Sáng 24-3, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Tăng cường y tế cơ sơ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp; đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Ngân hàng Thế giới WB, Liên minh Châu Âu EU và một số nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển y tế cơ sở và thực hiện thành công mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đồng chí Vũ Đức Đam ,Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Y tế cơ sở là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế tuyến huyện và tuyến xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội. Ngay từ khi mới dành được độc lập, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu đến y tế cơ sở vì vậy mạng lưới y tế cơ sở đã được hình thành và phát triển đến tận thôn, bản với đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng chuyên môn.
Đến nay, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở còn bao gồm cả cô đỡ thôn bản và cộng tác viên y tế. Năm 1954, mạng lưới y tế cơ sở miền bắc chỉ có 2.000 trạm y tế trên tổng số 6.000 xã với 258 y, bác sỹ; 78 dược sỹ đại học và trung học; 5.000 y tá và 1.800 nữ hộ sinh; 30.000 vệ sinh viên thôn xóm. Đến nay, chúng ta đã có gần 11.000 trạm y tế xã với hàng trăm ngàn cán bộ y tế công tác. Hệ thống Y tế của Việt Nam đặc biệt là Y tế cơ sở đã được các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá cao.Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, hiện còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức như: Mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng nhanh chóng gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích, đan xen với bệnh nhiễm trùng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn (như ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội), trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế, đặc biệt là ở y tế cơ sở; Chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng ngày càng cao. Tình trạng sức khoẻ của nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa tuy đã có cải thiện, nhưng tiến bộ chậm hơn so với mức chung của cả nước; Hệ thống y tế cơ sở vẫn bộc lộ nhiều điểm bất cập; Chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; đầu tư cho y tế cơ sở cả về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu....
Vì vậy các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc xây dựng y tế cơ sở về các mặt: nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ nhằm đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tiến tới xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan ngênh Bộ Y tế lần đầu tiên phối hợp với các tổ chức quốc tế WHO, Eropean Union, The World Bank đã tổ chức Hội nghị về tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính phủ yêu cầu, trên cơ sử những thảo luận, kết quả của Hội nghi sẽ là tiền đề để Bộ Y tế tiếp tục xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở VN, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm:
1. Xác định vai trò, phạm vi của mạng lưới y tế cơ sở và mối quan hệ giữa y tế cơ sở và hệ thống bác sĩ gia đình.
2. Xác định những dịch vụ kỹ thuật được cung cấp tại tuyến y tế cơ sở đồng thời chuẩn hóa và có hệ thống đánh giá nghiêm ngặt các dịch vụ kỹ thuật này.
3. Đào tạo, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở làm việc tại cộng đồng.
4. Nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế cơ sở trên toàn quốc.
5. Đề xuất cơ chế tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tuyến y tế cơ sở. Thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo cho người bệnh được chữa trị, chăm sóc bằng những nguồn lực tốt nhất nhưng với mức chi phí người bệnh phải chi trả thấp nhất.
6. Tăng cường đầu tư toàn diện cho y tế cơ sở.
7. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở như: ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển giao kỹ thuật cho hệ thống bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lưc bác sĩ gia đình...
8. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân để chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, đồng thời tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế như là một phương thức tốt nhất cho chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ngọc Anh