Quê hương nghĩa trọng tình cao


Bức ảnh "Người về thăm quê" (ngày 8-12-1961) do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải (Báo Nhân Dân) chụp.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1930 đến trước lúc Người đi vào cõi vĩnh hằng, Bác Hồ đã có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 2 lần về thăm quê, 1 lời tựa nói về quê hương Nghệ An, trong đó Người dành cho quê hương Nam Đàn, quê hương Kim Liên 5 bức thư, 1 bức điện 1 bài nói chuyện, 1 bài báo. Trong thời kỳ 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người luôn quan tâm sát sao đến phong trào đấu tranh cách mạng của đất nước, quê hương. Trong những năm từ 1924 đến trước năm 1930, những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhiều thanh niên yêu nước Nghệ Tĩnh, như: Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh... Họ chính là những hạt nhân trở về nước để truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, gieo những hạt giống cách mạng không chỉ trên quê hương Nghệ Tĩnh mà còn ở khắp mọi miền đất nước.

Năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã kêu gọi, tập hợp quần chúng nhân dân đi theo Đảng đứng lên đấu tranh chống đế quốc và phong kiến địa chủ tay sai làm nên một phong trào cách mạng 1930-1931 sôi nổi, sâu rộng và quyết liệt trên toàn quốc, đỉnh cao là ở Xô-viết Nghệ Tĩnh. Khi phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh bùng nổ mạnh mẽ, Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn theo sát từng sự kiện lịch sử cùng với Trung ương kịp thời chỉ đạo, uốn nắn và cổ vũ tinh thần đấu tranh chống áp bức của nhân dân Nghệ Tĩnh. Qua những báo cáo, những bài viết về phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, Người đã tố cáo sự khủng bố dã man của chế độ thực dân với những đảng viên và quần chúng yêu nước đang đấu tranh cho quyền tự do, độc lập ở Nghệ Tĩnh. Trong bài viết “Nghệ Tĩnh đỏ” ngày 19-2-1931, Người đã đánh giá và ca ngợi “Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”.

Những ngày đầu khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trên cương vị Chủ tịch nước của một nhà nước vừa ra đời với trăm ngàn khó khăn, thách thức, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành những tình cảm, sự quan tâm với quê hương Nghệ An. Chỉ sau 2 tuần sau ngày đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, Người đã gửi bức thư đầu tiên về tỉnh nhà. Bức thư này, Người dùng danh nghĩa của “một đồng chí già” để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứ không lấy danh nghĩa của Chủ tịch Chính phủ. Trong thư, Người nói về ý nghĩa to lớn của việc nhân dân ta đánh đổ nền thống trị của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ cần kíp mà nhân dân Nghệ An cần làm ngay trong công cuộc kiến thiết nước nhà.

Trưa chủ nhật ngày 27-10-1946, chị gái của Người là bà Nguyễn Thị Thanh từ làng Sen ra thăm Người ở Phủ Chủ tịch và đây là lần đầu tiên 2 chị em gặp nhau kể từ khi Người ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Khi bà Thanh hỏi Người: “Cậu đi lâu thế, có nhớ quê hương không”?. Người ngậm ngùi: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng, ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. Những chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu, có tình cảm quê hương sâu nặng. Chị ơi! Khi ở nước ngoài, có lúc đêm khuya thanh vắng, bỗng được nghe một lời ru con của người nhà mình thì lòng dạ lại thêm cồn cào nỗi nhớ quê hương, đất nước”.

Đúng 1 tuần lễ sau, ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh trai của Người lại từ Nghệ An ra Hà Nội thăm Bác. Ông Khiêm hỏi: “Chú định khi nào về thăm quê nhà”? Người thong thả trả lời: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi. Tình hình và công việc thế này chưa cho phép em nghĩ tới. Chắc việc đó còn lâu”.

Tháng 4-1949, Người tự tay đánh máy một bức thư gửi cho ông Hoàng Phan Kính (là cậu) và ông Trần Lê Hữu (là dượng theo cách gọi của người Nghệ An) của Bác. Người đã trải lòng bằng những dòng cảm động, chân tình trong lời mở đầu của bức thư: “Tôi rất cảm ơn cậu và dượng đã gửi thư cho tôi. Tôi chưa về được không phải vì tôi vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang dày xéo trên đất nước ta thì phận sự của mỗi người dân Việt Nam là “Vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Tôi rất mong cậu và dượng cùng các cụ phụ lão, các vị thân hào, thân sỹ thường giúp đỡ tôi và Chính phủ bằng cách gửi những phê bình, sáng kiến và đề nghị. Tôi lại mọng cậu, dượng cùng các cụ, các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc”. Dưới bức thư này, Người ký tên là “Cháu Hồ Chí Minh”.   

Trong nhiều bức điện từ Hà Nội về quê hương có một bức điện giờ đã trở nên bất hủ rưng rưng tình nhà, chứa chan nghĩa nước. Đó là bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi dòng họ Nguyễn Sinh ngày 9-11-1950 khi Người đau đớn bất ngờ nhận hung tin anh cả Khiêm qua đời ở quê nhà. Đó là thời điểm éo le khi Người cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tham mưu đang trực tiếp chỉ huy Quân đội ta mở Chiến dịch Biên giới năm 1950. Biết tin anh cả mất nhưng vì việc nước, việc quân mà không thể về quê nhà chịu tang, Người viết: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Theo PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn thì “nội dung bức điện chỉ 68 chữ, ý tứ, tình cảm, nỗi tiếc thương day dứt, lời cho người đã khuất, lời với người đang sống. Tất cả thật hàm súc, không thể viết ngắn hơn, cũng không cần phải nhiều lời hơn. Theo chúng tôi, đây cũng là một áng bi hùng văn, là một kiệt tác của Bác Hồ mà hình như chúng ta chưa quan tâm nghiên cứu đúng mức”.

Ngày 14-6-1957, sau rất nhiều năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương. Bên đồng chí và người thân, Người đã xúc động nói:

“Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Về đến ngôi nhà thuở ấu thơ, Người đã không quên lối đi nhỏ với hàng râm bụt năm xưa, cây bưởi trĩu quả trước nhà, hàng cau, cây mít sau hồi, bờ tre phía sau, đặc biệt là chiếc võng đay tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha. Với giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, Người xúc động nói: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng, tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng”. Người khẳng định: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng. Vậy các cô, các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không?”.

Tròn 60 năm trước, ngày 8-12-1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng Người về thăm nơi “chôn rau cắt rốn”. Đây là chuyến thăm mà Người hứa với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quê nhà trong chuyến thăm lần thứ nhất (1957) là: “Nếu Đảng bộ và Nhân dân làm tốt khâu sản xuất và xây dựng Đảng thì Bác sẽ về thăm lần nữa”.

Khi đứng nói chuyện với nhân dân xã Nam Liên tại sân vận động xã (nay là xã Kim Liên), Người khen 3 điều tiến bộ của xã:

“1. Lần trước Bác về, đèn nhà ai, rạng nhà nấy, niêu nhà ai, nhà nấy dùng, làm ăn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một thay đổi lớn.

2. Lần trước Bác về, chưa thấy có mấy trường này mà nay đã có các cháu trong làng và các làng xung quanh đến học thành một trung tâm nho nhỏ về văn hóa. Thế là văn hóa tiến bộ.

3. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ hàng ngũ chỉnh tề ở đây cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ”.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương không chỉ thể hiện 2 lần về thăm quê, những bức thư, bức điện cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, huyện Nam Đàn, xã Nam Liên, những đánh giá sâu sắc về Xô-viết Nghệ Tĩnh. Tình cảm sâu nặng “nghĩa trọng tình cao” của Người còn thể hiện qua việc Người đã viết lời tựa cho Bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh. Trong lời đề tựa, Người đã đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của Xô-viết Nghệ Tĩnh: “Năm 1930-1931, khi Đảng ta mới ra đời, một phong trào cách mạng lớn mạnh đã dâng lên trong cả nước mà đỉnh cao nhất là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Xô-viết Nghệ Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc, phong kiến ở mấy nơi trong 2 tỉnh Nghệ-Tĩnh” và Người căn dặn: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành 2 tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô-viết Nghệ Tĩnh anh hùng”. Lời đề tựa, bút lông, đĩa mài mực, viên mực tàu và chữ ký nguyên mẫu của Bác Hồ đang được trưng bày trang trọng tại phòng trưng bày số 9 của Bảo tàng Xô-viết Nghệ Tĩnh.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 79 và cũng là lần sinh nhật cuối cùng của Người, Bác Hồ đã tặng Đảng bộ tỉnh Nghệ An bức ảnh chân dung với lời đề: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân”.

Ngày 21-7-1969, Bác Hồ gửi riêng cho BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An bức thư và đây được xem là di chúc của Người dành riêng cho quê hương trước lúc đi xa. Người đã căn dặn cán bộ, đảng viên cần khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng, góp ý kiến về việc chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân ngày càng mật thiết. Nghệ An cần tăng cường khôi phục và phát triển kinh tế, hết sức chăm lo đời sống nhân dân. Cuối thư, Người viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.

Có thể nói, trọn cả cuộc đời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã cống hiến, hy sinh vì nước, vì dân. Ngay cả khi sức yếu vì tuổi tác và bệnh tật, Người vẫn trăn trở với độc lập, tự do của dân tộc, đau đáu với ấm no, hạnh phúc của nhân dân cả nước nói chung, với quê hương Nghệ An nói riêng.

Tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ 2, khắc ghi và thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã và đang từng bước xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Nghệ An đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ, dần sớm trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc và cả nước như Bác Hồ hằng mong muốn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất