Bia không chỉ là một đồ uống rất riêng, mà thưởng thức bia ở Hà Nội đã trở thành một nét đẹp văn hóa khó mai một. Ở đó, câu chuyện hàn huyên được bắt đầu với ký ức về Thủ đô của một thời, về những con người ngày xưa ấy đã vững bước vượt qua thử thách của “một thời gian khó”, và về vạn vật Hà Nội của ngày ấy- bây giờ...
“Bén duyên” với ẩm thực Hà Thành
Người Pháp du nhập bia vào Hà Nội từ năm 1890 với nhà máy Bia Hommel bắt đầu xây dựng trên núi Voi đường Hoàng Hoa Thám (nay là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), sau hai năm thì hoàn thành. Hơn 30 công nhân và công suất ban đầu là 150 lít/ngày chủ yếu phục vụ công chức và binh lính, sĩ quan Pháp đóng ở Hà Nội.
Ngày ấy, người Hà Nội uống loại đồ uống “Tây” xa lạ này vào những buổi tối cùng gia đình đi dạo hóng mát bên Hồ Gươm. Những chai bia được đóng chai đậy bằng nút li-e để bảo đảm chất lượng bia, và bọn trẻ lanh lợi, tinh nghịch gần đó thường đi lượm nút chai quanh quầy gom lại rồi bán cho nhà máy. Ngày 15-8-1958, công nhân nhà máy bia cùng hai chuyên gia Tiệp Khắc đã xuất xưởng chai đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch. “Mưa dầm thấm lâu”, bia Trúc Bạch dần chinh phục được người Hà Nội bởi cảm giác giải khát tức thì, sự lâng lâng tê tê đầu lưỡi có thể xua đi những bí bách căng thẳng thường nhật.
Cái thú của bia hơi
Bia hơi Hà Nội được “khai sinh” vào những năm 60, cùng một công nghệ sản xuất, nhưng khác với bia đóng chai, bia hơi sẽ tiếp tục lên men và được đóng vào thùng nhôm để chuyển đến các cửa hàng. Thời kỳ sau khi đất nước thống nhất cho đến hết giai đoạn bao cấp cuối thập niên 80, người Hà Nội “chuộng” uống bia đến mức bia ít, người nhiều, dễ dàng gặp cảnh người Hà Nội “rồng rắn lên mây” xếp hàng mua bia như đi mua vé tàu hỏa về quê ăn Tết. Sẽ là thiếu sót nếu quên gợi lại hình ảnh quán bia nổi tiếng Cổ Tân nằm ở khúc hè phố ngắn; quán bia "chuồng cọp" đầu phố Nguyễn Đình Chiểu, 41 Hàng Bài...
Họ phấn chấn trả tiền, háo hức nhận vé mua bia và vã mồ hôi đợi chờ đến khi cầm được chiếc cốc vại bằng thủy tinh màu xanh, đúng nửa lít bia vàng óng, từng bọt bóng li ti nổi lên từ đáy cốc rồi biến mất ở đám bọt bia trắng mềm mại như mây trên cùng. Cùng với bia hơi, chỉ chút đồ nhắm đơn giản như lạc rang húng lìu, đậu mơ luộc là có một bữa nhậu ra trò.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bia trở lại giá trị của một loại hàng hóa thông thường. Quán bia hơi ở Hà Nội dễ thấy và dễ tìm hơn cả... cây xăng. Người Hà Nội uống bia mừng, xem bóng đá uống bia đầy khí thế, lúc buồn đôi... chục cốc “kề vai sát cánh” tâm sự bè bạn. Và ngay cả khi thời tiết giá rét dưới 10 độ C, nhiều người vẫn giữ cái thú bia hơi khó bỏ. Với những “giai phố cổ” yêu ẩm thực, làm sao có thể không ghi “Bia Lan Chín - Hàng Tre”, “Bia Phượng - Bát Sứ”, “Bia 50 Bát Đàn”, “Bia hơi Phùng Hưng”… vào danh sách các “quán tủ”?
Ấn tượng “vị phố”
Nếu một lần dạo quanh phố cổ, nhất là phố Tạ Hiện, ta dễ dàng bắt gặp một du khách quốc tế chọn hình ảnh chai bia Trúc Bạch trên menu quán tỏ ý muốn nếm thử. Nâng cốc bia nhâm nhi, ngắm những chiếc xe máy ngược xuôi là du khách đã thấy hành trình khám phá Việt Nam quá tuyệt vời.
Theo thời gian, thưởng thức bia ở Hà Nội đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Bia là “chất dẫn” kết nối những câu chuyện mỗi người con đất Việt và những người bạn khắp năm Châu đến Việt Nam hợp tác làm ăn và sinh sống. Trên bàn tiệc, các doanh nhân tin tưởng chọn bia Trúc Bạch là hương vị đặc trưng của Việt Nam giới thiệu với đối tác đến từ khắp 5 Châu.
Bia Trúc Bạch không chỉ là nhãn hiệu bia đầu tiên của Việt Nam mà còn hiện diện trong đời sống hiện đại với vị thế “Kiệt tác chinh phục đỉnh cao”. Tại các không gian sang trọng như O Lounge, Bistro & Sportbar - 169 Hàng Bông... và nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng, người Việt nâng chai bia Trúc Bạch với niềm tự hào ẩm thực Việt.
Thùy Dung