Giải pháp
Nhận thức được tầm quan
trọng của công tác giáo dục, đào tạo, căn cứ thực tế của địa phương, thời
gian qua, Đảng
bộ tỉnh Thái Bình đã đề ra nhiều giải pháp nhằm chỉ đạo việc đổi mới công tác
giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Quy
hoạch ổn định, phát triển đa dạng theo hướng chuẩn hóa hệ thống trường lớp. Các huyện trong tỉnh đã tích cực, khẩn
trương xây dựng các trường THCS liên xã, dồn điểm trường mầm non, giảm điểm lẻ
trường tiểu học, chuyển đổi loại hình trường THPT, mầm non theo Luật Giáo dục.
Tính đến nay đã thành lập được 13 trường THCS liên xã, giảm được 60 điểm trường
mầm non, chuyển đổi 2 trường THPT bán công sang công lập và toàn bộ 8 trường
THPT bán công còn lại sang hệ tư thục. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy hoạt động của
287 trường mầm non trong giai đoạn chuyển sang công lập. Ở các cấp học phổ
thông, toàn tỉnh có 293 trường tiểu học, 4.166 lớp với gần 120.000 học sinh; 271
trường THCS với gần 98.000 học sinh; 40
trường THPT (29 công lập, 1 trường chuyên và 11 trường ngoài công lập) với gần 58.700
học sinh. Hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng
được củng cố, hoạt động khá hiệu quả. Toàn tỉnh có 10 trung tâm giáo dục thường
xuyên cấp huyện, 1 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, 286 trung tâm học tập cộng
đồng. Các trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức học chuyên đề cho gần 140.000 lượt
người học, bình quân 4.885 lượt người học/một trung tâm. Về giáo dục trung cấp
chuyên nghiệp, năm học 2011-2012 toàn tỉnh có 3 trường, 6 cơ sở đào tạo trung
cấp chuyên nghiệp với tổng số học sinh được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp là
4.764 em.
Mở
rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Thái Bình đã huy động được 67,2% số trẻ trong độ
tuổi nhà trẻ và 99,6% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường. Các trường mẫu
giáo trên địa bàn tỉnh luôn tích cực, chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện
chương trình giáo dục mầm non mới, thực hiện các biện pháp đổi mới phương pháp,
ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm qua có thêm
19 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia
lên 125 trường, đạt 41,8%.
Các trường tiểu học tiếp tục đổi mới
phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động sáng
tạo của học sinh. Đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở coi
trọng tác động tình cảm, tạo niềm vui, gây hứng thú trong học tập cho học sinh
theo từng lứa tuổi. Ở nhiều trường, học sinh tiểu học được tham gia các hoạt
động như sân chơi Toán tuổi thơ, Văn tuổi thơ... nhằm phát hiện học sinh có
năng khiếu. Kết quả thi Giải toán qua mạng
ở cấp tiểu học năm học 2011-2012 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, đoàn Thái
Bình xếp thứ nhất toàn quốc, đạt cúp
vàng toàn đoàn, trong số 40 em dự thi có 36 em đạt huy chương vàng, 4 em đạt
huy chương đồng; dự thi Olympic Tiếng Anh qua mạng cấp quốc gia, đoàn Thái Bình
cũng giành được giải nhất toàn quốc, đoạt cúp vàng toàn đoàn, trong tổng số 41
em dự thi có 21 em đạt huy chương vàng, 8 em đạt huy chương bạc, 3 em đạt huy
chương đồng.
Hưởng ứng phong trào “Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong
trong phương pháp dạy học và quản lý; mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi
mới phương pháp dạy học”, các trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình tích cực đẩy
mạnh hoạt động thi đua đổi mới phương pháp dạy học. Việc cải tiến phương pháp
giảng dạy cho phù hợp với nội dung chương trình sách giáo khoa được quan tâm
chỉ đạo thường xuyên, nhiều thầy, cô giáo nhiệt tình, tích cực đổi mới phương
pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy - học, từ đó nâng cao chất lượng
giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ
thông năm 2012 có 20.191 học sinh đăng ký dự thi, có 20.183 học sinh được công
nhận tốt nghiệp, đạt 99,94%.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán
bộ quản lý giáo dục. Nhìn
chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Thái Bình có phẩm
chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, có ý thức trách nhiệm, tận tụy với nghề,
hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của
ngành. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, tương đối đồng
bộ về cơ cấu, trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, đạt tỷ lệ khá
cao và đều vượt so với năm học trước. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ
giáo viên, nhiều trường học đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới quản lý, đổi mới
phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như hội thảo,
hội giảng, hội nghị chuyên đề ở tổ, khối trong trường, cụm trường. Chăm lo, tạo
điều kiện cho cán bộ, giáo viên tích cực tự học, tự rèn, tự nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin. Các phòng giáo
dục và đào tạo tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng số giáo viên chưa đạt
chuẩn, tăng cường đào tạo nâng chuẩn, sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả nhà
giáo hiện có.
Hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành Giáo dục, đào tạo Thái Bình cũng còn có những bất cập, hạn chế cần khắc
phục trong thời gian tới như thiếu đồng bộ về cơ cấu đội ngũ giáo viên dẫn
đến phân công giảng dạy gặp khó khăn; một số giáo viên vẫn chưa đạt chuẩn về
trình độ, việc đổi mới phương pháp dạy học ở một bộ phận giáo viên còn chậm,
mang tính hình thức, kém hiệu quả; soạn bài còn lan man hoặc sơ sài, câu hỏi
ít, chưa sâu, chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn học sinh luyện tập và
học bài ở nhà. Một số giáo viên còn ngại làm và sử dụng đồ dùng dạy học, trình
bày bảng chưa khoa học, việc đánh giá xếp loại học sinh của một số giáo viên
chưa chính xác; trong giảng dạy một số giờ còn nặng về thuyết trình; việc xây
dựng các loại kế hoạch trong một số trường chưa khoa học; sổ điểm bộ môn, sổ
đầu bài, sổ gọi tên ghi điểm vẫn còn sai sót, chất lượng dạy và học không đồng
đều. Một số trung tâm hiệu quả hoạt động chưa cao mà biểu hiện là: Ban quản lý
điều hành chưa tốt, nội dung học tập chưa toàn diện, hình thức tổ chức đơn
điệu, chuyên môn còn thấp.
Kinh nghiệm
Qua thực tế quá trình
lãnh đạo công tác giáo dục ở Thái Bình, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:
Thứ
nhất, phát triển sự
nghiệp giáo dục - đào tạo phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của
cấp ủy và chính quyền các cấp, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Xác
định phát triển sự nghiệp giáo dục là một chỉ tiêu quan trọng trong mục tiêu,
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc triển khai, quán
triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh phải thực hiện
một cách nghiêm túc, định kỳ hàng năm kiểm tra, đánh giá chỉ rõ những yếu
kém, tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Thứ
hai, các cấp ủy đảng,
chính quyền quan tâm lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể
trong việc truyền thông, giáo dục uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và
hành động về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Thứ
ba, trong tổ chức thực
hiện phải kiên trì vận động, thuyết phục để nâng cao nhận thức nhân dân về mục
tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng giáo
dục nói chung và có trách nhiệm với thế hệ trẻ nói riêng. Công tác động viên
khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp giáo dục phải
được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm minh
những trường hợp vi phạm Luật Giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Thứ
tư, chú trọng xây dựng,
bồi dưỡng, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác giáo dục ở cả 3 cấp (tỉnh,
huyện, cơ sở) đủ mạnh, xứng đáng là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp cấp ủy,
chính quyền thực hiện tốt công tác chăm lo cho thế hệ trẻ. Quan tâm đến đời
sống vật chất tinh thần và có chế độ khuyến khích những cá nhân, tập thể làm
tốt công tác giáo dục - đào tạo.
Thứ
năm, đẩy mạnh xã hội hóa
công tác giáo dục, đào tạo, huy động sự đóng góp của nhân dân, tranh thủ sự
giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm
thông qua chương trình, dự án, các hoạt động tự nguyện, nhân đạo vì sự phát
triển bền vững của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trong xu thế
toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành giáo dục và đào tạo ở nước ta
đang đứng trước những thời cơ thuận lợi cùng khó khăn thách thức lớn. Việc đổi
mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước ta nói chung, ở Thái Bình
nói riêng vốn đã rất quan trọng, trong giai đoạn hiện nay càng quan trọng hơn
bao giờ hết. Vận dụng những kinh nghiệm trên sẽ góp phần đưa nền giáo dục vững
bước đi lên trên chặng đường mới phù hợp với xu thế của thời đại, đào tạo nguồn
nhân lực có chất lượng cao góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
ThS. Nguyễn Đức Nhuận
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh