Giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng Đảng bộ Quảng Nam vững mạnh
Một số ấn phẩm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trì biên soạn, phát hành.
Nhận thức

Việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống cách mạng được các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở ở Quảng Nam xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thực hiện nghiêm túc. Từ khi Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam" của Ban Bí thư ra đời, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác này được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy đảng đã đưa nội dung  vào nghị quyết các kỳ đại hội đảng và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng; ban hành chương trình, kế hoạch hành động, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ phụ trách bảo đảm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng năm phân bổ kinh phí thực hiện chương trình, kế hoạch.

Kết quả

Toàn tỉnh Quảng Nam đã đã biên tập, xuất bản 568 công trình. Trong đó, cấp tỉnh có 94 công trình, cấp huyện, thị xã, thành phố 51, cấp xã, phường, thị trấn 423 công trình. Tiêu biểu là: “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930 - 1975) và (1975 - 1996); “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1975 - 2005) và (2006 - 2015)”; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1930-2010)”; “Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản (3 tập)”; “Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng”; 3 tập sách ảnh: “Quảng Nam - 45 năm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”; “Bác Hồ với Quảng Nam, Quảng Nam với Bác Hồ” và “Quảng Nam 40 năm xây dựng vàphát triển (1975 - 2015)”... Và hầu kết các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc Tỉnh ủy đã xuất bản lịch sử truyền thống cách mạng giai đoạn 1930 đến 2000, 2005, 2010, như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Biên phòng, Công an, Quân sự, Liên đoàn Lao động; Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy...

Tỉnh mua 5 bộ phim tài liệu của Xưởng phim Quân đội nhân dân Việt Nam quay về chiến trường Quảng Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tổ chức sưu tầm hơn 7.000 trang tư liệu liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II, III và IV. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thành công hai hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam” và “Huỳnh Thúc Kháng với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam”.

Các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các mạng các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bảo đảm quy trình biên soạn, xuất bản, tính đảng, tính khoa học. Chất lượng, nội dung, hình thức và số lượng các công trình không ngừng được nâng lên, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng.             

Hạn chế, khó khăn 

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế và khó khăn trong quá trình triển khai công tác lịch sử Đảng. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc thẩm định nội dung các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử đấu tranh cách mạng địa phương trước khi xuất bản, nên chất lượng, nội dung công trình xuất bản chưa cao. Công tác biên soạn lịch sử đảng giai đoạn sau 1975 còn nặng tính báo cáo, mang tính liệt kê, nội dung dàn trải. Đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử đảng còn mỏng, một số hạn chế về kinh nghiệm lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Các điều kiện phục vụ cho công tác lịch sử vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tại các cơ sở. Việc sưu tầm tư liệu chưa được thường xuyên, trong khi phần lớn nhân chứng lịch sử tuổi đã cao, trí nhớ giảm, nhiều nhân chứng quan trọng lần lượt qua đời. Nguồn tư liệu thành văn qua các thời kỳ trước năm 1975 còn lưu giữ không nhiều, chưa được hệ thống một cách thường xuyên, khoa học. Thiếu những quy chế, hướng dẫn cụ thể về quy trình, kinh phí tổ chức thẩm định, nghiệm thu các công trình lịch sử đảng. Chi phí cho bài tham luận trong các hội thảo, thẩm định khoa học trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, không động viên khuyến khích các nhà nghiên cứu, nhân chứng tham gia cộng tác.

Giải pháp

Một là, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống cách mạng thường xuyên, thống nhất trong hệ thống chính trị. Đánh giá đúng thực trạng chất lượng giảng dạy lịch sử đảng, cách mạng trong trường Chính trị tỉnh, các trường phổ thông, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.

Hai là, nâng cao chất lượng tham mưu. Ban tuyên giáo các cấp thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất chủ trương, biện pháp giúp cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch công tác lịch sử đảng. Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, cách mạng và thẩm định các công trình trước khi xuất bản. Có biện pháp cụ thể, sát thực giúp đỡ các đơn vị gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Ba là, đầu tư việc sưu tầm tư liệu, nâng cao chất lượng công trình. Có kế hoạch bài bản, khoa học, tiến hành sưu tầm tư liệu cần thiết, nhất là việc phỏng vấn, ghi chép lại lời kể của các vị lão thành cách mạng. Xác minh, thẩm định, nghiên cứu tư liệu, tổ chức tọa đàm đánh giá, phân loại, lưu trữ có hệ thống, khoa học. Nâng cao chất lượng biên soạn các ấn phẩm theo hướng chú trọng tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm công tác xây dựng đảng qua các thời kỳ cách mạng. Vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đánh giá các sự kiện, các nhân vật lịch sử; có sự phân tích lịch sử, khách quan, khoa học, trình bày đầy đủ những thành tựu, ưu điểm đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam với phong trào cách mạng chung của cả nước. Thực tế chỉ ra rằng, một công trình thiếu tính nghiêm túc, không giám sát, thẩm tra kỹ tư liệu chẳng những không đạt kết quả, mà hậu quả là rất nguy hại về sau.

Bốn là, nâng cao nghiệp vụ biên soạn lịch sử đảng, cách mạng. Đây là khâu then chốt có tính quyết định. Do đó, các cấp ủy đảng phải lựa chọn những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và đặc biệt phải có lòng say mê và tâm huyết với công việc. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử đảng, nhất là cán bộ chuyên trách, có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo đúng chuyên ngành, theo hướng ổn định, đủ về số lượng, có phẩm chất và bản lĩnh chính trị, nắm vững phương pháp luận sử học, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học lịch sử. Cần huy động đội ngũ giảng viên khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng; đội ngũ giáo viên dạy lịch sử ở trường phổ thông trung học, cơ sở hỗ trợ các địa phương, đơn vị.

Năm là, phát huy hiệu quả các ấn phẩm đã xuất bản. Tuyên truyền, giáo dục kiến thức trong các ấn phẩm lịch sử đảng, cách mạng trong các nhà trường, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần quy định cụ thể việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền tại Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị và các lớp bồi dưỡng đảng viên mới và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chính trị, tư tưởng.

Sáu là, bảo đảm kinh phí cho công tác lịch sử đảng. Các cấp ủy cần tăng cường đầu tư kinh phí từ các nguồn kinh phí của Đảng, Nhà nước, trang bị tốt cơ sở vật chất và tạo điều kiện làm việc, bảo đảm cho công tác lịch sử đảng được thực hiện đúng kế hoạch. Có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ hoàn thành tốt công tác này.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất