Bến Đục (chùa Hương).
Đã lâu lắm, hôm nay tôi mới có dịp thăm lại chùa Hương. Năm nay, Thắng cảnh Hương Sơn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Chủ đề Lễ hội chùa Hương năm 2018 là “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”, công tác tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Ban Tổ chức Lễ hội, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường sẽ duy trì trong suốt thời gian Lễ hội, sẽ xóa bỏ triệt để hiện tượng bói toán, cờ bạc, trộm cắp, móc túi; duy trì tốt công tác; làm tốt công tác trật tự an toàn giao thôn, trong đó có Luật Giao thông đường thủy nội địa; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của du khách v.v. Đáng chú ý, các con đò dọc chùa Hương năm nay được gắn biển số, sơn màu xanh theo quy định thuận tiện cho công tác quản lý và tăng tính thẩm mỹ cho phương tiện.
Năm 2018, Lễ hội Chùa Hương là dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn. Đó là sáng sớm ngày 19 tháng 5 năm 1958, đúng vào ngày sinh nhật của Người cách đây 60 năm. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã ghi lại kỷ niệm về chuyến thăm này của Bác:
“Hôm đó không phải là ngày Lễ hội, Bác Hồ cùng với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số cán bộ khác, ngồi thuyền dọc theo suối Yến vào chùa Thiên Trù, lên động Tiên Sơn, sau đó vào thăm động Hương Tích. Buổi trưa, Bác Hồ nghỉ ăn cơm nắm với tép rang, muối vừng trước đền Cửa Võng.
“Thuyền cập bến, chúng tôi cùng Bác vượt qua mấy trăm bậc đá đầy rêu phong, vào chùa Thiên Trù. Hồi này, Chùa vẫn còn đầy vết tích hoang tàn từ cuộc càn quét của lính Tây để lại. Bác sải chân đi qua sân gạch thềm cũ, rồi ngắm nhìn tầng trên lớp dưới của Chùa đang còn tan hoang. Bác bảo anh Trần Thế Uông trong ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Đông, đi theo:
- Thiên Trù là "Bếp nhà Trời", không được để hương lạnh khói tàn thế này. Chú về bàn với Uỷ ban tỉnh có kế hoạch trình với Chính phủ xin khôi phục lại Thiên Trù và cả khu chùa Hương nhé”.
“Trên đường vào Chùa Trong, đi ngang qua nhiều vạt đất trống hai bên đường, Bác bất chợt hỏi anh Uông:
- Chỗ này các chú có định trồng thêm "mơ chùa Hương " không?
- Dạ, thưa Bác, phía trong thung lũng, đồng bào trồng nhiều mơ lắm, trồng thành rừng ấy ạ!
- Chú này khéo đánh trống lảng thật ! Bác có hỏi đồng bào trồng mơ thành rừng ở nơi nào đâu, Bác hỏi các chú có kế hoạch trồng thêm mơ ở mấy vạt đất này không cơ mà!
Anh em lại cười ầm lên, kể cả anh Uông. Sau này, anh Uông thú thật với cánh tôi:
- Ông cụ tinh thật! Mình có nắm được gì về kế hoạch trồng mơ đâu. Mà lúc này Tỉnh uỷ đang lo chống đói, chống hạn, ổn định dân tình, nào đã có kế hoạch gì dài hạn đâu, đồng bào trồng đâu thì trồng ấy mà!
Vào động Hương tích. Bác say mê ngắm cảnh đẹp, chăm chú đi theo anh Uông giới thiệu các nhũ đá "Cây tiền", "Ðụn gạo", "Nong tằm", "Né kén", "núi cậu", "núi cô" ... Anh kể chuyện hai hòn đá "cô, cậu" này nhẵn đi vì quá nhiều người tới xoa đầu để cầu tự. Bác Hồ nói:
- Thế có ai cầu được "cô", "cậu" nào về nhà chưa ?
Anh Uông vội thưa:
- Dạ, thư Bác, cháu thấy ngày trước có mấy người nhà giàu về đây cầu khấn, rồi quay về đây khoe là đã đẻ con xong, nay xin về lễ tạ xì xụp đấy ạ !
Bác Hồ cười, quay ra nói với cả đoàn:
- Chùa chiền là nơi để tu luyện lòng nhân ái, chúng ta nên giúp nhân dân xây dựng lại chùa chiền và cũng nên tôn trọng quyền được tự do tín ngưỡng của nhân dân”.
Trong bữa ăn trưa, Bác Hồ vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, không tỏ ra một dấu hiệu mệt nhọc nào. Ăn xong, Bác gọi anh Uông cùng một số anh em cán bộ chúng tôi lại, nói chuyện thân mật. Bác nói đại ý:
- Chùa Hương - và nói rộng ra là hang động Hương Tích - là nơi cảnh đẹp nhất nhì của đất nước ta, ta phải biết quý trọng mà giữ gìn, vun đắp cho con cháu mình được thưởng thức, thêm yêu đất nước. Chú Uông về báo cáo với chính quyền Tỉnh phải chăm lo chỉ đạo việc khôi phục khu vực chùa Hương, nhất là phải có sự vun trồng đạo đức con người, làm cho con người đi thăm chùa Hương thì thêm yêu đất nước, quê hương, thêm giúp nhau vượt qua nghèo đói và khó khăn để cùng được sống yêu thương, no ấm, lành mạnh. Tất nhiên là cần xây lại chùa, cần trồng thêm nhiều cây cho mát, nhưng quan trọng hơn hết là xây dựng đạo đức sống với nhau đoàn kết, thuận hoà, chăm lo cho hạnh phúc của gia đình và cho mọi người chung quanh mình”.
Nắng ngả về chiều, đường trở ra có vẻ như trôi đi nhanh hơn. Ngồi trên thuyền xuôi dòng suối Yến lấp lánh ánh nắng như muôn hạt ngọc chiếu hắt từ đáy nước lên, Bác Hồ ra đứng ngoài cửa khoang thuyền ngắm cảnh mây nước xa gần. Phía bên này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đang căn dặn tôi viết lách việc Bác đi thăm chùa hôm nay, nhớ làm nổi rõ mấy điểm:
- Bác đi thăm chùa, thăm cảnh đẹp cũng là để tránh đồng bào, đồng chí kéo đến chúc mừng sinh nhật. Bác bảo nhân dân ở đâu cũng đang mong đợi sửa sai trong cải cách ruộng đất cho nhanh, cho tốt, cho làng quê mình sớm ổn định, mau no ấm, góp phần cùng miền Nam đấu tranh thống nhất Tổ Quốc. Mình tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người thờ Phật, khuyến khích đồng bào tự nguyện góp công góp sức cùng nhau khôi phục lại chùa để có chỗ thờ cúng được tôn nghiêm, khang trang. Giặc đã phá huỷ chùa, mình chớ nên để mưa gió huỷ hoại thêm tàn tạ nhưng cũng đừng nên huy động tốn kém xây cất nguy nga, không hợp với chốn tu hành. Chùa Hương trước hết là cảnh đẹp, di sản ông cha để lại cho đất nước mình càng thêm gấm vóc, đừng để mê tín dị đoan xâm nhập và nhất là đừng để ai lợi dụng kiếm tiền. Chú ý trồng cây, trồng mơ, trồng rau sắng, trồng ngô khoai ... nhưng trồng người là quan trọng hơn cả, phải lo nhiều việc cho dân đỡ đói nghèo, mọi người phải biết chữ, các cụ già phải gương mẫu bảo ban dạy dỗ con cháu trở thành con người mới”.
Đọc lại mẩu chuyện nói về chuyến đi của Bác Hồ 60 năm về trước, đối chiếu với thực tế các mùa lễ hội hiện nay, chúng ta thấy, không những còn nguyên giá trị đối với chùa Hương mà với tất cả các đền chùa, di tích lịch sử, cách mạng, danh lam thắng cảnh của đất nước và với mỗi người con đất Việt hôm nay và mai sau.
Vũ Lân