chi bộ trực thuộc.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định văn hóa có vai trò “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Đảng ủy xã đã tổ chức học tập quán triệt và triển khai nghị quyết kịp thời sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời ban hành nghị quyết để lãnh đạo sát với tình hình của địa phương, nêu rõ mục đích yêu cầu, nội dung của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống cũng như hoạt động xã hội của người người dân. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng ủy đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể, 4 nhóm giải pháp lớn của nghị quyết.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ở xã Biển Hồ, đã đạt được một số kết quả. Biển Hồ đã phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng với các phong trào, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi, hội thao, đại hội thể dục thể thao ở địa phương được tổ chức hằng năm và theo định kỳ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở địa phương, hạn chế các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhờ đó, nhận thức và hành vi của nhân dân trong chấp hành pháp luật đã được thay đổi phù hợp với đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) phát triển gắn với phong trào xây dựng thôn, làng văn hóa được nhân dân trong xã hưởng ứng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2001 có 1.066/1.461 (76,1%) hộ đạt GĐVH; năm 2005 là 1.157/1250 (92%) hộ đạt GĐVH; năm 2012 đạt 93% (1.601/1.717 hộ) GĐVH.
Đài truyền thanh của xã đã đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, thông tin đến từng thôn làng và từng hộ gia đình. Hằng năm, xã thực hiện được 2.190 giờ phát thanh. Ngoài các chương trình truyền thanh, các hình thức tuyên truyền trực quan khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ đã thực sự tác động đến đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong xã.
Các di sản văn hóa trên địa bàn được bảo tồn và phát huy giá trị. Xã đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, gắn kết hài hòa việc bảo tồn và phát huy di sản với làng nghề dệt thổ cẩm, đan, tạc tượng… Công tác giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng cho nhân dân trong toàn xã nhất là thế hệ thanh, thiếu niên, học sinh được triển khai sâu rộng. Ngoài việc phát huy và giữ gìn văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian, làng nghề ở các làng đã được duy trì và bảo vệ; tổ chức, tham gia liên hoan cồng chiêng do thành phố tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn và khôi phục lại giá trị của cồng chiêng.
Năm 1990, di tích lịch sử - văn hóa Biển Hồ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đây không chỉ là vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc trong xã mà còn là tài sản quý giá phải giữ gìn và tôn tạo. Do vậy, Đảng uỷ đã thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền giáo dục nhân dân ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn, nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, nhất là nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong toàn thành phố Pleiku.
Các thiết chế văn hóa được xã quan tâm đầu tư xây dựng cùng với xây dựng nông thôn mới. Hiện xã có một số điểm vui chơi, tập luyện TDTT như sân bóng đá mini, nhà rông văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng…cơ bản đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.
Việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số được duy trì thường xuyên. Hằng năm, các dân tộc thiểu số ở xã tham gia các lễ hội do thành phố Pleiku tổ chức như: Liên hoan cồng chiêng, tạc tượng nhà mồ, chỉnh chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, khắc tượng; tham gia hội thi hát dân ca, hát khan, các trò chơi dân gian, lễ hội lớn trong các dịp lễ lớn của đất nước. Xã đã xây dựng được 1 đội cồng chiêng gồm 35 nghệ nhân, trong đó có 16 nghệ nhân nữ múa xoang thường xuyên tập luyện và truyền dạy cho lớp trẻ; đầu tư mua một bộ cồng chiêng gồm 15 chiếc, trị giá 20 triệu đồng để nghệ nhân 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số tập luyện; tổ chức sinh hoạt trong các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) như: Sự chênh lệch về mặt nhận thức giữa các dân tộc có sự khác nhau, dẫn đến mức độ hưởng thụ những giá trị văn hóa cũng có sự khác nhau; công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Biển Hồ ở xã còn ít; một bộ phận nhân dân chưa thực sự quan tâm giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ CNH - HĐH.
Tiếp tục thực hiện Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong thời gian tới, Biển Hồ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Chăm lo phát triển con người về thể lực, trí lực, tình cảm, có lý tưởng và nhiệt tình cách mạng, trung thành với sự nghiệp đổi mới, có kỹ năng lao động và sáng tạo, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Tiếp tục bảo tồn và phát huy Di tích lịch sử - văn hóa Biển Hồ. Xây dựng tốt đời sống văn hóa ở các thôn làng, đặc biệt ở 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, không gian văn hóa cồng chiêng.
3. Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa theo quy chế hoạt động văn hóa thông tin nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm về lĩnh vực văn hóa theo quy định của pháp luật, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở từng thôn, làng trên địa bàn xã.
4. Tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa sự nghiệp văn hóa TDTT, đẩy mạnh và củng cố xây dựng các thiết chế văn hóa ngày càng phát triển, khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống ở 5 làng, coi trọng công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống.
5. Triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở địa phương, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội.
6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với thực hiện đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị” trên địa bàn của xã. Phấn đấu: đến năm 2015, trên địa bàn xã có 99% hộ gia đình đạt GĐVH và 10/10 thôn làng đạt thôn làng văn hóa; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hoá, nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa xã và các thôn, làng; tăng cường tiềm lực và tài lực cho hoạt động văn hoá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Nguyễn Đăng Quang
Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku