Danh nhân Việt Nam tuổi Ngọ

Hồ Quý Ly (1336-1407)

Hồ Quý Ly tự là Li Nguyên, sinh năm Bính Ngọ, vốn thuộc dòng họ Hồ ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Được Trần Nghệ Tông tin dùng, phong làm Khu mật đại sứ, lấy công chúa Huy Ninh. Năm 1387, ông được Trần Nghệ Tông thăng chức Đồng bình chương sự, được ban gươm và cờ đề chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. Năm 1395, sau khi Nghệ Tông mất, ông được thăng làm Phụ chính thái sư, tước Đại vương. Năm 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi Trần Thiếu Đế, tự xưng làm vua, đổi tên nước là Đại Ngu, xây dựng kinh đô mới là Tây Đô ở Thanh Hoá. Năm 1401, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con, tự làm Thái thượng hoàng. Năm 1406-1407, nhà Hồ tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Minh nhưng thất bại. Hồ Quý Ly có một số cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, mở khoa thi chọn người tài, dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong các công văn, chiếu, sắc của triều đình, nhưng những cải cách đó chưa thực hiện được nhiều vì cuộc xâm lược của nhà Minh.

Lê Quý Đôn (1726-1784)

Nhà văn hoá, sử gia lớn Việt Nam thời Hậu Lê, sinh năm Bính Ngọ. Thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương, sau đổi là Lê Quý Đôn. Ông quê làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà (nay là Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, có trí nhớ phi thường. Năm 17 tuổi ông thi Hương đỗ Giải nguyên; năm 26 tuổi đỗ Hội nguyên và thi Đình đỗ Bảng nhãn. Sau khi đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan, giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh. Năm 1780, ông lãnh chức Phó sứ sang triều Thanh (Trung Quốc). Học vấn uyên bác và tài ứng đối của ông đã làm cho các triều thần nhà Thanh và sứ thần Triều Tiên kính trọng. Sau khi về nước, ông làm Đốc đồng Kinh Bắc, Tham chính Hải Dương, tư nghiệp Quốc Tử Giám, kiêm trông coi việc biên soạn quốc sử (1767)... Khi mất, ông được truy tặng hàm Thượng thư Bộ Công. Lê Quý Đôn đọc rộng, biết nhiều, có tác phẩm ở nhiều lĩnh vực. Ông chủ trương dùng “đức trị” đi đôi với “pháp trị”, trọng dụng nhân tài trong việc trị quốc.

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, danh sĩ, chí sĩ cận đại của Việt Nam, sinh năm Nhâm Ngọ tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (thuộc TP. Hồ Chí Minh ngày nay). Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Được tin mẹ mất, ông trở về chịu tang, dọc đường vất vả lại thương mẹ khóc nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt nên không thể tiếp tục con đường khoa cử, ông mở trường dạy học ở quê nhà. Khi Pháp chiếm Gia Định, ông về Ba Tri, tỉnh Bến Tre tiếp tục dạy học và làm thuốc. Vốn có lòng yêu nước, ông liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh của Đốc binh Nguyễn Văn Là, lãnh binh Trương Định. Ông tích cực dùng văn chương kích động lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân. Biết ông là người có uy tín lớn, Pháp nhiều lần mua chuộc nhưng ông vẫn nêu cao khí tiết, không khuất phục. Ông mất năm 1888 (ngày 24-5 âm lịch), thọ 66 tuổi.

Hoàng Hoa Thám (1858-1913)

Hoàng Hoa Thám sinh năm Mậu Ngọ, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông vốn là một bộ tướng của nhóm nghĩa quân Trần Quang Loan hưởng ứng phong trào Cần Vương, sau theo giúp Cai Kinh, Đề Nắm đánh Pháp. Năm 1887 ông trở thành Đề lĩnh, lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế với chiến khu và địa bàn hoạt động gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Hóa khiến cho quân Pháp kinh hoàng. Ông thường được gọi là Đề Thám với danh “Hùm Xám Yên Thế”. Suốt gần 30 năm, nghĩa quân Yên Thế do ông lãnh đạo lập khu tự trị, củng cố lực lượng, vũ khí, tiếp xúc với các nhà chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn khiến ông thêm quyết tâm kháng chiến đến cùng và quyết liệt hơn trước. Ông thành lập đảng Nghĩa Hưng và Trung Chân ứng nghĩa đạo do ông làm lãnh tụ. Từ đấy nghĩa quân có sự chỉ huy thống nhất, có đường lối đấu tranh hơn trước. Nhưng tiếc rằng, do quân Pháp dồn sức tấn công làm cho lực lượng nghĩa quân Yên Thế suy yếu đi. Có sách ghi rằng Đề Thám bị hai thuộc hạ của Lương Tam Kỳ gia nhập nghĩa quân Yên Thế làm tay sai cho giặc ám hại, lấy thủ cấp dâng cho thực dân Pháp để lĩnh thưởng. Ông mất tại một nơi cách chợ Gồ gần 2 cây số, hưởng dương 55 tuổi. Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế bị dập tắt, nhưng ý chí đánh Pháp giành độc lập cho non sông, đất nước vẫn sống mãi.

Hoàng Văn Thụ (1906-1944)

Sinh năm Bính Ngọ, nhà thơ, anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, quê ở xã Nhân Lí (nay là xã Văn Thụ), huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926, khi được bố trí làm việc ở xưởng cơ khí Nam Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), là một cơ sở của cách mạng. Năm 1929, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, được liên tỉnh ủy lâm thời Cao Bằng - Lạng Sơn phân công phụ trách Lạng Sơn và đã xây dựng được một số tổ chức quần chúng cách mạng ở đây. Đầu năm 1937, ông trở về Cao Bằng tham gia chỉ đạo phong trào Mặt trận dân chủ. Tháng 3-1939, ông làm Bí thư xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 11-1940, ông được cử vào ủy ban Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh nhiệm vụ chỉ đạo phong trào Bắc Sơn - Vũ Nhai. Sau đó, ông lại được cử vào Tổng bộ Việt Minh lâm thời. Tháng 8-1943, ông bị giặc Pháp bắt. Ngày 24-5-1944 ông hy sinh tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội).

Nguyễn Bính (1918-1966)

Nhà thơ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm Mậu Ngọ ở xóm Trạm, thôn Thiên Vịnh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân gian. Năm 1937, tập thơ “Tâm hồn tôi” của Nguyễn Bính được giải khuyến khích của nhóm Tự lực Văn đoàn. Từ ấy, thơ ông in nhiều trên các báo xuất bản ở Hà Nội. Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Năm 1954, ông về Hà Nội tham gia Hội Nhà văn và được giao phụ trách tờ báo Trăm hoa của Hội Nhà văn (1956). Đến năm 1958, ông trở về quê nhà, công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Nam Định. Trong 30 năm hoạt động nghệ thuật, ông để lại nhiều tác phẩm thơ, kịch, truyện thơ có giá trị như các tập thơ Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Tâm hồn tôi, Người con gái ở lầu hoa...; truyện thơ: Truyện tì bà, Tiếng trống đêm xuân, Trông bóng cờ bay; kịch bản chèo: Cô Son, Người lái đò sông Vị...

Nguyễn Nguyên Hồng (1918-1982)

Nhà văn bút danh Nguyên Hồng, sinh ngày 5-11-1918 (Mậu Ngọ) ở Nam Định. Cha mất sớm, nhà nghèo, từ 1935 ông cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống, vừa viết văn, vừa dạy tư trong xóm nghèo cho con em những gia đình cùng khổ. Từ 1937 đến 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận dân chủ ở Hải Phòng. Thời gian này ông sáng tác nhiều truyện ngắn đăng ở các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Thế giới mới, Người mới, Đông Dương. Ngày 29-9-1939, ông bị bắt ở Hải Phòng, bị kết án 6 tháng tù và đi trại tập trung ở Hà Giang. Năm 1943, ông bí mật tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, từ ấy ông càng tích cực hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Ngày 2-5-1982, ông mất tại xã Quang Tiến, huyện Tiên Yên, tỉnh Hà Bắc, thọ 64 tuổi. Các tác phẩm chính của ông đã xuất bản: Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu, Cuộc sống, Qua những màn tối, Đêm giải phóng, Sóng gầm, Sức sống của ngòi bút, Cửa biển, rừng Yên Thế...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất