Theo quy định mới của ngành Y tế TP.HCM, ban hành theo Công văn số 5426 SYT-NVY ngày 9-8-2021 của Sở Y tế TP.HCM, thì người mắc COVID-19 được cách ly tại nhà cần chuẩn bị các thuốc thiết yếu gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền).
F0 cách ly tại nhà ở TP.HCM (ảnh minh họa)
Ngoài ra, F0 có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.
Theo Sở Y tế, chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng là:
- Dexamethasone: Người lớn: 6 mg/lần/ngày. Trẻ em: 0,15 mg/kg/ngày (tối đa 6 mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau:
- Prednisolone: Người lớn: 40 mg/lần/ngày. Trẻ em: 1 mg/kg/ngày (tối đa 40 mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
- Hoặc: Methylprednisolone: Người lớn: 16 mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ. Trẻ em: 0,8 mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ (tối đa 32 mg/ngày), uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).
Điều cần lưu ý là: Người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày. Nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.
Thuốc kháng đông dạng uống: Rivaroxaban. Liều lượng: 10mg/lần/ngày, uống sau khi ăn, thời gian sử dụng tối đa 7 ngày.
Lưu ý: Bệnh nhân cần theo dõi một số triệu chứng.
+ Cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...).
+ Thận trọng ở người trên 80 tuổi.
+ Chống chỉ định: Phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu.
Liên hệ nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường
Khi bệnh nhân có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua Tổng đài "1022" (bấm số "3" để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số "4" để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành") hoặc gọi số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn.
Đồng thời khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2<95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay Tổng đài "115" hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời. |
PV