Hơn một nghìn học sinh dân tộc thiểu số nơi biên giới được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Hơn sáu tỷ đồng được trao đi cùng hàng nghìn chiếc xe đạp, bàn học, dụng cụ học tập, áo ấm. Ba trường học, 15 lớp học bán trú, 20 nhà ở giáo viên, trị giá hơn ba tỷ đồng đã mọc lên kiên cố, vững chãi trên vùng đất phên giậu của Tổ quốc. Đặc biệt, 16 cháu hiện được nuôi dạy tại các đồn biên phòng. Đó là những kết quả nổi bật sau một năm triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” do tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng đi đầu xung kích.
Những đứa con của Bộ đội Biên phòng
Ở vùng biên giới Lai Châu khó khăn bậc nhất khu vực biên giới phía bắc được đánh giá là tỉnh triển khai hiệu quả và mạnh mẽ nhất chương trình "Nâng bước em tới trường". Gần ba chục học sinh thuộc các dân tộc La Hủ, Mông, Dao, Hà Nhì, Mảng đã vững tâm, vững bước tới trường nhờ tấm lòng yêu thương, đùm bọc của những người lính quân hàm xanh. Ngay từ năm 2010, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công xây mới hàng chục phòng học bán trú, sửa chữa hàng trăm phòng học tranh, tre, vận động gần một nghìn học sinh bỏ học quay trở lại trường. “Có thực mới vực được đạo”, các anh đã chia sẻ từng ngày lương, từng cân gạo, chuyển tới các ngôi trường bán trú hàng chục tấn lương thực, thực phẩm giúp nhà trường, thầy cô và các em học sinh bám trường, bám lớp.
Trong số 29 học sinh được tuổi trẻ biên phòng Lai Châu đỡ đầu, có sáu cháu được đưa về nuôi dạy tại các đồn biên phòng: Thu Lũm, Tiểu đoàn 19 Huấn luyện cơ động, Ka Lăng. Em Mà Mò Hà, hiện đang ở Đồn Biên phòng Thu Lũm kể: "Trước đây để tới trường, em phải luồn rừng đi bộ hai ngày mới từ thôn ra tới trung tâm xã. Giờ được ở cùng Bộ đội Biên phòng, được ăn ngon, ngủ ấm, rèn luyện lối sống, tác phong của các chú bộ đội". Hà khoe: "Thích nhất là giờ con có thêm nhiều cha nuôi, yêu thương con nhiều lắm".
Chảo A San, học sinh lớp 7A (Trường THCS Xuân Trường) là một trong 38 học sinh biên giới Cao Bằng. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, ba anh em San đều phải bỏ học đi làm thuê. Từ ngày Đồn Biên phòng Xuân Trường đón về nuôi dạy, San đã nói sõi tiếng phổ thông. Học kỳ vừa qua, San đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, là phần thưởng vô giá không chỉ của riêng San mà còn là niềm vui, động lực cho tất cả cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Trường.
Dạy cái chữ - truyền hy vọng
Từ Sơn La hay Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, nhiều chương trình ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng như “Hũ gạo tình thương”, “Áo ấm biên cương” đã huy động hàng nghìn ngày công, hàng chục tỷ đồng giúp đỡ những gia đình khó khăn, có con em đang độ tuổi tới trường. Tại các đơn vị đỡ đầu, các cháu đều được bố trí nơi ăn ngủ, góc học tập. Sau mỗi phiên tuần tra, tăng gia sản xuất, giờ đây, những người lính quân hàm xanh lại nhận thêm một nhiệm vụ mới, liên hệ với gia đình, nhà trường, địa phương trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ các em học sinh nhận đỡ đầu. 16 cháu nhỏ đang được nuôi dạy tại các đồn biên phòng, hầu hết là các cháu mồ côi cha mẹ, cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, cũng có những đứa trẻ người dân tộc đặc biệt ít người đang thực hiện đề án bảo tồn. Nhiều chiến sĩ trẻ chưa có gia đình, vợ con, nay “bỗng nhiên” được gọi là "bố". Các anh vừa là cha, là mẹ, đưa đón các con tới trường, đi họp phụ huynh và chỉ dạy cách giao tiếp, ứng xử hằng ngày... Nhiều người lính quân hàm xanh tự nguyện đỡ đầu thường xuyên cho con nuôi, mỗi tháng 500.000 đồng, kèm cặp các em từ nay đến khi tốt nghiệp lớp 12. Tiêu biểu là trung úy Nguyễn Bá Truyền, sinh năm 1987, công tác tại Cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế, nhận đỡ đầu cháu Phạm Thị Tranh, sinh năm 2009, dân tộc thiểu số Tà Ôi ở thôn A Tín thuộc xã A Đớt, huyện A Lưới từ năm 2012, khi Tranh đang học mầm non.
Trên những nẻo đường, bản làng vùng biên giới xa xôi, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh càng trở nên gần gũi và thân thương. Con đường tới trường hôm nay của các em học sinh dân tộc thiểu số không còn là rừng thẳm, suối sâu, mà được trải rộng thênh thang bằng tình yêu thương, đùm bọc của cộng đồng và người lính biên phòng. Từ những cái nắm tay, dìu dắt những “bước đi” đầu tiên ấy, sẽ là nền tảng vững chắc để trong tương lai, những đứa con này sẽ trở thành lớp kế cận, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia. Thông qua chương trình này, Bộ đội Biên phòng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới, khích lệ bà con quan tâm hơn tới việc học tập của con em. Đặc biệt, chương trình đã phát huy được vai trò của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hảo tâm quan tâm công tác giáo dục, đào tạo nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo còn nhiều gian khó.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục phấn đấu sẽ có hơn ba nghìn học sinh dân tộc thiểu số nơi có các đồn biên phòng đóng quân được giúp đỡ, để các em có thể vững bước tới trường.
Nguyễn Thảo