Nghiên cứu bảo hiểm y tế (BHYT) dưới góc nhìn xã hội học không chỉ giúp chúng ta lý giải các hành vi cá nhân thích ứng với khái niệm dự phòng rủi ro sức khỏe trong xã hội hiện đại mà còn cho thấy nếu Đảng, Nhà nước lãnh đạo, quản lý và thực hiện tốt chính sách BHYT sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy công bằng xã hội, chuẩn hóa những giá trị đạo đức và nhân văn của xã hội.
Phần lớn quan niệm về bảo hiểm nói chung và BHYT nói riêng đều được xuất chiếu dưới góc độ của hoạt động kinh tế hoặc các sản phảm phái sinh của hoạt động tài chính. Tuy nhiên, các thuyết xã hội học đã chỉ rõ vấn đề kinh tế chỉ là một bộ của xã hội học, vì kinh tế học không thể nghiên cứu một loại thiết chế duy nhất, một loại chức năng xã hội tách biệt khỏi các chức năng, thiết chế xã hội khác mà nó nghiên cứu. Theo ý niệm này, trong luật BHYT Việt nam 2008, khái niệm BHYT được thể hiện một cách đầy đủ toàn diện, nó không chỉ là hoạt động kinh tế- tài chính, hoặc y tế thuần túy mà được nhìn nhận dưới góc độ xã hội, quản lý xã hội: “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật này”.
BHYT là một chính sách xã hội do Đảng lãnh đạo, Nhà nước tổ chức thực hiện nhưng cũng là thỏa ước, thỏa thuận dựa trên những chuẩn mực do các thành viên cộng đồng, xã hội xây dựng và thống nhất thực hiện dưới khẩu hiệu “lá lành đùm lá rách”, “ tham gia BHYT là góp phần phát triển kinh tế xã hội”. Theo đó, mọi người liên kết lại để thỏa mãn một trong những nhu cầu cơ bản của con người là nhu cầu khám chữa bệnh. Bởi chi phí khám chữa bệnh có thể luôn vượt quá khả năng chi trả của các cá nhân khi ốm đau, bệnh tật và xét về tổng thể, khả năng cá nhân giải quyết bài toán cực tiểu chi phí chữa bệnh của từng cá nhân là rất hạn chế. Thực hiện BHYT để mọi người đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách bình đẳng, có hiệu quả, để không một ai là thành viên trong xã hội bị loại ra khỏi lưới an sinh xã hội- không được chăm sóc y tế khi ốm đau bệnh tật xảy ra. Vai trò của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách BHYT rất quan trọng:
1. Đảng định hướng và lãnh đạo quá trình luật hóa quyền cơ bản của công dân để người dân có đủ điều kiện được chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả, chủ động
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, quyền được chăm sóc sức khỏe có nghĩa là Nhà nước phải tạo điều kiện để tất cả mọi người được sống một cuộc sống khỏe mạnh bao gồm: Cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ, môi trường sống và làm việc an toàn, thức ăn đủ dinh dưỡng. Rõ ràng, quyền được chăm sóc khi ốm đau được coi là một trong những nội dung cơ bản trong các quyền an sinh mà tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo mạnh mẽ và tham gia BHYT cũng được coi là quyền và nghĩa vụ bắt buộc ở hầu hết các nước thực hiện mô hình BHYT, quyền được tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau, được sống trong môi trường lành mạnh, thực phẩm và các điều kiện sống khác một cách an toàn… Luật hóa BHYT là một định chế làm minh bạch hóa quan hệ giữa quyền và trách nhiệm công dân. Luật hóa để thực hiện quản lý xã hội hướng đích công bằng hiệu quả, công dân có trách nhiệm với mình, đồng thời có trách nhiệm với xã hội. Luật hóa BHYT bảo đảm vị thế bình đẳng của các nhóm yếu thế trong xã hội khi đi khám chữa bệnh và làm lành mạnh hóa mối quan hệ giữa người tham gia BHYT, cơ quan BHYT và cơ sở khám chữa bệnh.
2. Đảng và Nhà nước thông qua BHYT thực hiện phân phối lại nguồn lực xã hội, hỗ trợ người dân tránh được “bẫy nghèo” do hậu quả của ốm đau, bệnh tật gây ra và thực hiện công bằng xã hội
BHYT thực sự là một công cụ phân phối lại nguồn lực xã hội. Các nhóm xã hội khác nhau đều đóng góp vào một quỹ chung theo một tỷ lệ nhất định theo một tiêu thức cố định, ví dụ theo tiền lương: nhóm có thu nhập cao đóng cao hơn so với nhóm thu nhập thấp hay nói cách khác ở đây có sự bao cấp chéo giữa nhóm có thu nhập cao cho nhóm có thu nhập thấp, không tính đến yếu tố rủi ro như tình trạng bệnh tật, tuổi tác của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, ở góc độ cá nhân cũng có sự phân phối lại giữa các quãng thời gian trong mỗi cuộc đời của cá nhân- lúc trẻ, khỏe ít tiêu dùng dịch vụ sức khỏe, lúc già yếu đặc biệt là hai năm cuối cuộc đời sẽ sử dụng rất nhiều các dịch vụ sức khỏe đặc biệt với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh mãn tính. Có thể nói, công cụ điều tiết xã hội này giúp thể hiện tính nhân văn và tính xã hội sâu sắc. Nếu không có sự đoàn kết xã hội, cá nhân riêng biệt độc lập không tạo thành xã hội với tư cách là một chỉnh thể thống nhất. Dưới sự điều tiết của Nhà nước, các cá nhân và các nhóm xã hội tương tác với nhau một cách có ý thức vì những mục đích động chung của toàn xã hội chứ không chỉ vì lợi ích của cá nhân mình, hay lợi ích nhóm cụ bộ nào đó. BHYT thể hiện vai trò điều tiết phân phối lại một cách hiệu quả và nhân văn, bởi quỹ BHYT không chỉ có tiền của người tham gia BHYT đóng góp mà còn có sự đóng góp của chủ sử dụng lao động. Trách nhiệm đóng góp của chủ sử dụng lao động khi tuyển dụng người lao động cho thấy vừa đảm bảo nhu cầu phân phối lại thu nhập vừa bảo đảm trách nhiệm xã hội của chủ sử dụng lao động, qua đó còn thúc đẩy nhu cầu gắn kết giữa các nhóm trong xã hội.
BHYT bên cạnh chức năng bảo đảm thanh toán cho người tham gia BHYT, nó còn là công cụ thực hiện chức năng phân phối lại và tránh bẫy nghèo trong y tế một cách hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc ổn định đời sống, tăng tiêu dùng, gián tiếp góp phần làm tăng cơ hội phát triển cho một bộ phận dân cư nhất là người nghèo và người yếm thế trong xã hội.
Trong một xã hội văn minh, không có sự khác biệt về lợi ích sức khỏe hay nói cách khác mọi người cần được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe bình đẳng như nhau. BHYT xã hội là công cụ giúp Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trên cơ sở các chuẩn mực xã hội về tiếp cận, chăm sóc sức khỏe. Nếu không có nhà nước đứng ra tổ chức và điều tiết quỹ BHYT xã hội chắc chắn người nghèo, người yếm thế khó có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách bình đẳng như những người giàu. BHYT xã hội thật sự làm tăng cơ hội tiếp cận của người nghèo đối với dịch vụ y tế- tấm thẻ BHYT giúp người nghèo xóa đi những mặc cảm về vị thế của nhóm nghèo trong xã hội- bởi nó có thể khắc phục được những yếu điểm của nhóm nghèo.
3. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua BHYT góp phần chuẩn hóa chất lượng dịch vụ y tế và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, kiểm soát sự gia tăng chi phí khám chữa bệnh một cách hiệu quả.
BHYT cùng Ngành Y tế cùng nhau xây dựng và chuẩn hóa quy trình, phác đồ điều trị. Dễ dàng nhận thấy rằng với các yêu cầu chuẩn về chuyên môn làm cơ sở cho việc bảo đảm quyền lợi và thanh toán giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh góp phần đáng kể vào việc nâng hiệu quả sử dụng nguồn lực và kiểm soát chỉ định của thày thuốc, chống lạm dụng trong kê đơn và chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Thị trường y tế mang tính độc quyền tương đối cao, việc sử dụng dịch vụ y tế phần lớn phụ thuộc vào chỉ định của thày thuốc, người bệnh ít có khả năng tự bảo vệ mình do vậy nếu không có Nhà nước đứng ra tổ chức, chuẩn hóa quyền lợi và đại diện cho người bệnh giám sát cơ sở y tế thì người bệnh ở các địa phương khác nhau có thể được hưởng quyền lợi chăm sóc khác nhau, đặc biệt là các địa phương nghèo, miền núi, có điều kiện kinh tế và trình độ phát triển thấp. Thông qua sự chuẩn hóa quy trình giám sát chất lượng dịch vụ, thuốc – chế phẩm dược và xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, khám chữa bệnh trở nên minh bạch, các bên đều biết rõ quyền và trách nhiệm và điều này góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khám chữa bệnh, đặc biệt chất lượng chăm sóc và hiệu quả điều trị tăng rõ rệt. Tuy nhiên, những can thiệp của Nhà nước phải nhất quán, phù hợp về mặt không gian, thời gian, hoàn cảnh kinh tế xã hội, chuẩn mực đạo đức.
4. BHYT góp làm giảm mâu thuẫn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế
Bất bình đẳng xã hội về thu nhập vẫn đang là một thách thức toàn cầu. Xã hội luôn tồn tại những người nghèo không tự lo cho mình được khi có các biến cố trong đời sống xảy ra như lũ lụt bệnh tật. Mâu thuẫn xã hội dễ dàng phát sinh khi một bộ phận không nhỏ dân cư không có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau bệnh tật xảy ra. Do vậy, Nhà nước luôn là chủ thể chủ động điều tiết nhằm bảo đảm cho người nghèo, yếm thế được chăm sóc sức khỏe (mua thẻ BHYT cho người nghèo) đồng thời thực hiện các chuẩn mực trong khám chữa bệnh, thanh toán khám chữa bệnh BHYT. Nói một cách khác Nhà nước thực hiện các chính sách hướng đích một cách chủ động nhằm hạn chế những sự kiện không mong muốn về mặt xã hội hoặc thúc đẩy các cơ chế làm cho xã hội phát triển lành mạnh đạt được các mục tiêu xã hội. Nhà nước chủ động sử dụng BHYT như một công cụ góp phần làm giảm mâu thuẫn xã hội, vốn dĩ có thể được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực xã hội.
BHYT dưới góc nhìn xã hội (mối quan hệ giữa các nhóm, giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội) cho thấy rất rõ động cơ, đặc tính của con người tham gia BHYT. Đảng với vai trò lãnh đạo, Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý có trách nhiệm xây dựng và thực hiện mục tiêu, hoạt động BHYT nhằm duy trì trật tự, giảm bớt mâu thuẫn, thực hiện công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội. Hệ thống BHYT ngày nay không chỉ là công cụ tài chính đơn thuần mà được coi là một yếu tố gắn kết xã hội, một yếu tố góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
Nguyễn Khang
Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội