Ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp đã chủ trương xây dựng Cảng Sài Gòn để phục vụ chiến tranh xâm lược và hoạt động buôn bán. Đầu năm 1860, Chính phủ Pháp chỉ định Công ty Hải vận Hoàng Đế xây dựng chi nhánh tại Sài Gòn để bảo trì, tiếp tế và sửa chữa tàu thủy. Trong hai năm 1862-1863, Công ty đã xây xong trụ sở Tổng đại diện tại Cảng Sài Gòn. Trụ sở có 2 tầng, được xây theo lối kiến trúc Pháp nhưng trên nóc nhà có hai con rồng bằng gốm men xanh châu đầu vào mặt trăng theo mô-típ “lưỡng long chầu nguyệt”- một kiểu trang trí quen thuộc của các đình, chùa Việt Nam. Chính vì vậy, trụ sở được gọi là Nhà Rồng và bến cảng này cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng.
Năm 1870, Công ty Hải vận Hoàng Đế đổi tên thành Công ty Vận tải Hàng hải, đã thay thế mặt trăng trên nóc Nhà Rồng bằng biểu tượng của công ty là vương miện, mỏ neo và đầu ngựa. Do vậy Công ty Vận tải Hàng hải thường được gọi là Hãng Đầu Ngựa. Ngoài Hãng Đầu Ngựa, tại bến cảng Nhà Rồng còn có Hãng Năm Sao, có bến đậu tại cầu tàu Sác-nê. Nơi đây, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.
Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn đã sửa lại mái Nhà Rồng và thay thế hai con rồng chầu mặt trăng bằng hai con rồng quay đầu ra ngoài. Từ năm 1965, chính quyền Sài Gòn sử dụng Nhà Rồng làm trụ sở của cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nhà Rồng được cải tạo và xây dựng thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 10-1995 đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. Tầng một của bảo tàng là phòng trưng bày “Quê hương và gia đình” với những hình ảnh thân thương của làng quê Nam Đàn, Nghệ An. Phòng tưởng niệm có bàn thờ Tổ quốc với câu đối: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Phòng trưng bày “Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ” thể hiện rõ tấm lòng của Bác với nhân dân miền Nam, như Người đã nói lúc sinh thời “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Ở đó cũng thể hiện tình cảm sâu đậm của đồng bào miền Nam với Bác, một lòng một dạ theo Bác đánh đuổi quân thù, giành lại giang sơn gấm vóc. Trên tầng hai của bảo tàng là 5 phòng trưng bày “Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp”, được bố trí theo trình tự thời gian.
Trước sân Nhà Rồng là bức tượng Nguyễn Tất Thành. Sân tượng khá rộng, được lát bằng đá hoa cương. Đây là nơi đồng bào dâng hương tưởng nhớ vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, Người đã ra đi tìm đường cứu nước giữa đêm trường nô lệ để hôm nay Tổ quốc được tự do, độc lập, nhân dân được an vui, ấm no, hạnh phúc.
Trương Văn Cần