Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, từ chỗ bỡ ngỡ, lúng túng lựa chọn đường đi, đến nay Thái Bình đang rộng đường thẳng tiến với nhiều cách làm sáng tạo. Và một nông thôn mới đang dần hiện hữu trên quê hương Thái Bình.
Một ngày đầu hè nắng vàng rực rỡ, về xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, trên con đường nhựa êm êm qua sông Hoàng Giang bỗng nhớ cái con đường đất lầy lội, cái bến Ría cùng con đò ngang tròng trành năm nào mà chỉ một lần qua đủ nhớ cả đời. Và khi chiếc ô tô con cứ thoải mái lượn vòng từ thôn An Cơ Đông sang An Cơ Bắc, An Cơ Nam… thì tôi mới thấm thía cái giá trị của nông thôn mới. Phó chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Thái Bình, Lê Nguyên Hoài thốt lên: “Thanh Tân giờ như phường, như phố”.
Đọc nhanh báo cáo của xã với những con số ấn tượng: 4 năm tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tân đã lên đến trên 155 tỷ đồng trong đó cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện, vốn tín dụng, vốn đầu tư của doanh nghiệp, nội lực xã đã tạo nguồn được trên 10 tỷ đồng; nhân dân đóng góp từ hiến đất, ngày công lao động, góp tiền, hiện vật được trên 20 tỷ đồng; các con em xa quê gửi về ủng hộ trên 6 tỷ đồng. Cùng với khát vọng và tâm huyết của đội ngũ cán bộ và nhân dân trong xã nguồn lực trên đã làm lên một Thanh Tân đang tiến đến rất gần một nông thôn mới với 18 trên 19 tiêu trí đã thành công.
Trưởng thôn An Cơ Đông cho biết: Thôn không còn hộ đói, không còn nhà rạ, hầu hết nhà mái ngói, mái bằng, cao tầng có công trình vệ sinh tự hoại, có xe máy, ti-vi, nước máy, đường bê tông chạy đến từng nhà. Rác thải được xử lý 100%, sạch từ nhà ra đường, ra đồng. Thôn không có nghiện hút, không trẻ em bỏ học, tình làng nghĩa xóm hoà thuận.
Không dấu được niềm vui, cụ Nguyễn Thị Gái, 85 tuổi ở thôn An Cơ Bắc chỉ vào con đường thôn trước cửa nhà xúc động nói: “Con đường này trước kia vừa bé vừa lậy lội, bây giờ ô tô đi còn rộng. nhà cửa khang trang, cuộc sống đủ đầy, làng xóm vui vẻ, sung sướng thế này muốn sống đến trăm tuổi”.
Bí thư Đảng ủy Thanh Tân - Phạm Văn Nhận - đưa chúng tôi thăm cụm công nghiệp của xã. Quả là bất ngờ, một xã mà có tới 7 doanh nghiệp, 3 HTX, 37 tổ hợp nghề cùng hàng trăm cơ sở dịch vụ (riêng năm 2012 có 3 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn gần 50 tỷ đồng) tạo việc làm cho 2.300 lao động. Trong câu chuyện đã có một doanh nghiệp về đầu tư hàng chục tỷ xây dựng trung tâm thể thao văn hóa hiện đại. Nơi đây sẽ có bể bơi, sân cầu lông, bóng bàn… phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe cho cả một vùng.
Tôi nói với anh Nhận: “Hoàn thành 19 tiêu trí thì nông thôn bây giờ chẳng thua kém gì thành thị, nhiều mặt thậm chí hơn, nhất là không gian rộng rãi, thoáng mát, hữu tình”.
Tôi cùng Phó Chủ tịch huyện - Phó ban chỉ đạo nông thôn mới huyện Quỳnh Phụ, Nguyễn Thị Phượng về thăm nông thôn mới Quỳnh Minh. Mới chớm đến đầu làng tôi ngạc nhiên trước diện mạo mới của làng quê. Đường vào làng, đường ra đồng rộng rãi, phẳng ngạt như ru. Đường trung tâm xã, lòng rộng tới 10m, vỉa hè lát gạch đỏ au, hai bên là trường học, nhà văn hóa, trụ sở , đài tưởng niệm liệt sỹ soi bóng mặt hồ xanh.
Vậy mà khi trao đổi, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Huynh lại nhấn mạnh vào điểm đột phá đưa Quỳnh Minh tiến nhanh vào nông thôn mới. Đó là các mũi phát triển sản xuất, hoàn thành nhanh chóng khâu khó khăn phức tạp nhất: dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Những mảnh ruộng con con như áo vá chằng đụp bao đời đã nhường cho những thửa ruộng lớn, những cánh đồng mẫu lớn. Con trâu giờ đây đã trở thành hình ảnh biểu tượng. Một xã mà có 17 máy cày, 5 máy gặt đập liên hoàn và máy công cụ sạ hàng.
Đưa chúng tôi ra thăm đồng, ánh mắt tôi theo dòng nước ăm ắp từ kênh mương bê tông, chảy vào tưới mát cánh đồng dưa trĩu quả. Quỳnh Minh đã phân định rõ 4 vùng sản xuất: 25 ha chuyên màu, 115 ha lúa và cây vụ đông, 110 ha vùng 2 lúa và 18,4 ha chăn nuôi tập trung. Nhiều giống như dưa chuột, ngô ngọt, ớt xuất khẩu cho thu nhập gấp nhiều lần lúa. Vụ Đông ở đây phủ xanh kín đất đưa giá trị canh tác từ 90 triệu (năm 2008) lên 135 triệu/ha (năm 2012). 100% lao động có việc làm thu nhập bình quân năm tăng lên 24 triệu/ người. Quỳnh Minh đang có thêm nét văn hóa mới, như trong thôn có người qua đời, mỗi gia đình giúp 1 cân gạo, ngày 8-3 các xóm tổ chức liên hoan và tặng hoa chị em phụ nữ…
Sáng hôm sau, vượt qua phà Tịnh Xuyên tôi về Hồng Minh một xã nằm bên hai con sông Hồng và sông Trà Lý. Chủ tịch UBND, Trưởng ban xây dựng nông thôn mới huyện Hưng Hà Nguyễn Hồng Chuyên rất say với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Anh cho biết, Hưng Hà xây dựng nông thôn mới với 4 mới: đã tạo ra một nhận thức mới của người dân; tạo nếp sống mới, lối sống mới ở đó thuần phong mỹ tục, văn hóa bao đời kết tinh gìn giữ và hòa cùng nhịp sống hiện đại hôm nay; diện mạo làng quê đổi mới, đường đi lối lại rộng rãi, nhà cửa khang trang, môi trường xanh sạch. Huyện đã ra quyết định bảo vệ những chiếc ao làng cổ và những cây cổ thụ có giá trị trong nông thôn mới; diện mạo đồng ruộng mới được chỉnh trang, quy vùng sản xuất, luân canh, cơ giới hóa vào đồng ruộng. Máy gặt đập Hưng Hà còn hành quân vào gặt cho nông dân Thanh Hóa.
Điều mà người đứng đầu huyện này trăn trở là làm thế nào để có thêm nguồn lực cùng với sự đóng góp của người dân, đầu tư của Nhà nước tạo sức mạnh tổng hợp. Từ suy nghĩ đó, Huyện ủy ban hành Nghị quyết 104, UBND huyện đã xây dựng đề án 02 về: “Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống và chỉnh trang các khu dân cư theo tiêu trí nông thôn mới” những mảnh đất chân tre, rìa làng, đất khó giao, ao tù nước đọng ở các thôn làng được quy hoạch, tạo mặt bằng đấu giá quyền sử dụng đất. Cách làm này một mũi tên trúng nhiều đích: cải tạo được diện mạo xóm làng, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu về đất ở của người dân trong xã cũng như những người con xa quê, đặc biệt tạo ra nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới.
Chủ tịch xã Hồng Minh Phạm Hồng Khanh cùng chúng tôi đi thăm một “phố mới” ven làng với những ngôi nhà cao tầng tươi rói được mọc lên trên những ao tù, hoang hóa. Có một so sánh khá thú vị mấy chục năm Hồng Minh mới được 8 trên 19 tiêu trí khung nông thôn mới. Nhưng chỉ sau 4 năm, Hồng Minh đã hoàn thành 8 tiêu trí và hết năm 2013 một nông thôn mới Hồng Minh sẽ soi bóng nước sông Hồng.
Vào thăm nhà một đảng viên, cựu chiến binh từng chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972 - bác Phạm Hồng Cẩm thôn Đồng Đào, ngôi nhà đẹp, xanh tươi bên con đường mới mở. Bác Cẩm xúc động nói: Xây dựng nông thôn ở Hồng Minh, ở Hưng Hà kết tinh “Ý Đảng, lòng dân” và thiết thực thực hiện lời Bác dạy: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Đi giữa những làng thôn nhịp sống hối hả, Bí thư huyện ủy Vũ Thư Nguyễn Tiến Thành cho biết: Vũ Thư xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Tập trung phát triển sản xuất, đã có hàng chục cánh đồng mẫu từ 40 ha trở lên. Đã có nhiều xã như xã Song An cấy lúa xuất khẩu sang Nhật. Vũ Thư cũng là huyện đưa mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, là huyện gieo xạ, gieo vãi tới 50% diện tích lúa, mỗi vụ giảm chi phí cho người trồng lúa hàng tỷ đồng.
Về xã Nguyên Xá xe chạy quanh làng, quanh đồng không chán mắt, đường đẹp, nhà cửa đẹp, nhà văn hóa thôn to đẹp chẳng kém mấy nhà văn hóa xã, đường bê tông chạy cùng kênh máng tưới tiêu cho những cánh đồng bát ngát. Nguyên Xá chỉ còn 3 tiêu chí nữa, tất cả đang phấn đấu quyết liệt để hết năm 2013 cùng 8 xã điểm nông thôn mới Thái Bình về đích.
Trong chuyến đi lần này, còn có 4 xã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về những cách làm mới năng động trong xây dựng nông thôn mới. Đó là xã Thụy Văn, xã Thụy Phúc (Thái Thụy), Vũ Tây ( Kiến Xương) và Đông Phương (Đông Hưng). Đây là những xã không được chọn làm điểm đợt đầu, chưa được đầu tư nhiều những đã phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân và huy động mọi nguồn lực vì thế đã gặt hái những thành công vượt bậc. Tới đây, khi được sự đầu tư của nhà nước, rất có thể có những xã như Thụy Phúc, Thụy Văn cùng các xã điểm về đích và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình.
Thái Bình đang nhộn nhịp như một công trường lớn. Từ công trường ấy, sẽ đặt nền móng “Diện mạo mới, sức sống mới” cho làng quê. Sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên bộ mặt cánh đồng được quy hoạch khoa học, chi tiết, những mảnh ruộng lớn thênh thênh, kênh mương cứng hóa, đường bê tông mở rộng, cơ sở cho một nền nông nghiệp cơ khí hoá và tự động hoá. Tương lai không xa, nông thôn mới Thái Bình có thêm nhiều công trình phúc lợi xã hội, với những làng thôn như “phố trong làng”.
Cùng với đó, những gì là của cải tinh thần tinh tuý của làng, xã sẽ dần được khôi phục và phát triển. Một không gian nông thôn mới, nếp sống nông thôn mới, từ đó phát triển sản xuất nông công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, sẽ nối gần nông thôn với thị thành. Một hình ảnh không chỉ sự phát triển của làng quê Việt Nam sau bao cuộc kháng chiến mà còn thể hiện chính sách an sinh tốt đẹp.
Lã Quý Hưng