Xây dựng Tuyên Quang xứng đáng với truyền thống lịch sử, quê hương cách mạng
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang là một vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời hàng vạn năm. Từ thời các vua Hùng dựng nước, Tuyên Quang đã là một vùng đất quan trọng, là phên giậu của Nhà nước Văn Lang. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Tuyên Quang luôn giữ một vị trí trọng yếu trong sự phát triển chung của đất nước. Từ thời Lý, Trần, Lê, vùng đất cổ Tuyên Quang luôn được các triều đình phong kiến coi trọng, xác lập, xây dựng trở thành một đơn vị hành chính của đất nước.

180 năm trước, ngày 4-11-1831 vua Minh Mệnh đã chia định địa hạt từ Quảng Trị trở ra phía Bắc thành 18 tỉnh, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Tuyên Quang được xác định rõ ràng về cả địa giới, vị trí địa lý và bộ máy hành chính, chính thức có tên trong văn bản có giá trị pháp lý của Nhà nước phong kiến Việt Nam.

Với 180 năm hình thành và phát triển, Tuyên Quang - mảnh đất “có hình thế rồng cuộn hổ ngồi... làm cho thế nước vững bền”, đã trải qua biết bao cung bậc lịch sử thăng trầm và oanh liệt. Đất và người “xứ sơn kỳ thủy tú”, nơi “có nguồn thiêng tụ hội”, đã làm nên biết bao kỳ tích mà sử sách còn lưu danh. Tuyên Quang đã có những đóng góp to lớn vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, “là phên giậu của Trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang kiên cường chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi giang sơn. Sử sách đã ghi lại tinh thần chiến đấu, những đóng góp của quân và dân Tuyên Quang trong các cuộc kháng chiến: Chống quân xâm lược Tống năm 1075 dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt; chống quân Nguyên Mông năm 1285 dưới sự chỉ huy của Khai Quốc Vương Trần Nhật Duật; tham gia đại phá quân Mãn Thanh năm 1789 dưới ngọn cờ của nghĩa quân Tây Sơn; tham gia phong trào Cần Vương những năm 1885 - 1898, khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ XIX… chống thực dân Pháp xâm lược. Nghiên cứu về Tuyên Quang, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bân, vị quan Án sát tỉnh Tuyên Quang đầu thế kỷ 20 đã nhận định “…Tuyên Quang nằm về phía Bắc miền thượng du, có hình thế rồng cuộn hổ ngồi, giữ chắc nơi biên ải, làm cho thế nước vững bền, khiến cho đất đẹp một phương được nối tiếp tiếng hay từ vạn cổ…”. 

Dưới các triều đại phong kiến, Tuyên Quang luôn là “trấn biên” che chở cho “kinh trấn”. Những trận chiến đấu quyết liệt để bảo toàn lãnh thổ, giữ vững bờ cõi nước nhà đã đưa tên đất, tên người Tuyên Quang mãi mãi đi vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, quân và dân trong tỉnh đã một lòng đoàn kết đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tinh thần chiến đấu quả cảm của các nghĩa quân thành Tuyên góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), ánh sáng cách mạng đã soi đường, chỉ lối, thổi bùng ngọn lửa yêu nước của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Với vị thế của vùng đất có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cơ sở cách mạng vững chắc và địa thế núi sông hiểm trở, Tuyên Quang đã được giao phó sứ mệnh lịch sử là Thủ đô Cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Rừng xanh Tuyên Quang bao la đã chở che cho cách mạng. Lòng dân Tuyên Quang bao la luôn sắt son theo Đảng, theo cách mạng. Và Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, bảo vệ an toàn lãnh tụ và căn cứ đầu não của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tuyên Quang đã đi vào lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đồng bào cả nước. Tuyên Quang là địa danh giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, là Thủ đô Khu giải phóng, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã ở và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi; là Thủ đô Kháng chiến, nơi Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều tên đất, tên người Tuyên Quang gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, gắn liền với những hình ảnh và kỷ niệm sâu đậm về Bác Hồ kính yêu đang được lưu giữ và sống động trong lòng nhân dân cả nước”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến; cùng nhân dân cả nước viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa đất nước đến ngày vui thống nhất.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Tuyên Quang đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, chủ động, sáng tạo, tự tin vượt khó đi lên. Phẩm cách của người dân Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến năm xưa ngày càng ngời sáng. Một khí sắc mới đang trào dâng từ mạch nguồn đổi mới, được khẳng định qua những thành tựu kinh tế - xã hội trên đường phát triển, hội nhập.

Với phương châm: “Ổn định hài hòa, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, hội nhập phát triển”; bằng trí tuệ, sức lực và niềm kiêu hãnh, tự hào, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đang tiếp tục bồi đắp và phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, để phát triển nhanh và bền vững, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trong thời kỳ đổi mới, Tuyên Quang đã thu được những kết quả to lớn, tương đối toàn diện; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010, đạt trên 13,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, gấp 2,3 lần so với năm 2005.

Tuyên Quang còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có 22 dân tộc cùng sinh sống. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di tích nổi tiếng như: Thành nhà Mạc; Khu di tích lịch sử Tân Trào; Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá… Tuyên Quang còn được biết đến với những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày ở huyện Chiêm Hoá; múa Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hoá; Lễ hội Động Tiên và chợ quê ở xã Kim Phú, huyện Hàm Yên...

Kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập tỉnh Tuyên Quang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tự hào về những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tự hào với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang quyết tâm vượt mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, chung sức, đồng lòng, nỗ lực cố gắng xây dựng quê hương cách mạng, vùng đất đã được cổ nhân tạc vào bia đá lời đánh giá quý báu “Tuyên Thành vạn cổ án Thăng Long”. Phấn đấu xây dựng và phát triển Tuyên Quang xứng đáng với truyền thống lịch sử, cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Kỷ niệm 180 năm thành lập là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang thể hiện trách nhiệm của mình, thêm tự hào, tự tin vững bước đi lên, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, dựng xây “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” ngày càng thêm đẹp, thêm giàu, thêm rạng rỡ - như dấu son trong lòng Tổ quốc Việt Nam.    

Hồng Phúc (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất