Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở Thành phố Hồ Chí Minh
Hội nghị biểu dương những tấm gương phụ nữ tiêu biểu học và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố  Hồ Chí Minh đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 13 tháng 3 năm 2008, ban hành một số cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ.

Để thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, năm 1994, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Tiểu ban công tác cán bộ nữ của Thành ủy, gồm: Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và một số sở, ngành, đoàn thể Thành phố, do đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy làm Trưởng ban. Tiểu ban công tác cán bộ nữ cùng với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác phụ nữ; công tác tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ.

Thực hiện Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, cơ sở trực thuộc Thành ủy, các sở, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình đội ngũ cán bộ nữ của từng đơn vị, địa phương để làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trẻ tuổi có triển vọng; chăm lo phát triển tài năng nữ, quan tâm bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, nhằm xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ thành phố đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, Ban Thường vụ Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy đã tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, để phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác phụ nữ, thông qua các phong trào phát hiện những nhân tố tích cực đưa vào tổ chức Hội, qua đó tạo nguồn quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ bổ sung cho các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ và Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ nữ của Thành phố đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Hầu hết các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của cán bộ nữ, quan tâm hơn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, góp phần từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị Thành phố, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định và nâng cao hơn trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền và lợi ích cũng như phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ đối với việc phát triển chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo xác định yêu cầu cơ cấu nữ được quy hoạch đạt 30% trở lên. Ở khối quận, huyện, cán bộ nữ quy hoạch trong ban chấp hành đạt tỉ lệ bình quân 39,22%, trong ban thường vụ quận, huyện ủy đạt bình quân 37,9%.  Đảng bộ cấp trên cơ sở: Cán bộ nữ quy hoạch vào ban chấp hành bình quân đạt 28,6 %, ban thường vụ tỷ lệ đạt bình quân 29,06%. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy xã, phường, thị trấn đạt 35,1%, tăng 0,2% so với nhiệm kỳ 2010 – 2015; cán bộ nữ tham gia cấp ủy quận, huyện đạt 29,79%; cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ thành phố đạt 21,73%, tăng 2,93%...

Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các cấp hội đã quan đến xây dựng, củng cố tổ chức hội thực sự vững mạnh, động viên phụ nữ cố gắng phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực công tác,  phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ, đến cuối năm 2016, số lượng hội viên phụ nữ toàn thành phố là 934.725 (tỷ lệ thu hút đạt 72,26%). Các cấp hội đã tạo được nguồn lực trên 700 tỷ đồng, giúp hơn 200.000 lượt hội viên phụ nữ, giới thiệu cho trên 47.000 lượt hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng nợ dư gần 800 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, cách triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 của Thành ủy của các cấp ủy đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có nhiều mô hình sáng tạo, đi sát thực tế  kịp thời giải quyết các vấn đề mới, vấn đề khó. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự chủ động tham mưu của các cấp Hội LHPN trong việc xây dựng kế hoạch, động viên phụ nữ cố gắng phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực công tác.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định  phát huy những thành công  và tiếp tục quan tâm nhiều hơn về các vấn đề liên quan đến phụ nữ như: Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ nữ; phát triển nguồn nhân lực nữ để đáp ứng được chuyển dịch cơ cấu của thành phố…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất