“Sức khỏe cho mọi người" và "Mọi người vì sức khỏe"
Bác Hồ đến thăm bệnh xá TP Nam Định, Nam Hà (ngày 22-5-1963).
Với nhiệm vụ “Bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số”, năm 2014, Ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức cung ứng dịch vụ, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong phát triển sự nghiệp y tế.

Kết quả nổi bật
    
Năm 2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Chính phủ ban hành 3 nghị quyết và 4 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định.., tập trung vào các lĩnh vực như y tế cơ sở, Bảo hiểm y tế; thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; một số cơ chế chính sách đầu tư phát triển y tế; về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; về y tế xã, phường, thị trấn; về tổ chức và hoạt động của Thanh tra y tế; về phát triển ngành Dược; về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Bộ Y tế ban hành Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 36 Thông tư của Bộ Y tế và 11Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trong các lĩnh vực khám chữa bệnh, y tế dự phòng, y dược cổ truyền, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình; tài chính y tế, quản lý dược, truyền thông, thông tin y tế, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế...
    
Các chính sách được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho giai đoạn 2014-2020 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc điều chỉnh và thực hiện các hoạt động y tế phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, khắc phục những tồn tại trong hệ thống y tế, đặc biệt là những bất cập về tổ chức và cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế. Mô hình tổ chức y tế địa phương trong những năm gần đây bị chia tách, nhiều đơn vị cùng thực hiện chức năng y tế dự phòng trên một địa bàn nên đã gây chồng chéo, phân tán nhân lực, tạo gánh nặng cho hoạt động y tế tuyến cơ sở, hiệu quả công việc không cao, chính vì vậy khâu tổ chức hệ thống đã được đặt ra với việc quy hoạch lại hệ thống theo hướng thu gọn, tinh giản đầu mối, tập trung chuyên môn, từng bước thực hiện "chăm sóc sức khỏe toàn diện", "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân" hướng tới cộng đồng vì mục tiêu “Sức khỏe cho mọi người” và “Mọi người vì sức khỏe”.

Kết quả ban đầu, nhiều địa phương đã chuyển đổi nhiệm vụ của các đơn vị y tế theo mô hình mới trên nguyên tắc tinh giản đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động và đầu tư, hướng về y tế cơ sở. Hầu hết các bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính dựa trên đổi mới giá dịch vụ, tạo điều kiện cho ngành y tế thực hiện việc chuyển đổi phân bổ ngân sách nhà nước ưu tiên cho y tế dự phòng, y tế cơ sở và khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách khác, từng bước nâng cao sự công bằng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Công tác Y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh luôn là vấn đề được ngành y tế đặt lên hàng đầu với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Năm 2014 cũng là năm thứ 14 Ngành Y tế tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán Bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bảo đảm các mục tiêu về tiêm chủng mở rộng, đồng thời cũng là năm dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, một số dịch bệnh mới chưa có vắc xin phòng ngừa; nguy cơ dịch trong nước như tả, sởi, sốt rét kháng thuốc còn cao, trong khi các yếu tố tác động bất lợi cho sức khỏe chưa được kiểm soát tốt, tình hình biến đổi khí hậu, lũ lụt xảy ra trong năm là những yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngành Y tế đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, duy trì giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, giảm thiểu các yếu tố lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm... nên không để dịch lớn xảy ra. Tỷ lệ mắc và tử vong một số bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.  

Bên cạnh đó Ngành Y tế cũng đã chú trọng triển khai phòng chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được tăng cường, số người  mắc, số nhập viện và tử vong do ngộ độc thực phẩm cũng đã giảm đáng kể so với năm trước.
 
Công tác khám chữa bệnh cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các chỉ tiêu tổng hợp như số giường bệnh trên vạn dân, số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật đều tăng từ 15-20% so với năm trước, điều đó cho thấy sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế công đã được cải thiện và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng đầu tư cho phát triển y tế. Nhiều kỹ thuật mới trong y học đã được áp dụng thành công tại Việt Nam và đã trở thành thường quy tại các tỉnh; một số kỹ thuật chuyên sâu đạt ngang tầm các nước trong khu vực như kỹ thuật ghép tạng, thay khớp, mổ nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm..., đặc biệt năm 2014, kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc đã trở thành một trong 10 sự kiện nổi bật trong năm của cả nước.  

Điều mà dư luận tiếp tục quan tâm là tình trạng quá tải bệnh viện và sự hài lòng của người bệnh. Năm 2014, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp,  tập trung các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành một số dự án, hạng mục quan trọng phục vụ giảm quá tải bệnh, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện về cơ bản đã được giải quyết như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã giảm từ 60-70% số giường phải nằm ghép, nay chỉ còn 6-7%…; có 58% số bệnh viện tuyến trung ương, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh đã giảm hẳn tình trạng nằm ghép ở một số khoa đông bệnh nhân; 25% số bệnh viện tuyến huyện đã tăng số bệnh nhân và tăng trung bình gần 20% công suất sử dụng giường bệnh. 37,5% số bệnh viện vệ tinh đã giảm khoảng 25% số bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị so với năm trước.
 
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với UBND TP HCM, Bộ Quốc phòng đẩy nhanh Đề án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của một số bệnh viện tuyến cuối tại HN và TP. HCM, tập trung nguồn lực để giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và một số bệnh viện tại TP HCM; bên cạnh đó, Bộ y tế đã tập trung cho củng cố y tế cơ sở thông qua nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn hỗ trợ có mục tiêu; tổ chức Lễ ra quân đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, lồng ghép với chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tăng cường đầu tư, ưu tiên 64 huyện nghèo và 30 huyện hưởng theo cơ chế huyện nghèo; tổ chức Hội nghị tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân trong việc giảm quá tải bệnh viện tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các nạn nhân của vụ đứt cáp treo tại Lai Châu; phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức cứu chữa các chiến sỹ trong vụ tai nạn máy bay trực thăng tại Hòa Lạc, tham gia cấp cứu 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng... đã từng bước củng cố niềm tin của người dân đối với Ngành Y tế.

Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã được đẩy mạnh và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ. Hy vọng sống khi sinh tiếp tục tăng (73,2 tuổi); tầm vóc của người Việt Nam được cải thiện, chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh đạt được kế hoạch đề ra (112,2 so với 113,2). Các chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em năm 2014 đạt khá tốt: tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ ra sống giảm từ 61,9 năm 2013 xuống còn 60,0; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ≥ 3 lần trong 3 thời kỳ là gần 90%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ được đào tạo hỗ trợ là 98%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi năm 2013 là 15,2%, giảm còn 14,9%. Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ giảm nhanh nhất tỷ số tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, tuy nhiên cũng cần phải nỗ lực hơn nữa của các địa phương, đơn vị thì mới có khả năng hoàn thành mục tiêu Thiên Niên kỷ vào năm 2015, nhất là chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Tình trạng chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền cần phải được được toàn ngành và các tỉnh quan tâm chỉ đạo.
        
Nguyên nhân chủ yếu

Tăng cường công tác quản lý, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, kiểm soát giá cả, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm là những yếu tố cơ bản bảo đảm hiệu quả hoạt động của ngành.
        
Trước tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn, ngân sách nhà nước cấp cho y tế còn hạn hẹp, việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính là những yêu cầu khách quan trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu tư, bảo đảm phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với việc thực hiện quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù, phụ cấp chống dịch đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập; bảo đảm đủ kinh phí để mua, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và bảo trợ xã hội, Chính phủ đã cho phép các đơn vị vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Phát triển, Quỹ kích cầu (Công ty đầu tư tài chính TP HCM) để đầu tư và được thực hiện giá dịch vụ tính đủ chi phí, có tích lũy để trả nợ gốc vay, lãi vay; thực hiện 4 mô hình đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm huy động vốn đầu tư cho y tế, phát triển các cơ sở y tế mới với chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến, kết hợp công - tư trong giảm quá tải cho một số bệnh viện lớn; thí điểm chuyển một số bệnh viện có điều kiện xã hội hóa cao sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích, phi lợi nhuận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện công. Ngành Y tế đã có điều kiện thực hiện đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở y tế theo hiệu quả hoạt động và kết quả đầu ra; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế, chuyển phần ngân sách cấp cho các bệnh viện sang cấp trực tiếp cho người thụ hưởng thông qua việc mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Đi đôi với việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, tăng cường tự chủ cho đơn vị y tế, công tác thanh tra, kiểm tra về chi tiêu, giá dịch vụ, giá thuốc, phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kiểm soát đấu thầu mua thuốc, bảo đảm mua được thuốc đạt chất lượng với giá cả hợp lý đã được tăng cường, theo kết quả sơ bộ, năm 2014 đã giảm được khoảng 20-30% giá thuốc so với giá kế hoạch, góp phần bình ổn thị trường dược phẩm trong bối cảnh chung của nền kinh tế, không để xảy ra trường hợp tăng giá đột biến và bất hợp lý.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất