60 năm lịch sử đã trôi qua, nhưng dư âm hào hùng, oanh liệt của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 như một bản anh hùng ca vang mãi của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yêu đã đánh tháng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Trong thắng lợi chung của cả nước, quân và dân Vĩnh Phúc đã góp phần không nhỏ tạo nên chiến công hiển hách đó.
Bước sang năm 1954, trên chiến trường toàn quốc, bộ đội ta tiến công đánh địch ở nhiều hướng, buộc thực dân Pháp phải phân tán binh lực ra chiếm đóng nhiều nơi khác nhau. Ở chiến trường tỉnh Vĩnh Phúc, đại bộ phận quân cơ động của địch rút khỏi tỉnh bổ sung cho các chiến trường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân Vĩnh Phúc. Từ ngày 9 đến ngày 16-1-1954, Tỉnh ủy họp hội nghị mở rộng, đề ra phương hướng tác chiến vùng sau lưng địch: Đẩy mạnh hoạt động vũ trang, phối hợp với chiến trường toàn quốc để phục hồi và củng cố khu du kích; đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống phá kế hoạch Na-va; củng cố lực lượng về mọi mặt, tăng cường sản xuất chi viện cho tiền tuyến…
Trên mặt trận xây dựng hậu phương, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, nhân dân Vĩnh Phúc đã huy động với mức cao nhất sức người, sức của phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong 6 tháng đầu năm 1954, toàn tỉnh đã bổ sung 2.114 tân binh cho các đơn vị, trong đó có 1.383 chiến sĩ cho Tiểu đoàn 64 (tiểu đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của tỉnh thành lập 4-1950) và các đại đội bộ đội huyện. Việc củng cố dân quân du kích được tiến hành ở tất các huyện, hơn 700 đội viên mới là những nam, nữ thanh niên dũng cảm đã lựa chọn, bổ sung vào hàng ngũ quân dân du kích. Đồng thời, Vĩnh Phúc đã huy động gần một vạn dân công trẻ, khỏe (loại A) cùng nhiều phương tiện chuyên chở lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược ra mặt trận. Tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Vĩnh Phúc huy động được 8.218 dân công đi phục vụ chiến đấu thời gian từ 4 đến 6 tháng; huy động 2.557 dân công đi từ 5 ngày đến một tháng phục vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược ra tiền tuyến; bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực 791 đồng chí; cung cấp cho tiền tuyến 51.305 kg thực phẩm và 350 xe thồ.
Ngoài ra, tỉnh còn huy động hàng nghìn dân công sửa chữa cầu, đường, làm phà đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian chiến dịch, ngày đêm phục vụ tại chỗ cho bộ đội địa phương chiến đấu. Anh chị em dân công đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh, vượt suối băng đèo đưa hàng tới đích; tích cực vừa tham gia sản xuất, vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng vào những thắng lợi lớn trên địa bàn tỉnh và chiến dịch Điện Biên Phủ. Với những thành tích đóng góp cho chiến dịch, đoàn dân công Vĩnh Phúc đã được tặng thưởng 95 huân chương, 1.041 bằng khen của Tổng cụ Chính trị và các cục; quân dân Vĩnh Phúc đã giành được Cờ thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 cờ của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương.
Hậu phương vững chắc là cơ sở để tiền tuyến đánh thắng lớn. Trên mặt trận quân sự, để chia lửa với chiến trường chính, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thành lập “Ban chỉ huy mặt trận Vĩnh Phúc” (gồm đại diện Tỉnh đội và ban chỉ huy các đơn vị chủ lực trên địa bàn tỉnh) để thống nhất chỉ đạo tác chiến. Nắm vững tình hình địch, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quyết định mở một cuộc tấn công địch sâu vào vùng tạm chiếm, thu hút địch vào trong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố các khu du kích. Phương châm tác chiến là: Chủ động phá càn, đẩy mạnh tập kích, phục kích, biệt kích đánh bọn tuần tiễu, lùng sục, đánh vào các tháp canh làm cho địch phải co lại. Vừa tác chiến, vừa củng cố bộ đội.
Sau khi củng cố và xây dựng lực lượng, từ ngày 6 đến ngày 21-1-1954 các đại đội của Tiểu đoàn 64, các đại đội bộ đội huyện phối hợp với bộ đội chủ lực của Liên khu Việt Bắc tấn công vào vùng địch hậu, phá tan hai cuộc càn quét của địch vào Đại Tự (Yên Lạc); tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích bọn đi sục sạo, tuần tiễu; tiêu diệt các vị trí Yên Thư, Vĩnh Trung, Vĩnh Đông (Yên Lạc), Kim Giao, Tam Báo (Yên Lãng). Tiêu biểu, ngày 4-2-1954, Trung đội 5 của Tiểu đoàn 64 đã phục kích bắn đắm tàu L.C.T thuộc địa phận thôn Mai Châu, xã Dân Chủ (Đông Anh). Trong tàu có 1 đại đội Âu - Phi, 2 xe Jép, 6 xuồng máy tháo rời, 6 đại liên, 5 trung liên. Với chiến thắng này, Trung đội 5 đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Để đối phó với những đòn tiến công của ta, thực dân Pháp buộc phải co dần lại, điều thêm lực lượng từ Hà Nội và một số nơi khác để cố sức mở các cuộc càn sâu vào các khu du kích. Ngày 17-2-1954, chúng tổ chức càn quét 7 lần vào 7 xã của khu du kích Nam Bình Xuyên, Tây Yên Lãng, Đông Yên Lạc. Ngày 24-2-1954, địch đánh vào các xã Đồng Tâm, Hiệp Lực, Bãi Sậy, Yên Lãng… nhưng đều thất bại, quân và dân Vĩnh Phúc đã tiêu diệt và bắt sống gần 300 tên, bảo vệ cho cơ quan của Tỉnh ủy rút ra ngoài an toàn.
Gần 2 tháng hoạt động chiến đấu, phối hợp với chiến trường chính, quân và dân Vĩnh Phúc đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch, bắt sống 171 tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Thực dân Pháp bị thu hẹp phạm vi chiếm đóng, kế hoạch Na-va từng bước làm phá sản.
Trước những thắng lợi trên, Liên khu ủy Việt Bắc chỉ thị cho Vĩnh Phúc: “Phải hoạt động mạnh hơn nữa nhằm vào những nơi địch sơ hở mà tiêu diệt, tranh thủ củng cố cơ sở, phối hợp đắc lực với Điện Biên Phủ”. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, từ tháng 3 đến đầu tháng 5-1954, quân và dân Vĩnh Phúc tiếp tục mở các đợt hoạt động tấn công địch. Ta đẩy mạnh vừa chống càn, vừa tấn công tiêu diệt các vị trí địch ở Đại Đình, Xuân Lai, Vân Ổ (Vĩnh Tường), Cầu Trắng (Tam Dương)… kết hợp với tăng cường ngụy vận và chống bắt lính. Kết quả, từ tháng 1 đến đầu tháng 5-1954 quân và dân Vĩnh Phúc đã phá tan 13 vị trí địch; diệt, làm bị thương và bắt sống 2.626 tên, phá 72 xe cơ giới, thu 624 súng các loại và kêu gọi 540 lính ngụy trở về với nhân dân.
Ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn bị tiêu diệt. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Từ ngày 27-7 đến ngày 8-10, thực dân Pháp lần lượt rút quân khỏi Vĩnh Phúc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân Vĩnh Phúc giành thắng lợi hoàn toàn.
Những đóng góp to lớn của quân và dân Vĩnh Phúc đã góp phần làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Năm tháng qua đi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lùi xa vào quá khứ nhưng nhiều tên đất, tên người cùng với những chiến công hiển hách của quân và dân Vĩnh Phúc sẽ còn sống mãi. Đó là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh cổ vũ cho các thế hệ trẻ Vĩnh Phúc học tập, phấn đấu trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng quê hương, đất nước.
Hoàng Hà
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc