Nhạc sỹ Thế Song sinh năm 1933, tại Hà Nội. Với tình yêu và đam mê âm nhạc ngay từ lúc còn nhỏ ông đã kiên trì tự học môn hoà thanh, phối khí và lý luận âm nhạc, học hỏi lớp đàn anh đi trước và học trong thực tế. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã viết khoảng gần 600 ca khúc, nhiều đề tài, thể loại khác nhau, trong đó điểm mạnh của ông vẫn là những đề tài về biển và những người lính biển, có lẽ cuộc đời sáng tác của ông gắn liền với biển nhiều ca khúc được đông đảo người nghe mến mộ. Ca khúc Nơi đảo xa là một ví dụ, ngoài ra còn các ca khúc: Ngôi nhà lính đảo, Biển mưa, Biển chuyện tình hoá đá, Hoa hồng biển đảo, Mênh mang Trường Sa, Tình em theo cánh sóng, Hát từ vùng gió xoáy, Hòn mưa, Sóng rũ, Em yêu mến anh bộ đội… Những địa danh đi qua đều để lại những cảm xúc cho ông để viết như ca khúc: Vũng Tàu biển tình yêu, Cát Bà tình em, Cát Bà tình anh, hay Thiên Cầm biển tình yêu, Biển hẹn Cà Mau…
Ca khúc Nơi đảo xa được viết khoảng tháng 4-1979 lúc đó ông có chuyến đi thực tế về biên phòng ở Thán Phún, Pò Hèn (Quảng Ninh).
“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh đến là đảo xa/ Từng mảnh đất quê ta, giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”.
Nhạc phẩm Nơi đảo xa trở thành cầu nối đất liền với những hòn đảo xa xôi, nơi có biết bao người lính đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc.
Thế Song tâm sự: “Tôi sáng tác Nơi đảo xa khi chưa hề đến Trường Sa đâu nhé! Không định viết về Trường Sa mà lại thành mới vui!”.
Nhạc sĩ Thế Song kể: “Từ lâu tôi định viết một bài về hải quân nhưng viết không thành. Ở đây, nghe các anh kể hằng ngày đi chiến đấu, đi dọc mấy nghìn cây số bờ biển khiến mình suy nghĩ. Đơn vị hải quân này đóng bên cạnh biển Hạ Long thơ mộng, xa xa thấy từng đoàn thuyền căng buồm, xa nữa là những đảo núi nhấp nhô trên biển. Đảo và biển của ta đẹp quá, cùng với hình ảnh người lính hải quân hiền hậu và mến khách, ngày đêm vượt sóng gió để canh giữ biển đảo thân yêu. Đi với họ, ăn với họ, tôi hiểu công việc của họ rất vất vả. Tự nhiên cảm xúc về biển đảo và người lính hải quân dâng trào trong tôi, giai điệu bài hát được hình thành rất nhanh ngay trong đầu. Tôi yêu biển và cảm phục người lính hải quân”.
Nhớ lại lúc ra đời bài hát này chúng ta quay ngược lại thời gian khi Thế Song cùng anh em Đài Tiếng nói Việt Nam đi sáng tác thực tế. Đoàn đang đi trên đường tới Thán Phún thì được lệnh hoãn phải dừng lại ở thị xã Hòn Gai rồi quay về đồn biên phòng. Ở đây Thế Song gặp các anh em chiến sỹ hải quân Trạm 48 - một trạm sửa chữa tàu biển. Anh em ở đây kể cho nghe rất nhiều chuyện về cuộc sống của lính đảo, những cảm xác nhớ đất liền và thú thật cả về sự thèm ngắm nhìn người con gái quê mình.
Có chiến sỹ đề nghị: "Anh phải viết ca khúc về bọn em nhé”, đất nước ta có tới 3.000km đường biển mà!". Thế Song nhận lời. Ông nảy ra ý tưởng của ca khúc ngay những câu đầu ra đời rồi nối tiếp suôn sẻ trên đoạn đường từ Quảng Ninh về Hà Nội. Còn lời hai thì ông viết tại Hà Nội.
Ông tâm sự là có duyên cơ may đưa đến Nơi đảo xa dù lúc ấy nhạc sĩ chưa một lần được ra đảo Trường Sa hay Hoàng Sa.
Ca sỹ Tiến Thành đến nhà Thế Song chơi, nhạc sĩ mang cho Tiến Thành xem bản thảo, Tiến Thành nói luôn: "Anh để cho em hát bài hát này" và Tiến Thành đã thể hiện rất thành công. Với tiếng ca của Tiến Thành, Nơi đảo xa được thu âm, khi phát lên được nhiều người yêu mến.
Khi được hỏi sao lại mặn nồng với biển đảo như vậy? Thế Song nói: "Tôi đâu có định hình mình phải theo đề tài gì, nhưng cứ tự nhiên mà đề tài biển đảo ùa đến với tôi".
Vâng! đúng như vậy. Cuộc đời sáng tác một ca khúc hay được mọi người yêu mến biết đến đã là niềm hạnh phúc, huống chi đó lại là một ca khúc đi cùng năm tháng như Nơi đảo xa, thì thật tự hào biết mấy?
Năm 1979, ông viết ca khúc Nơi đảo xa, mãi tới năm 1995 ông mới có dịp đến Trường Sa cùng với các nhạc sỹ Doãn Nho, Lương Nguyên. Lính đảo khi biết Thế Song là tác giả bài hát anh em chiến sỹ ùa vây lấy ông trong niềm vui mừng như là người thân lâu ngày mới gặp. Ông tâm sự: "Lúc này tôi sung sướng lắm, gần nửa tháng ở Trường Sa được thấy và nghe rất nhiều chuyện về biển đảo người lính Trường Sa, và nhiều lời tâm sự của lính đảo đã và đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo biên cương của Tổ quốc".
Đã hơn 30 năm qua, ca khúc Nơi đảo xa của ông được hàng triệu triệu người yêu mến và được đánh giá là một trong ca khúc hay về biển đảo, đặc biệt là những người lính đảo.
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua… vì Trường Sa ơi vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, tình yêu biển đảo của ông và của mỗi người chúng ta như một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc.
Chúng ta yêu mến từng con sóng, làn gió biển, cánh chim hải âu, từng bãi đá, con tàu, đó là tình yêu người lính đảo và cao hơn đó chính là tình yêu với biển đảo, với đất nước, ở nơi ấy có sự hy sinh không chỉ những người lính đảo đã và đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng mà còn là sự hy sinh của những cô gái là người yêu của lính đảo, là người vợ, người mẹ, cả những đứa con ngày đêm mong cha về với cành san hô đá, và cả những vỏ ốc biển đủ hình dạng, màu sắc…
Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền/ Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi/ Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô/ Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em….
Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó/ Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tình yêu/ Sóng ru mối tình đời thuỷ thủ càng thêm vui/ Đây con tầu ra khơi, đây con tàu ra khơi.
Xuân Miễn - Đỗ Thông
139/4 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM