Long An xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh - tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An.

Đổi mới tư duy, sửa đổi lối làm việc

Thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng bộ tỉnh đã tăng cường quán triệt thực hiện quan điểm đổi mới tư duy, lề lối, tác phong làm việc trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, nhất quán nguyên tắc hành động “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Năng động - Phát triển”; với tinh thần “Xem người dân là đối tượng phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ; những việc gì có thể triển khai thực hiện thì chủ động làm ngay, không trông chờ, đùn đẩy, kéo dài; luôn cải tiến quy trình, tận dụng tối đa ưu thế khoa học - công nghệ để tăng hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc, tránh lãng phí thời gian. Tất cả vì mục tiêu phát triển của tỉnh nhà, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Phải thật sự “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”

Với chủ trương không ban hành những chủ trương, nghị quyết “trên giấy”, mà các chủ trương, quyết sách phải được xây dựng trên cơ sở sát hợp với thực tiễn, điều kiện phát triển của địa phương và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; trong triển khai thực hiện phải luôn khẩn trương, quyết liệt, “nói đi đôi với làm”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc cụ thể hóa thực hiện, đưa nghị quyết vào đời sống luôn được triển khai nhanh chóng theo hướng dễ hiểu, dễ làm, xác định lộ trình, phân công, phân cấp và quy trách nhiệm cụ thể. Tỉnh thực hiện nghiêm túc việc bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp; kịp thời lắng nghe, tiếp thu những vấn đề trọng tâm, đột phá trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm nắm chắc những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, doanh nhân, những vấn đề bức xúc, phát sinh trong thực tiễn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết một cách căn cơ, hiệu quả; qua đó, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền địa phương. Song song đó, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; hướng mạnh về cơ sở. Mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân luôn được đề cao và đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm phương châm “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Trong thực hiện nhiệm vụ, các phong trào, mỗi “cán bộ, đảng viên phải luôn đi trước, làng nước theo sau”. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nhất là phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển ở địa phương.

Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên

Đây là quá trình vận động xuyên suốt, không ngừng của Đảng bộ tỉnh để hoàn thiện, xây dựng và đổi mới, đảm bảo ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong đó, công tác chính trị tư tưởng tiếp tục tăng cường gắn với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gắn với triển khai Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Kịp thời cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm đầu mối, giảm số lượng cấp phó và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước giảm. Biên chế của cả hệ thống chính trị giảm mạnh, đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI.

Tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội

Với tư duy đổi mới, hội nhập và phát triển, qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã có những chủ trương, quyết sách đột phá, toàn diện trên các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, lấy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị sinh thái làm động lực cho sự phát triển, song song đó đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,11%, quy mô nền kinh tế dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Cửu Long; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm đạt 12,8%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở nhóm “tốt” đến “rất tốt”; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 77 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1,52%. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến vô cùng phức tạp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh; thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Về cơ bản tình hình dịch bệnh được kiểm soát; kinh tế - xã hội phát triển ổn định. Nổi bật, trong 6 tháng đầu năm 2021, Long An vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,06% (xếp thứ 3/13 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; thứ 4/8 Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt hạng 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 7/63; tiếp nhận đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký trên 3,2 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 11.000 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Được – Bí thư Tỉnh ủy Long An trao đổi với các đại biểu tại buổi Tọa đàm "Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 19-4-2021.


Hiện nay, Long An đang khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đây sẽ là quy hoạch chiến lược với tầm nhìn dài hạn, đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đồng thời mang bản sắc riêng của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực đầu tư các trục giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh, kết nối nội vùng của tỉnh. Song song đó, tỉnh đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình đột phá “Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh” và 3 công trình trọng điểm giao thông (hoàn thiện đường Vành đai thành phố Tân An; Đường tỉnh 830E - đọan từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830; Đường tỉnh 827E - đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đến sông Vàm Cỏ Đông) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Việc thực hiện thắng lợi chương trình đột phá và các công trình trọng điểm về giao thông sẽ mở ra cơ hội rất lớn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế của tỉnh.

Với những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, Long An đã có sự phát triển bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Cùng với ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Long An tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguyễn Văn Được
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất