Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống là một trong những đơn vị lá cờ đầu về giáo dục, đào tạo
Trường THPT A Hải Hậu (Nam Định) đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới trong ngày khai trường.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là nền tảng cho cuộc cải cách giáo dục toàn diện, sâu sắc, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy Nam Định và các cấp ủy đảng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Định đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Quy mô trường lớp ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân

Toàn tỉnh Nam Định đã có 863 trường học mầm non và phổ thông (266 trường mầm non, 293 trường tiểu học và 1 trường dành cho trẻ em khuyết tật; 246 trường THCS, 57 trường THPT; 16 trung tâm giáo dục thường xuyên; 229 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn; 18 trường chuyên nghiệp (trong đó có 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp chuyên nghiệp, 7 trường trung cấp nghề). 

Hệ thống các trường học, các trung tâm học tập cộng đồng đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên (HSSV) và nhu cầu học tập suốt đời của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đạt kết quả cao

Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác phổ cập giáo dục. Đến nay, đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục ở 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non đạt và vượt tiêu chí chung về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ. Chất lượng giáo dục ở các cấp tiểu học, THCS ổn định, đạt kết quả cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ đại học luôn ở vị trí cao nhất toàn quốc. Tiếp tục giữ vững là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tính trong 5 năm qua, chúng ta đã có 390 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (đạt tỷ lệ 90,07%), 14 huy chương quốc tế. Đặc biệt, năm học 2014-2015 là năm học thứ 7 liên tiếp, học sinh của Nam Định được vinh danh trên trường quốc tế với 1 Huy chương Vàng Vật lý quốc tế tại Ấn Độ, 1 Huy chương Đồng Sinh học quốc tế tại Đan Mạch, 1 Huy chương Bạc Vật lý châu Á tại Trung Quốc.

Với phương châm đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường chuyên nghiệp trong tỉnh đã tích cực đổi mới chương trình, tăng thời lượng thực hành, rèn kỹ năng nghề nghiệp. Các trường dạy nghề đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt nhu cầu của thị trường, tiếp cận thiết bị thực hành hiện đại. Chính vì thế mà tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm đã tăng cao.

Song song với nhiệm vụ nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học cơ bản, kỹ năng nghề nghiệp…, các nhà trường rất coi trọng việc hướng dẫn HSSV tập dượt nghiên cứu khoa học; giáo dục HSSV về đạo đức, lối sống, năng lực tổ chức, kỹ năng giao tiếp, văn nghệ, thể thao… Từ đó, HSSV có cơ hội phát triển toàn diện, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên, tâm huyết với nghề

Toàn ngành đã triển khai sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng các cuộc vận động, phong trào thi đua “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… gắn với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và hành động trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, HSSV.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành được bồi dưỡng thường xuyên. Đến nay, 100% giáo viên các cấp học đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, đội ngũ cán bộ quản lý đang tích cực hoàn thiện về tiêu chuẩn chính trị.

Phương pháp dạy - học; kiểm tra, đánh giá được đổi mới

Toàn ngành đang triển khai các phương pháp dạy học tích cực theo hướng “dạy cho học sinh cách học, phát huy năng lực, phẩm chất, kỹ năng thực hành”, thay vì “dạy chủ yếu cung cấp kiến thức”; phát huy năng lực tự học, tự quản, tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm, làm cơ sở để mỗi HSSV tự học suốt đời.

Hình thức tổ chức dạy học ở các cấp học được đổi mới mạnh mẽ như: Tổ chức dạy chuyên đề phát triển vận động cho trẻ mầm non; triển khai mô hình trường học mới VNEN tại các trường tiểu học; dạy học theo chủ đề tích hợp, đưa giờ học ra ngoài không gian lớp học, học tại bảo tàng, học tại các khu di tích lịch sử; tổ chức cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo trên thực địa…

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, tăng cường cơ sở vật chấ trường học được quan tâm

Phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã có nhiều sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng trường học. Đến tháng 6-2015, toàn tỉnh có 587 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 68%). Phương tiện dạy học của các nhà trường được tăng cường, giúp giáo viên, học sinh có điều kiện đổi mới phương pháp dạy, học.

Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh

Các hội khuyến học đã phát huy tốt vai trò động viên, hỗ trợ phát triển giáo dục. Phong trào khuyến học của các dòng họ, các địa phương… phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 114,720 tỷ đồng quỹ khuyến học (đứng thứ 2 toàn quốc); cấp học bổng, khen thưởng cho hàng chục nghìn HSSV; hàng nghìn gia đình, dòng họ được công nhận là gia đình, dòng họ hiếu học.

Công tác thi đua, khen thưởng được chú trọng

Ngành GD và ĐT Nam Định đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Huân chương, Bằng khen của các cấp. Trong 5 năm qua đã có 32 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đặc biệt, năm học qua là năm thứ 21 liên tục Ngành GD và ĐT Nam Định được Bộ GD và ĐT tặng Cờ thi đua “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc”.

Tiếp tục phát huy truyền thống là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục và đào tạo, những năm tới, Ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Định tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chính sau:

Một là, tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương văn hiến, truyền thống của ngành; làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp giáo dục và đào tạo thực sự “là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân” theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.

Hai là, tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để đội ngũ đủ năng lực thực hiện công cuộc đổi mới. 

Ba là, đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, đổi mới công tác thi, kiểm tra theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành. Chú trọng công tác thanh tra, thi đua... tạo môi trường và động lực cho cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác phân luồng học sinh trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo của các trường dạy nghề.

Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các trường học; nâng cao chất lượng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng các trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Năm là, làm tốt công tác “xã hội hóa giáo dục” nhằm huy động nguồn lực vật chất, tinh thần, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất