Giấc ngủ bình yên của Bác

Dòng người vào viếng Lăng Bác Hồ (Ảnh: In-tơ-nét).

Không phải đền đài tráng lệ, uy nghi mà chỉ là hàng tre giản dị: “Hàng tre bát ngát”. Cái bát ngát của tre và của cả sương, một nét mờ tỏ, đậm nhạt tạo nên một nét lung linh như một bức tranh thủy mặc. Hàng tre xanh xanh Việt Nam là một biểu tượng của dân tộc, chỉ hai tiếng “xanh xanh” chứa đựng biết bao nhiêu phẩm chất của con người Việt Nam: Nhũn nhặn, thanh cao, thẳng thắn, dẻo dai, kiên trì, bất khuất, anh dũng hiên ngang cho dù “bão táp mưa sa” vẫn luôn đứng thẳng hàng sát bên nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau. Đúng như lời Bác đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công thành công, đại thành công”. Vâng! Bác là con người Việt Nam vĩ đại nhất và  đẹp nhất.


Rồi: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/ Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Mặt trời ở trên cao kia là mặt trời của tự nhiên, của đất trời đem đến ánh sáng và nguồn sống cho vạn vật. Nhưng mặt trời ấy còn “thấy” một và nhận ra là “Một mặt trời trong Lăng rất đỏ”. Một hình ảnh được tác giả nhân cách hóa chứa đựng biết bao niềm tôn kính, ngưỡng mộ đối với Bác. Mặt trời trong Lăng là một hình ảnh ẩn dụ biểu hiện sự kỳ vĩ về phẩm chất, tài năng, đạo đức về sự hy sinh to lớn của Bác đối với cả dân tộc. Bác là một mặt trời đỏ rực màu cách mạng, mặt trời đó vẫn mãi mãi rực sáng đem lại sự sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Mặt trời cách mạng đó soi đường dẫn lối và sẽ sống mãi với non sông đất nước.

Nhịp thơ, điệu nhạc chầm chậm, trầm trầm như bước chân của người đi trong tưởng niệm, ca ngợi vinh quang của Bác. Để “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”, một tràng hoa hết sức đặc biệt được kết bằng hàng triệu tấm lòng, hàng triệu trái tim để dâng lên Người kính yêu, dâng lên “79 mùa xuân”. Con người ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã đem lại mùa xuân trường tồn cho đất nước, cho cả dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ đã rất khéo léo dùng hình ảnh ngôn ngữ, giọng điệu để diễn tả một cách sâu sắc niềm kính yêu ngưỡng mộ của nhân dân đối với Bác. Để rồi đến “Ngày ngày mặt trời đi qua trong Lăng… Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ”. Hình ảnh của nhân dân ta đối với Bác cũng rất tự nhiên, gần gũi như đất trời, vĩnh hằng như một quy luật của vũ trụ bao la.

Toàn bài ca toát lên nỗi niềm thương nhớ mỗi khi được vào Lăng viếng Bác mỗi người đều có nỗi đau và niềm thương tiếc vô hạn vì sự mất mát và mỗi chúng ta cũng đều cảm nhận được là: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”. Sau một chặng đường 79 năm Người bận lo công việc cho đất nước, cho dân, Người chưa có được giờ phút nghỉ ngơi an nhàn: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Dẫu biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Bảy mươi chín mùa xuân cuộc đời Bác đã dừng lại đó dù lý trí nói thế nào thì sự thật trong tình cảm vẫn không bù đắp được. Câu thơ đã khóc: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Đây là nét xúc động được tả thực, tạo thành công cho bút pháp tượng trưng của bài thơ của Viễn Phương, tượng trưng ẩn dụ để diễn đạt tầm vóc sự nghiệp, tầm vóc tâm hồn Hồ Chí Minh và nói được trọn vẹn lòng biết ơn, lòng thương kính của dân ta đối với Bác. Chính nỗi xúc động òa ra nghe nhói ở trong tim rất tự phát, rất thật thà ấy đã tình cảm hóa cho mọi ý tưởng của bài ca.

Giấc ngủ bình yên của Bác giữa một vầng trăng ánh sáng nhè nhẹ “dịu hiền” như một vầng trăng con người tha thiết yêu trăng như vậy, thế mà chưa được bình yên ngắm trăng và bây giờ con người ấy cũng đã được yên nghỉ cùng người bạn tri kỷ này. Sự hòa quyện giữa hai cảm xúc về sự bất tử, trường tồn của Bác, cảm xúc về nỗi đau nhớ Bác khôn nguôi. Bác mãi mãi là “trời xanh” với non sông đất nước. Nhưng Bác đã mất thật rồi, Bác không còn trên cõi đời này nữa, cái thiếu vắng ấy không gì bù đắp được. Tất cả niềm rung cảm rất chân thật gần gũi của bất kỳ ai khi được vào Lăng viếng Bác. Lời ca bình dị, mộc mạc, ca từ giản dị, trong sáng và bình yên, giản dị và bình yên như chính con người và tâm hồn Bác. Chỉ tiếng “thương”, tiếng “trào nước mắt” là trọn vẹn tình cảm dân tộc ta đối với Người, đó chính là niềm kính yêu, là lòng quý trọng, lòng biết ơn đối với con người cao thượng và vĩ đại dành trọn cả cuộc đời cho đất nước.

Vâng! Mỗi chúng ta đều muốn làm con chim ca hót quanh Lăng, muốn làm bông hoa hương tỏa đâu đây, muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Tất cả đều ở bên Lăng, quanh Lăng Bác và tất cả đều muốn nói lên tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Bài thơ của Viễn Phương được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc ngắn gọn, giàu nhạc tính, ca từ ngôn ngữ chọn lọc có sức gợi mở. Có thể nói nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã chắp cánh cho những vần thơ của Viễn Phương ngân vang mãi trong lòng chúng ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất