Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam bằng hình thức sân khấu hóa ở Thái Bình
Liên hoan hát dân ca và chèo do Hội LHPN tỉnh Thái Bình tổ chức năm 2013.

Hình thức sân khấu hóa có lợi thế kết hợp được cả yếu tố tuyên truyền và yếu tố giải trí cho người biểu diễn lần người xem, người nghe nên đối tượng được tuyên truyền, giáo dục cảm thấy thoải mái và nhớ lâu. Hình thức này cũng tạo được hiệu ứng lan tỏa rất lớn khi có nhiều người cùng tham gia. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh biên soạn tiểu phẩm ca cảnh chèo “Phụ nữ Thái Bình tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và cung cấp đến 2.162 chi hội, 1.500 câu lạc bộ phụ nữ và trên 700 câu lạc bộ nữ công các cấp để các cơ sở hội tự biểu diễn theo các làn điệu chèo truyền thống của mỗi vùng. Năm 2012, các cấp hội đã biên soạn, in và phát hành 350 đĩa CD tiểu phẩm chèo “Trăng sáng làng quê” với nội dung được nâng cao hơn từ nhận thức về 4 phẩm chất đạo đức đã được chuyển đổi thành các hành vi thông qua từng nhân vật trong tiểu phẩm. Đĩa CD cung cấp cho cơ sở làm tài liệu sinh hoạt hội viên, sinh hoạt nữ công, câu lạc bộ phụ nữ. Tại các xã, phường, thị trấn, hội phụ nữ đã chủ động phối hợp với ban văn hóa, đài truyền thanh phát các đĩa tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh hằng tuần hoặc các ngày lễ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều chi hội tổ chức cho các thành viên luyện tập, biểu diễn trong các kỳ sinh hoạt, tham gia các hội nghị, hội diễn. Từ các thôn xóm, tổ dân phố, khi đi làm đồng hay làm nghề, khi sinh hoạt tổ, hội, câu lạc bộ, các chị em đều có thể nghe, thưởng thức từng ca từ mượt mà, được gọt giũa với làn điệu chèo truyền thống, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình đã tổ chức Liên hoan hát dân ca và chèo từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Đây là đợt sinh hoạt văn hóa, chính trị rộng khắp, thu hút hàng ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, góp phần phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục các phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền năm 2014 khu vực phía Bắc do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đội tuyển tỉnh Thái Bình đã giành giải Nhì với tiểu phẩm “Tin ở chính mình”, 300 CD của đội tuyển Thái Bình tham dự Liên hoan đã được in để cung cấp cho các cơ sở hội làm tài liệu sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã gắn tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam vào Hội thi tuyên truyền Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Ở các huyện, thành phố, nhiều hội thi đã được tổ chức gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, mang lại ý nghĩa thiết thực. Huyện Hưng Hà tổ chức hội thi “Tuyên truyền viên giỏi thực hiện Đề án 343” (Đề án của Chính phủ:  “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”), chỉ đạo 35 xã, thị trấn tổ chức hội thi “Phụ nữ nông thôn duyên dáng, sáng tạo xây dựng nông thôn mới”. Huyện Đông Hưng tổ chức hội thi sân khấu hóa: “Phụ nữ Đông Hưng tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, tích cực hưởng ứng xây dựng nông thôn mới”. Sự gắn kết giữa “đời” và “kịch” cùng việc vận dụng linh hoạt các yếu tố thời sự, hài hước, các nội dung tuyên truyền được chuyển tải đến người xem một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, sâu lắng, tạo không khí thi đua sôi nổi, hào hứng giữa các đơn vị tham gia.

Việc chú trọng tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa của các cấp, các ngành đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng. Nhiều hội viên phụ nữ trước còn rụt rè, e ngại, nay đã mạnh dạn, tự tin tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, các cuộc tiếp xúc cử tri… Các chị em đã tích cực tham gia cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Nhiều mô hình, điển hình được xây dựng, nhân rộng trong cộng đồng dân cư, đặc biệt trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Các cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực học tập, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng cánh đồng mẫu gắn với vùng sản xuất chuyên canh. Đến nay đã xây dựng được 143 cánh đồng mẫu, 242 làng nghề. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh, xã hội, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn 3,32%. Trong xây dựng nông thôn mới, các tổ chức hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp; đóng góp tiền, ngày công lao động; tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình nhà ở để xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 85 xã về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, để tiếp tục làm công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam, các cấp hội phụ nữ tỉnh Thái Bình chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên, công nhân lao động.

Hai là, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, khai thác thế mạnh của loại hình sân khấu hóa. Tổ chức tốt các hội thi, khuyến khích sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới, hấp dẫn, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục.

Ba là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phong trào thi đua dân vận khéo và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất