|
Đoàn công tác tỉnh Bến Tre chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
|
Đây là hoạt động nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện lập quy hoạch phát triển kinh tế biển, quy trình, thủ tục thực hiện các dự án lấn biển trên địa bàn tỉnh. Tiếp thu những kinh nghiệm hay, những nhiệm vụ khả thi, giải pháp hữu ích tại các tỉnh bạn để vận dụng phù hợp vào thực tiễn của địa phương; giúp tỉnh Bến Tre quy hoạch, hình thành và xây dựng thành công khu kinh tế biển, góp phần phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Tìm hiểu về khu đô thị lấn biển tại Kiên Giang
Kiên Giang là một trong những tỉnh có sự phát triển nhanh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kiên Giang có quy mô kinh tế tương đối lớn, cơ cấu kinh tế đa dạng với nhiều cách làm hay, tạo sự đột phá, trong đó có chương trình lấn biển tạo không gian mới để phát triển các ngành kinh tế mà tỉnh có lợi thế. Nơi đây đang phát triển những đô thị đẹp của đồng bằng sông Cửu Long, là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, năng động so với cả nước.
Dịp này, đoàn công tác tỉnh Bến Tre đã được trao đổi, chia sẻ cụ thể về công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế biển tại tỉnh Kiên Giang. Cũng như về trình tự, thủ tục thực hiện trình phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án lấn biển. Các ngành nghề ưu tiên thực hiện trong khu kinh tế biển, tác động lan tỏa của các khu kinh tế biển đến kinh tế toàn tỉnh. Các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển khu kinh tế biển thành công, kinh nghiệm từ việc xây dựng và vận hành khu kinh tế biển… Các ý kiến đặt ra được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chia sẻ cởi mở, chân tình, đáp ứng yêu cầu của đoàn công tác tỉnh Bến Tre.
Trong khuôn khổ chuyến trao đổi, chia sẻ tại tỉnh Kiên Giang, đoàn công tác tỉnh Bến Tre đã đến thăm và nghe trao đổi về hiệu quả quản lý nguồn nước của công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay về quy mô, khẩu độ thông nước, có nhiệm vụ kiểm soát, điều hòa nguồn nước mặn, nước ngọt và nước lợ, tạo điều kiện sản xuất theo hệ sinh thái cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha thuộc các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
|
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Bến Tre trao đổi về kinh nghiệm phát triển kinh tế biển.
|
Liên kết với Cà Mau phát triển kinh tế biển; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU)
Cà Mau là tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản. Hiện nay, nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau phát triển khá mạnh với nhiều loại hình nuôi như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp… Đặc biệt là có loại hình nuôi tôm sú sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa có tiềm năng và lợi thế rất lớn cả về diện tích và chất lượng sản phẩm. Ngành xuất khẩu tôm của các cơ sở chế biến ở tỉnh Cà Mau được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bến Tre đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Qua thời gian triển khai thực hiện đã thể hiện sự quan tâm và quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền hai tỉnh trong công tác quản lý tàu cá nhằm ngăn chặn tình trạng tàu khai thác hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài; các sở, ngành, đơn vị có liên quan của hai tỉnh đã tích cực vào cuộc thực hiện phòng, chống khai thác IUU. Lãnh đạo hai tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi, mong muốn và yêu cầu bà con ngư dân tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre và Cà Mau. Tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển và gắn chặt chẽ với chính quyền, biên phòng địa phương, kịp thời nắm bắt thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt. Từ đó thực hiện đúng quy định trong khai thác đánh bắt, không để xảy ra trường hợp vi phạm trong đánh bắt hải sản nói chung và đặc biệt là không để vi phạm vùng biên giới biển.
Khảo sát tại mũi Cà Mau cho thấy những tiềm năng và lợi thế ở đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng; đồng thời cũng cho thấy cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có điều kiện rất tốt để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Nghiên cứu, trao đổi về quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu tỉnh Sóc Trăng
Trao đổi với đoàn công tác Bến Tre, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang khẩn trương đẩy mạnh triển khai các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư cảng biển Trần Đề với hệ thống quy hoạch, thiết kế, đầu tư đồng bộ, hiện đại, cảng Trần Đề sẽ là tổ hợp cảng lớn của khu vực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Cửu Long mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đồng bằng Sông Cửu Long có tiềm năng, lợi thế phát triển giao thông đường thủy nội địa, giao thông hàng hải. Với dự án cảng biển nước sâu và hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ đang được đầu tư, Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực, tạo đột phá chung cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. Dự án hứa hẹn sẽ liên kết trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với định hướng phát triển của vùng theo chủ trương của Chính phủ về liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
|
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Bến Tre trao đổi kinh nghiệm quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu.
|
Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt; Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhận định, qua chuyến đi đã góp phần thúc đẩy hợp tác liên kết giữa Bến Tre và các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt hơn. Điều kiện phát triển của các tỉnh, thành phố rất tốt và có nhiều tương đồng, tiềm năng để hợp tác phát triển. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Bến Tre đang chủ động gắn kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực, hỗ trợ hợp tác chặt chẽ với nhau trên nhiều lĩnh vực phát triển của địa phương nói riêng và của khu vực nói chung. Việc hợp tác, phối hợp sẽ gắn với định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Trước mắt là Bến Tre cần nỗ lực tối đa để thực hiện tốt tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Tỉnh ủy Bến Tre đã đặt ra trong năm 2022. Trên cơ sở đó, Bến Tre sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện tốt Nghị quyết của những năm tới đây, từ đó thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho cả nhiệm kỳ và thời gian sau này. Đồng thời, cần nỗ lực hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể của vùng; thực hiện có kết quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị.
Quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh Bến Tre là một cơ sở, nguồn lực đặc biệt quan trọng để thực hiện được mục tiêu, khát vọng phát triển Bến Tre trong thời gian tới. Việc xây dựng Quy hoạch phải bảo đảm sự đồng bộ, tầm nhìn chiến lược, toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đổi mới tác phong, phong cách, lề lối làm việc tạo ra động lực phát triển, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, trong nước và ngoài nước thu hút đầu tư, đồng hành cùng sự phát triển của Bến Tre.
|
Đoàn công tác tỉnh Bến Tre về nguồn tại mũi Cà Mau.
|
Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh; chủ động điều chỉnh, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tình, tạo ra sự đổi mới thúc đẩy phát triển. Đối với các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh chủ động cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực đề xuất Trung ương tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện hơn để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển vùng và từng tỉnh, thành phố.
Nếu làm tốt việc này cùng các giải pháp đồng bộ, Bến Tre có niềm tin thực hiện thành công những mục tiêu và khát vọng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Nguồn: Ban Tuyên giáo TU Bến Tre