TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế - xã hội thành phố tháng 10 và 10 tháng năm 2021 đã được cải thiện đáng kể

Đường phố TPHCM đã nhộn nhịp trở lại sau thời gian giãn cách.

Chỉ số toàn ngành công nghiệp tháng 10 tăng 

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10-2021 uớc tính tăng 23,6% so với tháng 9-2021. Nếu tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn giảm 16,0% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 10 tháng năm 2021 giảm mạnh hơn so với cùng kỳ: sản xuất đồ uống giảm 30,1%; sản xuất trang phục giảm 29,4%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 20,2%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 19,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng sản kim loại giảm 15,1%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm giảm 13,0%, các ngành công nghiệp truyền thống giảm 24,8%.


Nhà máy sản xuất công nghiệp trong một khu công nghiệp tại TPHCM.

Đầu tư xây dựng, nhiều dự án đã khởi động 

Trong tháng 10, nhiều dự án đã khởi động lại, khối lượng ước thực hiện tháng 10 là 1.125 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,24 lần, so với cùng kỳ bằng 22,7%. Khối lượng thực hiện trong tháng tập trung ở một sô dự án lớn như: Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7); dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi; Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn; Cầu Hang Ngoài (quận Gò vấp); Cầu Bưng (tiếp giáp quận Tân Phú, Bình Tân)...

Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm như: Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023, khối lượng thực hiện toàn dự án ước đạt trên 88%; dự án tuyến đường sắt Metro số 2, công tác giải tỏa cơ bản đã xong, các quận bị giải tỏa đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng, dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022; dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 với Quận 2 đã hợp long nối Quận 1 và TP. Thủ Đức. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành cuối năm 2021 và đưa vào hoạt động vào quý 2-2022.



Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài: từ ngày 01-01-2021 đến ngày 20-10-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 2,73 tỷ USD; bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Cấp mới có 469 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 415,9 triệu USD, giảm 39,6% về số giấy phép và giảm 6,8% về vốn so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký tập trung tại một số ngành như kinh doanh bất động sản có 17 dự án với đăng ký cấp mới là 214,1 triệu USD (chiếm 51,5% tổng vốn cấp mới); kế đến là thương nghiệp có 189 dự án, vốn đăng ký là 65 triệu USD (chiếm 15,6%); vận tải kho bãi 20 dự án với vốn đăng ký đạt 55,1 triệu USD. Trong đó một số quốc gia có tỷ trọng cao gồm Singapore 75 dự án, vốn 217,3 triệu USD (chiếm 52,2%); Hà Lan 15 dự án, vốn đăng ký 87,3 triệu USD (chiếm 21%) và Nhật Bản 39 dự án, vốn đăng ký 40,4 triệu USD (chiếm 9,7%).

Đăng ký thành lập doanh nghiệp: từ ngày 01-01-2021 đến 15-10-2021, Thành phố đã cấp phép 23.847 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 392.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng

Lĩnh vực nội thương và chỉ số giá tiêu dùng: bước sang tháng 10, hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, đây là thời điểm tháng quý cuối của năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao, vì vậy, các đơn vị kinh doanh đã chuẩn bị kế hoạch cho việc tái sản xuất, buôn bán, nhiều chương trình khuyến mãi được các trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện thông qua các kênh mua sắm truyền thống tại cửa hàng, cũng như các giao dịch thương mại điện tử nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so vói tháng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 30.007 tỷ đồng, tăng 32,6% so với tháng trước và giảm 40,5% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm 23% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, ước đạt 6.907 tỷ đồng, tăng 26,4% so với tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 4.736 tỷ đồng, tăng 16% so tháng trước và giảm 44,1% so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành có tốc độ tăng cao so với tháng trước là sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ ước đạt 810 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với tháng trước, nhiều đơn vị kinh doanh quá tải, lượng khách tăng mạnh do nhiều người dân có nhu cầu bảo dưỡng xe cộ sau khi chấm dứt việc giãn cách xã hội; doanh thu hàng may mặc 1.925 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước và doanh thu phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước 2.257 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.


Chợ truyền thống đã hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm an toàn về công tác phòng, chống dịch, thực hiện đầy đủ 5K.

Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 10 ước đạt 598 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước và giảm 92,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động ăn uống tháng 10 ước đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 92,6% so với tháng cùng kỳ. Hiện nay, nhu cầu suất ăn cho người lao động bắt đầu tăng trở lại do nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng 10 cũng có mức tăng so với tháng trước khi người dân ngoài tỉnh có thể đến thành phố để khám chữa bệnh, ngoài ra các chuyến bay, xe khách từ đến Thành phố đã hoạt động trở lại, nên công suất sử dụng phòng cũng tăng lên. Doanh thu ngành lưu trú tháng 10 ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 91,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng dương

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 2,2% và nhập khẩu tăng 17,8%. Khu vực ngoài nhà nước được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6% và nhập khẩu tăng 1,0% so với cùng kỳ. Trong đó:

Xuất khẩu hàng hóa: ước tính tháng 10 năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 3.192,0 triệu USD, giảm 4,6% so tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 3.073,0 triệu USD, giảm 3,2% so với tháng 9 năm 2021. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nuớc đạt 35.665,4 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm truớc; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 34.289,0 triệu USD, giảm 2,0% so với cùng kỳ năm truớc.


Xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Sài Gòn.

Nhập khẩu hàng hóa: ước tính tháng 10 năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nuớc đạt 3.996,6 triệu USD và giảm 0,4% so với tháng truớc. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nuớc đạt 48.190,8 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm truớc.

Thu ngân sách tăng

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố, tuy nhiên tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ. Kết quả này đạt được do kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế của Nhà nước.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020 (không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu cần đối tăng 4,6% so với cùng kỳ).

Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 58.312 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 56.409 tỷ đồng, đạt 60,8% dự toán, chiếm 96,7% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 10,8% so với cùng kỳ 2020.

Hoàng Hào

(Ảnh internet)









Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất