Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh

Toàn cảnh buổi Họp báo.

Trở thành trung tâm công nghiệp, công nghệ cao

Bắc Ninh hình thành lâu đời gắn liền với nền văn minh sông Hồng. Từ thời Nhà nước Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của Việt Nam, Bắc Ninh thuộc bộ Vũ Ninh. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngày 6-11-1996, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra quyết định phê chuẩn việc chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Từ ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Đến nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, với 126 xã, phường, thị trấn.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh phát triển từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó, 10/15 chỉ tiêu quốc gia đánh giá xếp hạng tốp 10 và 5/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất, gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trạm y tế kiên cố hóa; diện tích nhà ở bình quân đầu người.

Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc, GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Thành lập 16 khu công nghiệp tập trung, với diện tích 6.398ha. Trong năm qua, mặc dù Bắc Ninh bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61,9 nghìn tỷ đồng; xuất khẩu có bước đột phá, năm 2021 đạt 44,9 tỷ USD, chiếm 13,5% cả nước, tương đương với TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với phát triển kinh tế, Bắc Ninh cũng đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm, cải thiện đời sống nhân dân; có một số chính sách được thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương. Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu năm 2021 đạt gần 5,9 triệu đồng/tháng…

Tổ chức kỷ niệm phù hợp với tình hình dịch bệnh

Tại Họp báo, đồng chí Trần Văn Vững, tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thông tin về các hoạt động tổ chức kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh. Theo đó, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào ngày 26-2 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức các hoạt động như: Trưng bày, triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh sau 25 năm tái lập”, trưng bày tư liệu “Bắc Ninh - 190 năm thành lập và phát triển”; triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật và kiến trúc với chủ đề “Bắc Ninh tỏa sáng”; xuất bản sách ảnh “Bắc Ninh, 25 năm đổi mới và phát triển”; “Vẻ đẹp miền Quan họ”. 
Cùng với đó là nghi lễ dâng hương và khởi công một số công trình trọng điểm chào mừng như: Công trình mở rộng Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh quy mô 300 giường; Khu Công nghiệp Thuận Thành I; công trình xây dựng 2.000 căn hộ - dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia Khu Công nghiệp Yên Phong…  Theo đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức lễ kỷ niệm, do dịch COVID-19 nên Lễ kỷ niệm được tổ chức gọn nhẹ, phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện dịch bệnh, tập trung vào 5 hoạt động cơ bản, trọng tâm chính là Lễ kỷ niệm diễn ra vào ngày 26-2.
“Các hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân; tạo thế và lực bảo đảm xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại” - đồng chí Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất