HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) góp phần ổn định cuộc sống cho phụ nữ dân tộc Mông

Chị Vàng Thị Cầu (bìa phải), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn đồng thời cũng là người sáng lập, là Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn giới thiệu công đoạn làm ra sản phẩm lanh với Đoàn công tác.

Trước đây, Sà Phìn là địa bàn thường xuyên xảy ra một số vụ án mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em. Sà Phìn là vùng đất khô cằn, khí hậu khắc nghiệt khiến đồng bào Mông gặp nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều người Mông từ Sà Phìn đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, nguồn thu từ những công việc trái phép này không cao, đặc biệt là phải đối mặt với đầy rẫy những nguy cơ rủi ro, như: môi trường làm việc nguy hiểm, giới chủ bóc lột sức lao động, tiền công bị cắt xén, lừa đảo… Đó là chưa kể địa phương này từng là điểm nóng của nhiều vấn nạn như tảo hôn, bạo hành gia đình…. Thế nhưng, những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn, đời sống của bà con đã ngày một khấm khá, cuộc sống dần ấm no, hạnh phúc.

Tiếp chúng tôi là người phụ nữ dân tộc Mông chừng bốn mươi tuổi, chị Vàng Thị Cầu, hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn đồng thời cũng là người sáng lập, là Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn. Vốn là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sà Phìn nên từ khi còn nhỏ, chị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới gần 40 công đoạn như trồng, chăm sóc cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa, may thành váy, áo của phụ nữ Mông. Với mong muốn tạo việc làm cho phụ nữ quê mình, vào tháng 3-2018, chị đã tổ chức các lớp dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện, đồng thời sáng lập ra HTX Lanh Trắng. Dù biết rằng đây là công việc không hề đơn giản, những bằng sự quyết tâm, nỗ lực của mình, chị đã từng bước tháo gỡ khó khăn. Đầu tiên, chị xin UBND huyện cấp cho gần 200ha đất để trồng cây lanh và với một ít vốn vay từ ngân hàng, chị đã cùng với 10 thành viên sáng lập bắt đầu khởi nghiệp. Sau hơn 1 năm, đến nay HTX có 20 thành viên đều là người dân tộc Mông.

Nhưng điều mà Đoàn công tác lần này đặc biệt quan tâm đến mô hình này không chỉ vì tạo ra công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc Mông mà còn là vấn đề nhân quyền. Bởi đây là HTX có 19 thành viên (trừ chị Cầu) đều là những mảnh đời đã từng rất bất hạnh, trong đó: 2 chị từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc; 2 chị là người khuyết tật, 10 chị từng là nạn nhân của bạo lực gia đình; 5 chị thuộc gia đình có hoàn cảnh nghèo đói, đặc biệt khó khăn; 1 người (nam giới) đã từng là tác nhân gây ra bạo lực gia đình nay đã thay đổi nhận thức và đang là thành viên lao động tích cực nhất trong HTX.

 Một số sản phẩm dệt lanh ở HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn.

“Trước khi đến đây làm thì gia đình mình không có tiền cho con đi học, ăn uống cũng rất thiếu thốn, có khi nửa năm mới có cân thịt để ăn. Đến Tết cũng chỉ có một cân thịt, một yến gạo. Các con ăn mặc cũng không đầy đủ. Mùa đông không có tiền mua áo. Chồng mình chỉ ở nhà không biết đi làm gì. Chồng rất bức xúc và bạo lực, đánh mình. Những lúc uống rượu đánh mình, khi tỉnh rượu lại không nhớ gì. Mình cũng muốn bỏ trốn để đi làm thuê ở chốn nào đó, nhưng có các con rồi muốn đi không được, muốn ở cũng không, mình cảm thấy rất tủi thân, cực khổ”, chị Sùng Thị Si - Giám đốc HTX Lanh Trắng bắt đầu kể câu chuyện của mình với Đoàn công tác. Thế nhưng làm việc ở HTX, chị có thu nhập ổn định và cũng trông coi nhà cửa được thuận tiện hơn. Vợ chồng cũng hòa thuận hơn, dù thỉnh thoảng chồng chị vẫn uống rượu, vẫn cằn nhằn dữ dằn với vợ, ghen tuông cái này cái kia. Rồi cuối cùng chị đã vận động được người chồng tham gia HTX.

“Vì HTX toàn là nữ nên mình nói anh có thể giúp các chị làm các công việc nặng nhọc như bê vác hoặc giao hàng. Ban đầu anh không đồng ý. Anh ý đi lao động bên Trung Quốc khi trở về thì họ hứa trả bằng ấy tiền nhưng chỉ cho tiền đi lại còn những khoản kia cứ lẻ tẻ không đưa. Khi về đây có việc làm ổn định và bây giờ trở thành thành viên tích cực của HTX, hai vợ chồng rất thương yêu nhau. Tôi nghĩ đó là một thành công, vừa của bản thân mỗi người phụ nữ vừa là của địa phương”, chị Si tâm sự.

Ngoài 20 thành viên chủ chốt, hiện nay HTX Lanh Trắng đã thực hiên mô hình liên kết, hỗ trợ sản xuất với gần 40 hộ gia đình trong huyện Đồng Văn trồng cây lanh nguyên liệu. Đối tượng thực hiện liên kết được HTX ưu tiên với những gia đình thuộc diện đói nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị em phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn nhân bị buôn bán sang Trung Quốc đã quay trở về Việt Nam. Tham gia liên kết với HTX, chị em đã có thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng - đây là số tiền thực sự giúp chị em từng bước vượt lên đói nghèo, thoát ra khỏi cảnh tủi hổ, chủ động trong cuộc sống, dần hòa nhập với cộng đồng.

Sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay các hội viên của HTX Lanh Trắng đã làm ra hơn 70 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại chỗ phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Không dừng lại ở đó, hiện nay HTX đã bắt đầu liên kết hợp tác sản xuất với các cơ sở du lịch, thời trang trong nước và xuất sang Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, I-ta-li-a, Nhật Bản... Đáng mừng là mới đây, chị Sùng Thị Si cùng các chị em trong HTX Lanh Trắng vừa bảo vệ thành công “Đề án phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên”, là 1 trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ vốn mức cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển.

Một hội viên của HTX  Lanh Trắng đang dệt lanh. 

Với phương châm “xã hội muốn tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm”, chính quyền huyện Đồng Văn đã nỗ lực để phụ nữ có việc làm mà HTX Lanh Trắng chính là minh chứng cụ thể. Trong đó, Phòng Tài chính và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Văn là hai đơn vị đóng góp nhiều thời gian, công sức cho sự phát triển của HTX Lanh Trắng. Trong suốt câu chuyện với Đoàn công tác, chị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Đồng Văn luôn nhắc đến sự giúp đỡ nhiệt tình và tâm huyết của cán bộ địa phương, trong đó đồng chí Bí thư Huyện ủy là người quan tâm đầu tiên và rất tâm huyết. Đồng chí ấy nói là "xã hội tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm, mà huyện mình phụ nữ chưa có việc làm rất nhiều, nên Hội Phụ nữ làm thế nào cố gắng để giúp phụ nữ có việc làm"; các ban, ngành cũng tham gia hỗ trợ rất nhiệt tình như phòng Tài chính, Phòng Kinh tế hạ tầng...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, mô hình dệt lanh thổ cẩm này hình thành từ 2017, trước khi hình thành, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy tổ chức Đoàn công tác gồm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ đi cơ sở khảo sát, tham quan. Trên cơ sở mục tiêu thứ nhất là tạo ra sản phẩm đặc trưng của huyện để thu hút khách du lịch, thứ hai là tập hợp được những phụ nữ có mong muốn có việc làm ổn định để thoát nghèo, huyện đã hỗ trợ bằng nhiều hình thức để HTX Lanh Trắng ra đời và hoạt động hiệu quả.

“Tham gia hoạt đông của HTX Lanh Trắng, phụ nữ địa phương phát huy được năng lực và có nguồn thu nhập ổn định, qua đó bình đẳng giới cũng được phát huy, bạo lực gia đình cũng giảm bớt, người phụ nữ có vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để mô hình này tiếp tục phát triển và nhân rộng”, đồng chí Dinh Chí Thành cho biết thêm.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất