Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đẩy mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân, đế quốc ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa do ảnh hưởng của thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành hiện thực, nêu tấm gương sáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới.
Ở trong nước, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở nước ta, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Về chính trị, thực dân Pháp áp đặt chính sách cai trị thực dân; tước bỏ chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, chia Việt Nam thành 3 xứ gồm: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, có chế độ cai trị riêng và cấu kết với giai cấp địa chủ để bóc lột kinh tế và áp bức chính trị với nhân dân Việt Nam. Chúng cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền và đầu tư khai thác tài nguyên. Chúng xây dựng một số cơ sở công nghiệp và hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.
Về văn hóa chúng thực hiện chính sách giáo dục thực dân và duy trì các hủ tục lạc hậu với âm mưu thâm độc làm hơn 90% dân ta không biết chữ. Ngay tại Hà Nội và các thành phố đều công khai các điểm bán thuốc phiện. Chúng làm cho dân ta khó tiếp cận ánh sáng khoa học, khó phát triển về mọi mặt và chìm sâu trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Chúng đào tạo lớp tay sai trong bộ máy chính trị thực dân, chống phá, bắt bớ, giam cầm và tử hình những người cách mạng.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã thực hiện chính sách đoàn kết, tập hợp các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức yêu nước vùng dậy làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Quá trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho sự kết hợp giữa giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng thuộc địa. Cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành tựu có tầm vóc thời đại và có ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế, mở ra những kỷ nguyên mới cho sự nghiệp quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, chống áp bức bóc lột.
Chúng ta đã thực hiện thắng lợi và đạt những thành tựu sau 37 năm đổi mới, như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vinh quang thay cho dân tộc Việt Nam có Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tuy Người đã đi xa, xong Người vẫn để lại niềm tin yêu và niềm tiếc thương vô hạn của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta nguyện mãi mãi đi dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác, mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của người; tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, làm cơ sở cho công cuộc đổi mới ở nước ta.
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam ghi nhớ thành quả của đất nước trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Chúng ta không quên trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dân ta bị chết đói trên 2 triệu người, thì nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo vị trí thứ 2 thế giới. Nền nông nghiệp đã và đang trở thành nền sản xuất chế biến với chất lượng cao, đa dạng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng ta có nền khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng bảo vệ chủ quyền đất nước có những thành tựu quan trọng.
Nền y tế nhân dân đã đạt những kết quả khoa học tiên tiến và thu hút người bệnh từ các nước tới Việt Nam chữa bệnh. Ngành giao thông vận tải, kể cả vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không, không ngừng phát triển. Tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không những đã giải quyết nhiều hủ tục lạc hậu có hại mà còn gắn kết với vùng đồng bằng, thành thị, phát triển sản xuất, văn hóa mới, con người mới. Phát triển giáo dục phổ thông ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Diệt nạn đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, lời Bác đã trở thành hiện thực.
Trước khi kết thúc bài viết, tôi tự hỏi, những nguyên nhân nào đã đem lại sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945? Phải chăng là bắt nguồn từ lòng yêu nước, mong muốn cháy bỏng phải trả thù nhà đã được hun đúc từ các cuộc nổi dậy của các sỹ phu yêu nước, các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân nhằm lật đổ chế độ thực dân phong kiến dù đã bị thất bại xong vẫn có sức lôi cuốn nhất định, đã khơi lên tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đặc biệt, sự xuất hiện của thiên tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, chính Người là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là đại diện của Quốc tế Cộng sản về Việt Nam thống nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã sáng suốt lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng. Người chủ trương đoàn kết các dân tộc, lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Minh, sau là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập hợp mọi lực lượng trong công nhân, nông dân, các tầng lớp trí thức yêu nước cùng ra sức chiến đấu dưới cờ Đảng. Người đã dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta mãi mãi khắc ghi và biết ơn công lao của các bậc tiền bối của Đảng, các anh hùng liệt sỹ, những người đã vì sự nghiệp cách mạng mà hy sinh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cách mạng Tháng Tám - bản anh hùng ca bất diệt của Tổ quốc, ngọn đèn pha sẽ lan tỏa và sáng mãi, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần Việt Nam, để Việt Nam mãi mãi trường tồn và phát triển!
Nguyễn Đình Hạnh
Đảng viên phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội