Lam Kinh- Mảnh đất khởi nghiệp của Vương triều Lê

Thanh Hóa - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài của dân tộc Việt Nam. Nhiều địa danh, tên núi, tên làng, tên sông đã trở thành huyền thoại, gắn với mốc son lịch sử dân tộc: Núi Nưa gắn với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu; Ba Đình - nơi hưởng ứng chiếu Cần Vương, hừng hực nhuệ khí phò Vua, giúp nước của Đinh Công Tráng; Cầu Hàm Rồng-nỗi ám ảnh kinh hoàng của đế quốc Mỹ… và đặc biệt, xứ Thanh đã sinh ra ra Anh hùng Lê Lợi - Người có công lớn trong việc đánh đuổi quân Minh và sáng lập vương triều Lê sơ thế kỷ XV trên mảnh đất Lam Sơn hùng vĩ.

             

Lam Kinh nằm trên vùng đất thuộc xã Xuân Lâm, huyện Thọ Xuân - nơi sinh hai đời Lê (Tiền Lê, Lê sơ). Trước Lê Lợi hơn 400 năm, vua Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) người con của mảnh đất Khả Lập (Xuân Lập) đã chỉ huy quân ta đánh tan quân xâm lược Tống năm 981. Và, cũng tại mảnh đất này vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) điềm thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, ông đã quyết định san đất dựng nhà, quy tụ hiền tài, dựng cờ khởi nghĩa. Dưới ngọn cờ nghĩa khí của Lê Lợi, đội ngũ tướng lĩnh, văn thần tài ba là người Thọ Xuân hội tụ về rất đông như: Lê Thận, Lê Văn An, Lê Thiết, Lê Lĩnh, Lê Sát, Phạn Vấn, Lê Sảo, Lê Văn Linh, Lê Lan, Ðinh Lễ, Ðinh Liệt, Nguyễn Nhữ Lãm, Trần Lựu, Lê Rối, Lê Bôn... Ðội ngũ khai quốc công thần, bậc hiền tài có nhiều kế sách, mưu thao lược phò vua giúp nước, lập nhiều chiến công xuất sắc, đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Sự nghiệp bình Ngô thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, chọn đất Thọ Xuân làm nơi khởi nghiệp của triều đại Lê Sơ, mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước thời kỳ phong kiến tự chủ. Đất nước hòa bình, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) nhanh chóng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quyền lực bộ máy cai trị như định luật, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, đặt quan chức, lập phủ huyện, thu thập sách vở, dựng học đường. Vì vậy, đất nước hưng thịnh, trong ấm, ngoài êm, kinh tế phục hồi nhanh chóng, đời sống nhân dân no ấm, yên vui. Với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Lê Lợi xứng đáng với tên gọi là vị Hoàng đế anh minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại. Tên tuổi, sự nghiệp ông sẽ mãi hành trình cùng nhân dân Thanh Hoá, trường tồn cùng lịch sử dân tộc Viêt Nam.

Thời gian trị vì đất nước chưa được bao lâu, ngày 22 tháng 8 năm 1433 – năm Quý Sửu vua Lê Thái Tổ băng hà, Thành điện Lam Kinh được xây dựng lên để an táng - nơi an nghỉ của Lê Lợi và các vua đời sau. Thành điện dài trên 300 mét, rộng 254 mét, nằm lọt trong một vùng sông núi tuyệt đẹp “sơn thủy hữu tình”. Phía Bắc thành là núi Dầu, phía Nam là sông Chu, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hướng và núi Hàm Rồng. Các công trình chính ở Lam Kinh gồm Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu... bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc có dáng chữ Vương, bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Công trình thật nguy nga tráng lệ bao bọc một quần thể di tích lịch sử về lăng mộ và kiến trúc văn hóa triều Lê sơ. Bên cạnh lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn còn có Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông; Đền Lê Lai. Các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ cũng lần lượt được đưa về táng tại đây. Ðất Lam Sơn trở thành sơn lăng của nhà Lê Sơ. Lam Kinh ngày nay còn được gọi là Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (Hà Nội ngày nay).

Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Chính phủ cho phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích. Năm 1985, Hội thảo quốc gia về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn được tổ chức tại Thanh Hóa nhân kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Nhiều công trình nghiên cứu về Lê Lợi, vương triều Hậu Lê được xuất bản đã khẳng định rõ vai trò, vị trí của Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 609/QÐ-TTg về việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh.

Lam Kinh ngày nay là một di tích lịch sử quan trọng, tiềm năng du lịch, nơi giáo dục truyền thống lịch sử, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc về một triều đại huy hoàng trong lịch sử do Lê Lợi khởi xướng và được các đời vua sau kế thừa, phát triển. Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã để lại nhiều dấu tích về kiến trúc thời Lê, cùng biết bao di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, dân ca, dân vũ của vùng văn hóa Lam Sơn… tất cả hội tụ nên Thành điện Lam Kinh - Nơi mà những người con xứ Thanh thường nói với nhau “về” Lam Kinh, về với truyền thống lịch sử, nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. “Về” nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (1416) của 18 người con của đất nước hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt cháy, thề đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Về với đạo lý, nguồn cội, hồn thiêng sông núi của dân tộc Việt Nam.

Hằng năm vào dịp tháng Tám âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại bắt đầu và được cử hành trọng thể vào ngày giỗ của Lê Lợi (22-8-1433). Năm nay, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh và đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với tỉnh Thanh Hóa và quốc gia, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 595 khởi nghĩa Lam Sơn và 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. 

Trong lễ hội, tiếng cồng chiêng âm vang cả rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn. Các trò chơi: Ném còn, dựng cây nêu, hát trò Xuân Phả náo nức lòng người. Lễ hội Lam Kinh góp phần quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, hình ảnh về con người, thiên nhiên xứ Thanh đến bè bạn trong và ngoài nước. Lễ hội còn là điểm hành hương của du khách trở về cội nguồn dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công lao, sự nghiệp vĩ đại của Anh hùng dân tộc Lê Lợi - người có công rất lớn sáng lập vương triều Lê sơ - một triều đại tồn tại lâu nhất với hơn 360 năm trong lịch sử.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất