Hết lòng chăm lo cuộc sống giáo dân
Được Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum Vũ Quang Dũng giới thiệu, đúng lịch hẹn, vào buổi sáng cuối năm Tân Sửu tôi đến giáo xứ Plei Jơdập. LM Nguyễn Ngọc Quyền ra tận cổng nhà thờ đón tôi. Ông hồ hởi: “Đây là vùng xa, anh đến, chúng tôi mừng lắm…”. Lần đầu gặp mặt nhưng ông chân tình, cởi mở, xem tôi như người em xa lâu ngày gặp lại…
Thế rồi câu chuyện của chúng tôi như theo dòng chảy cuộc sống trên giáo xứ của người dân tộc Xơ Đăng, Ba Na… nơi vùng đất khó ngày xưa. Ông kể, ngày mới đến làm quản xứ với trên 700 hộ, 3.500 khẩu, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Ban ngày làm việc ở thánh đường, ban đêm ông thường đến từng nhà giáo dân để tìm hiểu phong tục, tập quán, cách thức lao động, sản xuất của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn với một tấm lòng quyết tâm đi tìm lời giải góp sức cùng với chính quyền giúp dân thoát nghèo.
Nhiều năm ròng rã, ông đã cùng làm nương rẫy, cùng ăn cơm, cùng sinh hoạt với bà con nên ông thành thạo tiếng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Để rồi trong các buổi lễ tại nhà thờ, thông qua lời giảng, LM Nguyễn Ngọc Quyền dễ dàng lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, vận động, nhắc nhở, động viên bà con giáo dân chăm lo làm ăn, từng bước xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới xin, tảo hôn, đặc biệt là khuyến khích tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường sống cho bà con…
Là đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum 3 nhiệm kỳ liên tiếp, LM Nguyễn Ngọc Quyền đề xuất với chính quyền nhiều công việc hệ trọng đối với cuộc sống giáo dân, trong đó có xây dựng con đường dài trên 3 km bằng bê tông thay cho đường đất lầy lội hàng bao đời nay, giúp bà con giáo dân Plei Jơdập đi lại, sinh hoạt và sản xuất thuận lợi. Còn nhớ cách đây vài năm, hạn hán làm khô rụi hàng trăm héc-ta cà phê của bà con, ông đã kêu gọi nguồn tài trợ trên 150 triệu đồng, mua máy bơm cùng hệ thống dây dẫn, bơm nước từ sông Đắk Bla tới các thôn, đào hồ chứa nước tại khu trung tâm để tưới, cứu khô hạn cho cà phê và hoa màu, làm nức lòng bà con trong vùng.
Ông A He, dân tộc Xơ Đăng, 58 tuổi, giáo phu giáo xứ Plei Jơdập xúc động nói: “Bà con giáo dân chúng tôi khắc ghi công ơn của LM Quyền nhiều lắm, ông luôn hết lòng với dân, chăm lo cuộc sống cho chúng tôi”. Còn ông A Thưp, Thôn trưởng và già làng A Khur thì cùng chung cảm nhận: “Cuộc sống của bà con giáo dân chúng tôi đã thực sự đổi thay, nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn xây được nhà ở kiên cố, khang trang. Trước đây, người dân không ai làm nhà vệ sinh, khi có nhu cầu là đi “đạp rừng” (vệ sinh ở ngoài rừng hoặc ngoài vườn) cho nhanh gọn. Còn bây giờ, 100% gia đình đã có hố xí hợp vệ sinh. Theo Trưởng thôn A Thưp, đây là sự thay đổi nổi bật của bà con trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm theo sự chỉ dạy của LM Nguyễn Ngọc Quyền.
Có thể khẳng định, với giáo xứ Plei Jơdập, cái khó tuy vẫn còn nhưng cái nghèo thực sự đã bớt đi rất nhiều. Ngoài sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, bà con giáo dân luôn nhớ tới công của LM Quyền. Những năm gần đây, nhờ tích cực vận động, kêu gọi từ các Mạnh Thường Quân đóng góp, hầu như tháng nào LM Quyền cũng trao tặng khoảng 100 suất quà luân phiên cho những gia đình neo đơn trong giáo phận, mỗi suất trị giá 250 ngàn đồng gồm gạo, dầu ăn, mì tôm, cá khô… Tháng 12 - 2021, bà con còn được nhận quà tặng là chăn len khi mùa đông đang tới.
Đồng chí A Đam, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Năng nhận xét: “Chính sự gương mẫu và tấm lòng nhân ái, tận tâm của LM Nguyễn Ngọc Quyền đã góp phần giúp bà con giáo dân luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; phấn khởi, yên tâm cầu lễ, hăng hái lao động, sản xuất, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Với những việc làm thiện nguyện xuất phát từ tình yêu thương, đồng cảm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của mình, LM Quyền rất xứng đáng được biểu dương, ghi nhận”.
Khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước
LM Nguyễn Ngọc Quyền chia sẻ: “Tôi không những cố gắng làm tròn phận sự của linh mục mà luôn luôn ý thức mình là một người dân Việt Nam, cho nên mình phải có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ đất nước này. Vì thế, từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn động viên, khích lệ bà con làm ăn để nâng cao đời sống, đồng thời phải có ý thức xây dựng, bảo vệ trật tự, an ninh chính trị của địa phương cho thật tốt”. Ông chỉ rõ cho mọi người rằng, một đất nước, một địa phương mà kinh tế phát triển đi lên thì bà con mới hạnh phúc. Khi có đủ ăn thì mới luôn thấy việc đạo vui, nếu nghèo khó thì sẽ không lo được việc đạo cho tốt và cũng không thể làm việc đời cho trọn.
Tâm niệm “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” để mang lại hạnh phúc cho đồng bào của LM Quyền còn là luôn sống hài hòa và tôn trọng mọi tôn giáo, tôn trọng mọi thành phần trong xã hội. Ông nói: “Người công giáo tốt phải là người công dân tốt, phải biết yêu thương mọi người, phục vụ mọi người và tôn trọng mọi người. Thế mới là hợp với ý Chúa”. Sự hòa hợp của giáo dân công giáo Plei Jơdập với bà con tôn giáo khác và với những người không theo đạo tạo nên sức mạnh đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất này.
Lòng bác ái, vị tha của LM Quyền càng thêm đẹp giữa đời thường khi ông chủ trương chăm lo, đào tạo cho thế hệ tương lai của giáo xứ; thường xuyên động viên, khích lệ bà con người dân tộc thiểu số đưa con em đến trường. Ông thành lập 2 “Mái ấm tình thương” để nuôi dạy, hỗ trợ 42 trẻ mầm non tại thôn Plei Jơdập và Plei Rơwăk. Ông nói: “Tôi nghĩ, trang bị cho các em kiến thức văn hóa và những gì thuộc về nhân bản để họ trở về buôn làng lo được cho bản thân và cộng đồng trong tương lai”. Ông còn phối hợp với một số cơ quan, tổ chức và cá nhân tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đặc biệt là những ca hiểm nghèo đều được ông lo chu tất. LM Quyền chia sẻ, trong vận động bà con dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, trước hết mình phải làm được, làm đúng. Thực tế thì bà con nhìn vào mới tin. Đồng thời, phải luôn tiếp xúc, thật sự gần gũi với bà con, hiểu được văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số để chia sẻ và phát huy, bảo tồn chứ không áp đặt; phải khơi dậy niềm tự hào và lòng yêu quê hương, đất nước đối với bà con giáo dân.
Ghi nhận sự đóng góp của LM Nguyễn Ngọc Quyền, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Kon Tum và nhiều cấp, ngành đã tặng ông Bằng khen trong phong trào thi đua “Người công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhưng hơn tất cả, với phong cách sống giản dị, gần gũi, ở tuổi sáu mươi lăm, sống và hành đạo, tích cực góp phần vì sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, LM Nguyễn Ngọc Quyền đã nêu gương sáng trong cuộc sống giữa đạo - đời. Đó là biểu hiện sinh động nhất thể hiện sâu sắc tấm lòng “kính Chúa - yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đưa công giáo gắn bó chặt chẽ với Đất nước, với Nhân dân.
Chia tay LM Nguyễn Ngọc Quyền giữa những ngày cuối năm Tân Sửu, trời Tây Nguyên trong xanh, nắng vàng rực rỡ, trong đôi mắt ông chứa đựng một tình yêu buôn làng sâu thẳm, ánh lên niềm tin về cuộc đổi đời sẽ nhanh đến với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất Bắc Tây Nguyên.
Nguyễn Khánh Hòa