Bài hát
Mười chín Tháng Tám được nhạc sỹ Xuân Oanh sáng tác theo nhịp hành khúc trữ tình, đúng vào thời điểm lịch sử hào hùng của đất nước - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét
Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quan thù chung
Mười chín tháng tám ánh sáng tự do đưa tới
Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng
Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn
Người Việt Nam giữ vững trong tim lời thề
Mười chín tháng tám chớ quên là ngày khởi nghĩa
Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.
Mười chín Tháng Tám, bài ca bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của nhân dân ta lúc bấy giờ. Trước cảnh áp bức bóc lột hết sức tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật, khiến hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói trong 2 năm 1944-1945. Chúng ta không còn con đường nào khác là phải vùng lên cướp chính quyền giành độc lập, tự do.
Bản hùng ca được in ra, truyền tay ngay chiều 19-8 và ngày hôm sau đã loan truyền khắp cả nước, từ chiến khu Việt Bắc tới bưng biền kháng chiến Nam bộ. Giai điệu ngắn gọn, giản dị, nhưng hào hùng, sống động, dễ nhớ, dễ thuộc. Ca khúc có sức cổ vũ động viên toàn dân vùng dậy đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Lời ca tiếng hát biến thành tiếng nói khát vọng sống của nhân dân, để giờ phút căm hờn sục sôi dâng trào nhất tề đứng lên đập tan ách bạo tàn của thực dân Pháp và bè lũ phát xít Nhật.
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho non sông đất nước, mạch cảm xúc như tuôn trào vô tận, những lời ca như quyện vào máu. Người này ngã xuống, người khác lại đứng lên bất chấp mất mát hy sinh, tiếng hát vẫn vang lên. Cao hơn cái chết vẫn là những nụ cười khí thế cách mạng mùa thu Tháng Tám. Tất cả tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, tương lai tươi sáng với niềm tự hào của toàn dân tộc.
Thủ đô Hà Nội Tháng Tám mùa thu năm ấy, đội hình dân tộc trùng trùng điệp điệp, khí thế ngút trời vùng lên cướp chính quyền về tay nhân dân. Lúc đó vũ khí, súng, gươm chẳng có nhiều. Nhưng vũ khí vô tận là trái tim khối óc, là lòng yêu nước, khí thế căm hờn sục sôi mạnh mẽ của nhân dân. Già trẻ gái trai tự nguyện xiết chặt tay nhau dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Tất cả đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, nhất tề đứng lên cướp chính quyền để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhớ lại đêm 19-8 không ai ngủ, dù chỉ chợp mắt, mọi nguời chuẩn bị cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, băng rôn, biểu ngữ, hình Bác Hồ. Sáng ngày 19-8, từ sớm tinh mơ cả Hà Nội đã ầm ầm chuyển động, các ngả đường cuồn cuộn người đi, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng giương cao. Biển người náo nức, tiếng reo hò xen lẫn tiếng vỗ tay. Dòng người mít tinh từ năm cửa ô đồng loạt tiến vào trung tâm Hà Nội, từng đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, hát vang bài ca cách mạng. Lời ca gần gũi yêu thương như luồng gió cách mạng hừng hực sục sôi, thúc giục lòng người, lúc hùng tráng hiên ngang, lúc bổng lúc trầm thiết tha khao khát độc lập, tự do.
“Người Việt Nam giữ vững trong tim lời thề/ Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung/ Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề…”
"Mười chín tháng tám, ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn”.
Vận mệnh của đất nước đang thay đổi. Độc lập đây rồi. Tất cả mọi người đều cảm nhận điều đó.
Mười chín Tháng Tám không chỉ là tác phẩm của người nhạc sĩ sáng tác với xúc cảm của một người dân mới được tự do, mà nó là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa vĩ đại, của phong trào đấu tranh của nhân dân.
Đã 66 năm trôi qua, giờ đây nghe lại bài hát
Mười chín Tháng Tám đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, những kỷ niệm khó quên về ngày tổng khởi nghĩa lại sống dậy trong tâm hồn của mỗi người:
"Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét
Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung” .
Đỗ Văn Thông