TP. Hồ Chí Minh: Chuẩn bị những kịch bản để ứng phó với biến thể mới Omicron

Buổi Họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tổ chức chiều ngày 29-11.

Chuẩn bị những kịch bản để ứng phó với biến chủng mới Omicron

Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải chia sẻ, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố có nhiều điều đặt ra như sau, một là số ca mắc mới vẫn còn cao (có ngày 1.400, có ngày 1.500, có ngày 1.700); thứ hai là số ca tử vong cũng cao (có ngày 60, có ngày 65, có ngày 72); thứ 3 là số ca nhập viện trong những ngày qua luôn cao hơn số ca xuất viện; thứ 4 là việc đã xuất hiện biến thể Omicron tại Nam Phi. Dù đặt ra 4 vấn đề như thế, thành phố vẫn khẳng định, thành phố vẫn đang kiểm soát được dịch Covid và trong nhiều tuần liên tiếp thành phố vẫn ở cấp độ dịch là cấp độ 2.

Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để ứng phó với tình huống khi có ca mắc mới tăng cao, thành phố trân trọng đề nghị mọi người dân không hoang mang. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất các quy định của ngành Y tế. Đặc biệt là 5K, cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất về những thói quen, sở thích của mình, cố gắng đeo khẩu trang thường xuyên hơn, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm bớt thói quen bớt tụ tập, la cà; giảm bớt việc ngồi với khoảng cách rất gần. Tất cả những điều đó dẫn tới nguy cơ ca mắc mới tăng cao, ca mắc mới càng cao thì nguy cơ tử vong cũng cao – Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin.


Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải phát biểu.

Cũng theo Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải, thành phố chúng ta trong những ngày qua có 4 điều cần quan tâm, một trong những điều đó là về biến chủng mới Omicron, vậy thành phố chúng ta đã chuẩn bị những gì:

Một là, dù có biến chủng gì đi nữa thì cũng lây qua đường hô hấp nên một trong những điều cần thực hiện tốt nhất là phải đeo khẩu trang, dù đã đeo khẩu trang nhưng cũng phải thực hiện đầy đủ 5K.

Hai là, đó là những khuyến cáo, chuẩn bị rất lớn của ngành Y tế; Bộ Y tế giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi về biến thể này, đến bây giờ chúng ta vẫn chưa biết biến thể Omicron như thế nào, nên có cái gì là phải báo ngay, cũng chưa có tài liệu chính thức nào của WHO về biến chủng này.

Ba là, chuẩn bị các kịch bản, mình xây dựng bệnh viện dã chiến, mình chuẩn bị chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường, xã, tăng cường vắc-xin. Đó cũng là những kịch bản để ứng phó với biến chủng Omicron;

Bốn là, tăng cường phối hợp chặt chẽ bài bản hơn trong việc phối hợp 3 nhóm như sau: phối hợp y tế công với y tế tư nhân; giữa tây y với đông y; phối hợp giữa quân y và dân y. Đó là việc chuẩn bị để chúng ta ứng phó với biến chủng mới Omicron.

Phòng ngừa vẫn được xem là yếu tố quyết định

Tại buổi Họp báo chiều ngày 29-11 do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tổ chức, trả lời câu hỏi của báo chí các vấn đề liên quan đến việc biến thể mới Omicron đã xuất hiện tại Nam Phi, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo thông tin từ báo đài thì trên thế giới đã xuất hiện biến thể mới Omicron, WHO cũng đã có nhưng thông tin ban đầu về biến thể này. Hiện nay, WHO đang kết hợp với các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về biến thể này, các nghiên cứu trong thời gian ngắn về mức độ lây truyền, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin đối với biến thể này của các nhà nghiên cứu ở Nam Phi và trên thế giới đang còn trong quá trình nghiên cứu; về khả năng lây truyền thì chưa rõ liệu biến thể Omicron có dễ lây truyền hơn so với biến chủng Delta hay không. Hiện số người dương tính với biến thể Omicron đang tăng lên tại Nam Phi. Tuy nhiên, cũng chưa rõ biến thể Omicron có gây ra bệnh nặng hơn các biến thể khác hay không, cũng chưa có thông tin nào nói về các triệu chứng do Omicron gây ra khác với triệu chứng từ các biến thể khác. Dù là biến thể nào thì nguyên tắc phòng ngừa vẫn được xem là yếu tố quyết định – Chánh Văn phòng Sở Y tế nhấn mạnh.


Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai

Y tế tư nhân được tham gia chăm sóc F0 tại nhà?

Thông tin về tình hình hoạt động của trạm y tế địa phương, trạm y tế lưu động, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay, thành phố có 319 trạm y tế cố định và được bổ sung thêm 344 trạm y tế lưu động. Sở Y tế đang sắp sếp lại nguồn nhân sự để bảo đảm cho các trạm y tế có đủ nhân lực hoạt động; Sở sẽ điều chuyển, tăng cường nhân lực cho những nơi có F0 tăng lên. Hiện nay, Sở Y tế thành phố đã đưa vào hoạt động Tổng đài 1022 với nhánh số 3. Với tổng đài này, Sở đã tập hợp trên 200 bác sĩ để tư vấn, chăm sóc sức khỏe khi F0 gọi đến. Bên cạnh đó, Tổng đài 1022 với nhánh số 4 sẽ hỗ trợ cho người dân là những người không bị Covid nhưng cần được chăm sóc.

Thành phố đã khởi động lại hệ thống “bác sĩ đồng hành” với 1.500 bác sĩ trên toàn quốc, lực lượng bác sĩ này được phân công trực tại các tổng đài để sẵn sàng hỗ trợ cho F0 trên từng địa bàn. Sở Y tế cũng có bộ phận chuyển viện, điều chuyển bệnh nhân, khi có thông tin F0 cần chuyển viện từ Tổng đài 1022 hay hệ thống bác sĩ đồng hành thì lực lượng chuyển viện sẽ chuyển F0 đến các bệnh viện nào còn trống để F0 được chăm sóc và được điều trị tốt nhất.

Ngoài ra, Sở Y tế đã trình cho UBND thành phố đề án “Chăm sóc F0 tại nhà” có sự tham gia của lực lượng y tế tư nhân. Theo đó, tất cả cơ sở y tế tư nhân đều được tham gia vào việc chăm sóc, điều trị F0. Nếu đề án này được UBND thành phố chấp thuận thì thành phố sẽ có thêm nguồn lực nữa tham gia vào việc chăm sóc và điều trị F0 và người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn -  Chánh Văn phòng Sở Y tế bộc bạch.

Hệ thống bệnh viện thành phố không có hiện tượng quá tải

Trả lời câu hỏi về việc tiêm mũi 3 sẽ được tiến hành như thế nào, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, thành phố đã có văn bản trình Bộ Y tế, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời là tại thời điểm này, thành phố cần phải tập trung tiêm hết cho những người dân chưa được tiêm mũi 2, các cháu từ 12 đến 17 tuổi, rồi sau đó mới tính đến việc tiêm mũi 3. Theo chỉ đạo của thành phố, chúng ta phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tìm những đối tượng đến nay vẫn chưa tiêm vắc-xin, phải vận động, thuyết phục những người này đi tiêm vắc-xin để thành phố có được độ bao phủ vắc-xin tốt nhất.

Về việc hệ thống bệnh viện tại thành phố có quá tải hay không khi F0 đang có chiều hướng tăng lên, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết: hiện nay số F0 đang nhập viện điều trị tại tầng 2 và tầng 3 trên 11.000, trong khi đó tổng số giường tại các bệnh viện của thành phố có trên 31.000 và thành phố đang cố gắng không để hiện tượng quá tải xảy ra.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất