Cách mạng Tháng Tám thành công, tưởng rằng cả dân tộc Việt Nam được sống trong hòa bình, độc lập. Chính quyền non trẻ mà chúng ta vừa mới giành được, lại đứng trước nguy cơ mất còn, tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 23-9-1945, núp dưới danh nghĩa thay thế quân Anh vào Nam Bộ tước vũ khí quân Nhật, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Tướng Lơ-cơ-léc được cử làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã huyênh hoang tuyên bố:“Lâu nhất là ba tháng miền Nam sẽ được bình định”. Khoảng 6 ngàn quân Pháp với sự yểm trợ của 1 vạn quân Anh bắt đầu gây hấn ở Nam Bộ để biến miền Nam thành bàn đạp đánh chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Mặc dầu rất yêu chuộng hòa bình nhưng trước sự hống hách của quân Pháp, nhân dân Nam Bộ không có con đường nào khác là phải tiến hành một cuộc kháng chiến để giữ vững nền độc lập của dân tộc. Sáng ngày 23 tháng 9, Xứ uỷ Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị phân tích âm mưu gây chiến của thực dân Pháp là nhằm mục đích cướp nước ta một lần nữa và chủ trương phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Uỷ ban kháng chiến các cấp được thành lập, ra lệnh tổng đình công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong toả địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược để bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.
Đây là cuộc đọ sức không cân bằng, giữa một bên là thực dân Pháp được trang bị các vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại có binh hùng tướng mạnh; một bên là nhân dân miền Nam với các vũ khí tự tạo thô sơ, lạc hậu. Nhưng trong điều kiện ngặt nghèo của chiến tranh bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân Nam Bộ càng toả sáng. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, cảnh sát chiến đấu, công an xung phong… cùng với toàn thể nhân dân miền Nam đã kiên quyết đứng lên. Chúng ta đánh Pháp bằng tất cả những thứ vũ khí có trong tay, từ gậy tầm vông vót nhọn đến giáo mác với những cách đánh linh hoạt, sáng tạo khiến địch phải hoang mang, dao động. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Một đạo quân dù tối tân đến đâu cũng chẳng đánh bại được thái độ cương quyết của cả một dân tộc”[1].
Chiều ngày 23 tháng 9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Bàn ghế, giường tủ được khuân ra đường phố dựng thành các ụ chiến đấu. Cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn làm cho quân Anh, Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn, hoảng sợ. Chúng phải cầm cự trong một thành phố không điện, không nước, không tiếp tế , bị quân dân ta bao vây, cô lập hoàn toàn. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước.
Ở ngoài Bắc, Bác Hồ vẫn dõi theo từng bước đi của cách mạng miền Nam. Trong thư gửi cho đồng bào Nam Bộ, Chủ tich Hồ Chí Minh biểu dương tấm gương chiến đấu quả cảm của quân dân Nam Bộ anh hùng, nêu rõ quyết tâm: “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Người khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”[2]. Niềm tin mãnh liệt của của Bác trở thành lời hiệu triệu thôi thúc, động viên đồng bào miền Nam muôn triệu người như một xông lên bạt vía quân thù.
Cuộc chiến tranh ngày càng một ác liệt, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch ngày càng chênh lệch nhưng quân dân miền Nam vẫn chiến đấu bền bỉ, sẵn sàng hy sinh xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Lòng yêu nước, sự mưu trí, dũng cảm của nhân dân Nam Bộ đã góp phần tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; là động lực tinh thần to lớn để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào một giai đoạn cách mạng mới vừa oanh liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng trong lịch sử dân tộc. Để tôn vinh những chiến công vang dội đó, tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam danh hiệu bất tử “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam Bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài Bắc. Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh phát động trong cả nước phong trào “Vì miền Nam anh dũng” để ủng hộ cuộc kháng chiến ở miền Nam. Hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều thành lập đoàn quân “Nam tiến” gửi vào Nam tham gia giết giặc, trừ gian. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, của Bác, hàng ngàn thanh niên miền Bắc đã nô nức lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để “chia lửa” với nhân dân miền Nam anh hùng.
“Nam Bộ kháng chiến” đã để lại cho Đảng ta những kinh nghiệm quý báu trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo chiến tranh cách mạng: về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, về cách tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị vùng sau lưng địch… Tinh thần dũng cảm chiến đấu, khí phách hiên ngang của quân và dân Nam Bộ đã làm thất bại bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Đồng thời, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị những tiền đề vật chất, tinh thần cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.
Thượng uý Nguyễn Thị Hương
Trường Sĩ quan Lục quân 2
Tài liệu tham khảo:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4,Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 88.