Nhớ những người thầy ở đất Nga Xô-viết
Đến với công trình thủy điện Sông Đà ngay những ngày đầu xây dựng, tôi là một trong bốn chị em được lựa chọn vào đội sửa chữa cơ khí của công ty thi công cơ giới. Chúng tôi xách đồ nghề đi kiểm tra “từ các loại xe bình thường đến xe Ben-la và sau cùng đến cả loại xe xúc EKG 4,6… Nhìn EKG to như một cái nhà, tôi kinh lắm. Lại thấy ông già Nga to lớn, đôi mắt xanh, da trắng hồng - "trông giống Tây" - tôi cảm thấy sờ sợ, nhất là khi ông già ngồi vào buồng lái, cho máy chạy thử, cả khối sắp thép gầm lên, mỗi lần cái gầu xúc lên 4,6 tấn đất, đá… Chúng tôi còn đang ngạc nhiên vì sức máy quá lớn thì ông già Nga đã vẫy chúng tôi lại gần, cười rất vui và cho chúng tôi lên ngồi thử, xem thử…
Tôi cứ tưởng chẳng bao giờ cần mình lái loại xe này… Nhưng khi trên lấy người đi đào tạo thợ lái xe xúc EKG, chị Hiên cứ háo hức rủ rê, thủ trưởng cũng chấp thuận, tôi phấn khởi đi học ngay. Lúc ấy, tôi mới biết tên ông già Nga là I-va-nô-chích, thợ 7/7, là chuyên gia dạy nghề lái xe ủi, xe xúc cho công nhân Việt Nam. Ở lớp học, tôi nghe chú Cang, trưởng xe, một công nhân bậc cao giảng về cấu tạo máy, ra hiện trường thì ông già I-va-nô-chích hướng dẫn cho tôi từng động tác. Buổi học đầu tiên, tôi còn nhớ mãi. Suốt 8 tiếng, ngồi trên xe, nghe tiếng ủi, tiếng rít, với cái nóng và khí thải của nó nhả ra, người tôi sởn gai ốc, đầu đau như búa bổ, vừa buồn nôn lại vừa chóng mặt. Chị Hiên đã sớm rút lui, còn tôi cứ vật vờ như người ốm dở. Chị em ai cũng khuyên tôi nên giã từ loại xe này. Kỳ lạ thay, ông già I-va-nô-chích như thấu hiểu những hoang mang, giao động của tôi. Ông chú ý đến tôi hơn, nhất là khi hướng dẫn, ông rất kiên nhẫn và chỉ bảo tôi thật tận tình. Giờ giải lao, ông thường kể cho tôi nghe những mẩu chuyện về người phụ nữ Nga Xô-viết,. Rõ ràng ông muốn nâng đỡ tinh thần tôi, khiến tôi nhớ đến những người đã gặp trong các tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, “Đội thanh niên cận vệ”, “Hải âu”, “Người Xô-viết chúng tôi”, “Một người chân chính”, “Người mẹ”… Đó là những con người có tình yêu nước thiết tha, lòng trung thành tuyệt vời với lý tưởng của V.I.Lênin vĩ đại. Những con người của tình quốc tế vô sản trong sáng đã tạo nên một thiên anh hùng ca trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, góp phần quyết định giải phóng nhân loại khỏi thảm họa phát-xít. 
Trên công trình thủy điện Sông Đà này, chính ông già I-va-nô-chích đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần hăng say lao động, tận tâm đào tạo công nhân Việt Nam và đặc biệt hết sức quý trọng phụ nữ. Ông hiền hòa, cởi mở, luôn trò chuyện, trìu mến, coi tôi như con và thường gọi tôi là Li-na, tên con gái ông. Tôi rất cảm động, không còn mặc cảm vì không biết tiếng Nga, mạnh dạn hẳn lên, có bao nhiêu khúc mắc trong học tập, tôi nhờ người phiên dịch hỏi ông. Sau này các đồng chí Pê-tơ-rốp, Pa-ven… dạy tôi về kỹ thuật điện cơ, cũng tận tình không khác gì ông già I-va-nô-chích. Tôi thật sung sướng vì đã không phụ công thầy dạy dỗ. Cuộc thi vấn đáp tôi được điểm 10 và thi thực hành tôi đạt điểm 8. Từ đó, cùng với sự giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, tôi đã trưởng thành, được tăng lương vượt cấp từ bậc 2/7 lên bậc 4/7 của thợ lái máy xúc chính thức. Tháng 5-1984, được vinh dự đứng trong đội ngũ của Đảng, tôi như được tiếp thêm sức sống mới, cùng phấn đấu tốt hơn trong kỳ thi thợ bậc cao ngày 1-5-1985, tôi được xếp bậc 5/7 và với những sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, liền 3 năm, tôi được bầu là chiến sĩ thi đua.


Được cử trong đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam sang dự Fes-ti-val 12 tại thủ đô Mát-xcơ-va, tôi đem theo những ấn tượng tốt đẹp về những bạn thanh niên Liên Xô trong cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Xô ở TP.Hồ Chí Minh năm 1983. Đất nước Tháng Mười của Lênin vĩ đại quả có sức hút kỳ diệu đối với tuổi trẻ thế giới, thanh niên của 157 tổ chức đã tới Mát-xcơ-va dự Fes-ti-val 12, tỏ tình đoàn kết với 42 triệu thanh niên Liên Xô, ủng hộ sáng kiến hòa bình của Liên Xô đưa ra, chống chạy đua vũ trang, chống quân sự hóa vũ trụ v.v…

Hơn một tuần lễ tham gia các hoạt động của Fes-ti-val 12, có một cuộc hội ngộ đối với tôi thật bất ngờ và rất cảm động. Hôm ấy, sau bữa ăn trở về khách sạn Rat-xi-a, thình lình tôi nghe một tiếng gọi to từ xa.
- Li-na! Li-na!
Đây là tên ông già I-va-nô-chích thường gọi tôi, sau này các chuyên gia Liên Xô cũng gọi tên tôi như vậy.
Tôi quay lại, nhận ra ngay thầy giáo Pê-tơ-rốp. Ông chạy như bay lại bên tôi. Ông cho biết đã ba lần đến câu lạc bộ Việt Nam tìm tôi mà không gặp. Ông khẩn khoản mời tôi về nhà chơi, vì vợ ông muốn gặp người học trò Việt Nam của chồng mình. Nhưng chương trình của đại hội quá sít sao, không cho phép, thầy giáo Pê-tơ-rốp đành chia tay tôi trong luyến tiếc. Sau đó, ông thường gọi điện thoại đến nói chuyện với tôi. Trưa ngày 5-8-1985, kết thúc đại hội, tôi và các bạn đang chuẩn bị ra sân bay thì lại nghe tiếng chuông điện thoại đổ hồi. “A lô! Li-na đâu? Li-na đâu?”. Tiếng thầy Pê-tơ-rốp gọi tôi qua điện thoại. Thầy triu mến nhắc tôi nhớ những mã hiệu mà trong khi học tập tôi và thầy đã quy ước với nhau… Nhịp điệu Fes-ti-val đã lắng đọng trong tôi tình cảm của thanh niên thế giới “đoàn kết với thanh niên Việt Nam hôm nay cũng như hôm qua”. Và giờ phút chia tay thầy giáo người Nga, chia tay Mát-xcơ-va, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, xao xuyến.

Trở về công trình thủy điện Sông Đà, tôi lại tiếp tục làm việc cùng các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Vào một buổi sáng, chúng tôi đang hối hả trong cuộc thi đua kỷ niệm cách mạng Tháng Mười vĩ đại thì thấy một đoàn xe U-oát đang lao nhanh về phía chúng tôi. Tôi cứ tưởng các đồng chí chuyên gia Liên Xô và lãnh đạo công trường đi kiểm tra và động viên chúng tôi làm việc. Nhưng khi xe dừng lại, mọi người ùa xuống đông vui lạ thường. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra, cứ thấy mọi người vẫy tay như gọi tôi. Khi tôi vừa bước ra khỏi buồng lái, đã bị khép kín trong vòng vây của mọi người. Lúc ấy, tôi mới biết sáng nay Nhà nước đã tuyên dương một số đơn vị và cá nhân anh hùng. Riêng công trình thủy điện được tuyên dương 4 anh hùng, trong đó có tôi. Đồng chí Pa-ven có vẻ vui hơn ai hết, cứ bắt tôi phải “khao”. Tôi không ngờ mình lại được vinh dự lớn lao đó. Danh hiệu cao quý này phải là của tập thể, của cả tổ đội lái máy xúc chứ không phải của riêng tôi. Nay, tôi được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo công trường và tập thể dành riêng cho tôi, tôi phải phấn đấu vươn lên như thế nào mới đền đáp được sự chăm nom, vun đắp đầy tình nghĩa này…

Nếu tôi không đến với công trình thủy điện Sông Đà, nếu tôi không được lãnh đạo công trường, lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Đoàn và sự ủng hộ của tập thể thì làm sao tôi có được vinh dự ngày hôm nay. Trong ngày vui ấy, tôi nhớ ngay đến người bố nuôi kính yêu: đồng chí I-va-nô-chích và người thầy đáng kính Pê-tơ-rốp… những người đã rèn luyện tôi trở thành thợ lái máy xúc kiểu mẫu ở Việt Nam.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất