Nhiều người mới chỉ biết nhà cách mạng Xuân Thủy (tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hiệp định Pa-ri mà chưa biết ông còn là một nhà báo lỗi lạc, là Chủ tịch đầu tiên của Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam). Nhớ về ông trong những ngày tháng 6 này, người làm báo rưng rưng niềm tự hào khi đọc những câu thơ đầy khí phách, lạc quan của ông thay cho lời tựa trong số đầu tiên của Báo “Suối reo”: “Thu sang hoa cỏ già rồi/ Suối reo lên để cho đời trẻ trung!/ Thu sang non nước lạnh lùng/ Suối reo lên để cho lòng ta reo!”.
Là một trong những người may mắn tham dự Trưng bày và Tọa đàm khoa học chuyên đề về nhà báo Xuân Thủy (do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, sáng 14-6) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã giúp tôi có thêm sự hiểu biết về cuộc đời làm báo đầy quyết tâm, nỗ lực và thăng hoa của ông. Đây cũng chính là sự kiện có quy mô bài bản đầu tiên tôn vinh Xuân Thủy trên cương vị một nhà báo (trước đó Bộ Ngoại giao cũng đã có trưng bày, tọa đàm khoa học về Xuân Thủy trên cương vị một nhà ngoại giao). Ngoài ý nghĩa của việc tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), sự kiện này còn diễn ra trong dịp chuẩn bị Ngày giỗ lần thứ 38 của ông và điều đặc biệt là nơi tổ chức sự kiện nằm trên con phố mang tên ông.
Cuộc đời làm báo của Xuân Thủy chia thành nhiều giai đoạn, gắn bó mật thiết với sự lớn mạnh của Đảng. Điều mà nhiều người cảm động nhất chính là thời gian Xuân Thủy làm Chủ bút tờ báo “Suối reo”, nơi cất lên tiếng nói của những nhà cách mạng đang bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La (giai đoạn từ tháng 5-1941 đến trước ngày 9-3-1945). Sự xuất hiện của tờ báo là sự khẳng định cách mạng vẫn đang tiến lên, tổ chức đảng vẫn luôn luôn đồng hành cùng với họ để hướng đến ngày cách mạng thành công. Nếu nói đồng chí Tô Hiệu là “linh hồn” của chi bộ Nhà tù Sơn La thì đồng chí Xuân Thủy chính là “linh hồn” của tờ báo “Suối reo”. “Suối reo” ra không đều đặn, thường thì theo tuần nhưng cũng có khi nửa tháng mới ra một số do khó khăn giấy, mực hay bị cai ngục kiểm soát quá ngặt nghèo. Mỗi số báo chỉ có 1 đến 2 bản viết tay trên hai mặt giấy vở học sinh khổ 14x20cm. Số trang của báo không cố định, tùy theo số lượng bài vở, khả năng bảo đảm giấy, mực viết và điều kiện kiểm soát của bọn cai ngục mà mỗi số báo có từ 20 đến 40 trang. Báo “Suối reo” thường đăng tải những bài nghiên cứu, truyên truyền, giải thích về chính trị, đồng thời dành phần lớn nội dung các trang cho sinh hoạt trong tù, trong đó có đăng tải cả thơ ca, các bài châm biếm, hài hước. Để tránh sự kiểm tra của bọn cai ngục, có khi những người làm báo phải đưa giấy, bút, mực vào trong khu vực hố xí để viết. Trong hoàn cảnh đó, ông Chủ bút Xuân Thủy đã xuất khẩu thành thơ tếu rằng: “Đi theo ánh sáng vào trong ấy/ Chớ để văn chương phải nặng mùi!”.
|
Ống nhòm nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Hội nghị Pa-ri.
|
Nhắc đến Xuân Thủy trên cương vị nhà báo sẽ là thiếu sót nếu không nói đến ông là người đã trực tiếp tham gia chỉ đạo và tổ chức thực hiện Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng - lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí của Tổng bộ Việt Minh. Giữa bộn bề những công việc của cuộc kháng chiến chống Pháp, lớp học đào tạo cán bộ báo chí đã được tổ chức giữa năm 1949 ở xóm Bờ Rạ (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, gửi gắm nhiều kỳ vọng vào các học viên về dự học với hai lần gửi thư cho Lớp học. Sau 3 tháng học tập, 42 học viên của Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng đã tỏa về các địa phương tham gia công tác ở các tờ báo, bản tin của kháng chiến, trở thành những cán bộ trụ cột của hệ thống báo chí, văn hóa nước nhà.
Trong số những đại biểu đến với Trưng bày và Tọa đàm khoa học có những người đã được gặp gỡ, trò chuyện với nhà báo Xuân Thủy và có người chỉ biết ông qua sách vở, tài liệu. Nhân vật đặc biệt mà tôi muốn nhắc đến ở đây là nhà báo lão thành Hà Đăng, thành viên Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri. Mặc dù đã ở tuổi 94, mái tóc đã bạc trắng như cước nhưng ông vẫn thật minh mẫn và khi nói về bậc tiền bối Xuân Thủy tại Hội nghị Pa-ri giọng ông đầy chất “lửa”: “Xuân Thủy nói năng hay, đối đáp giỏi, ứng khẩu thành chương nhưng với các bài phát biểu chuẩn bị sẵn trong mỗi phiên họp tại Hội nghị Pa-ri, đồng chí rất cẩn trọng. Đồng chí chỉ đạo bộ phận biên soạn phương hướng, nội dung của từng bài viết, rồi lại đích thân sửa chữa các bản dự thảo. Đòi hỏi bài viết phải nêu bật chủ đề, trọng tâm; viết có lý, có lẽ, có tính thuyết phục. Đồng chí Xuân Thủy đã kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú, trong đó có hình thức đấu tranh trong các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo để giúp Việt Nam chiến thắng Mỹ trên bàn phán “căng não”.
|
Các đại biểu và gia đình tham dự Trưng bày và Tọa đàm khoa học về nhà báo Xuân Thủy.
|
Trong buổi Trưng bày và Tọa đàm khoa học có rất đông con cháu của nhà báo Xuân Thủy đến dự, chỉ tiếc rằng người con trai của ông là GS. Nguyễn Trọng Yêm (nguyên Viện trưởng Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) không thể có mặt vì lý do sức khỏe. Thế nhưng qua những hình ảnh mà con cháu gửi về, GS. Nguyễn Trọng Yêm đã vô cùng xúc động, nghẹn ngào. Trò chuyện cùng tôi qua điện thoại, GS. Nguyễn Trọng Yêm cho biết: “Gia đình tôi có 3 anh em nhưng không có ai theo nghề báo. Thế hệ hiện nay có người cháu đích tôn của tôi theo nghề báo và luôn coi cụ nội là tấm gương lớn để phấn đấu, nỗ lực trong nghề. Dù biết đến nhiều hơn trên cương vị nhà ngoại giao nhưng có thể nói báo chí là lĩnh vực mà cha tôi dành trọn sự say mê và gắn bó nhất cho đến phút giây cuối cùng của cuộc đời mình. Ngay cả thời khắc đến với “thế giới người hiền” (chiều ngày 18-6-1985), trên bàn làm việc của cha tôi vẫn đang dở dang trang bản thảo bài báo “Những chặng đường làm báo Cứu quốc”.
Rất nhiều điều ý nghĩa được chia sẻ tại buổi trưng bày và tọa đàm về nhà báo Xuân Thủy nhưng có lẽ đề xuất được nhiều người quan tâm nhất là của PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương về việc dựng tượng nhà báo Xuân Thủy. Người đứng đầu Hội đồng Lý luận Văn học nghệ thuật Trung ương dẫn giải: “Đài Tiếng nói Việt Nam đã dựng tượng nhà báo Trần Lâm, vị Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài, vậy nên thời gian tới chúng ta nên nghiên cứu, xem xét dựng tượng nhà báo Xuân Thủy. Chúng ta có thể đặt tượng ông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu của nước ta, hơn nữa trụ sở của nhà trường tọa lạc trên con phố mang tên ông; hai là chúng ta có thể đặt tượng ông tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, “ngôi nhà chung” của các hội viên nhà báo, nơi nhà báo Xuân Thủy là Chủ tịch đầu tiên của Hội”. Nếu ý tưởng này thành hiện thực sẽ là cách thiết thực để tôn vinh ông và cũng để thôi thúc, khơi dậy niềm tự hào trong hoạt động học tập, nghiên cứu, tác nghiệp của mỗi sinh viên báo chí, hội viên nhà báo.
Công việc làm báo đầy vinh quang, tự hào nhưng cũng luôn phải đối mặt với những khó khăn, thậm chí là với hiểm nguy. Vì vậy, những ngày tháng 6 nghĩ về ông - nhà báo lớn Xuân Thủy sẽ giúp người làm báo hôm nay thêm niềm tin, động lực vào con đường làm báo phía trước, để luôn biết cách vượt qua những thử thách, nỗ lực vươn lên hoàn thành sứ mệnh cao cả là người thư ký của thời đại mà lòng vẫn đầy niềm phơi phới: “Suối reo lên để cho lòng ta reo”.
Ngô Khiêm