Trung bình lượng chất thải rắn thải ra mỗi ngày tại 47 bệnh viện trong tỉnh Thanh Hóa là 5.140kg; trong đó chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trung bình mỗi ngày là 955kg. Trung bình lượng nước thải trong các cơ sở y tế thải ra khoảng 4.000m3/ngày, đêm.
Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế Thanh Hóa, tất cả các cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải y tế ngay tại các khoa, phòng theo quy định. Hiện có 8/11 bệnh viện tuyến tỉnh đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Da liễu mới được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng công nghệ xử lý bằng thiết bị hợp khối (đệm vi sinh lưu động) theo nguyên lý AAO. Nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương 50% và địa phương 50%. 20 bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động tốt hoặc đang được xây mới. Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định. Một số bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải xuống cấp đang được Sở Y tế chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp là bệnh viện Hà Trung, Quan Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc và BVĐK Thường Xuân, Mường Lát, Bỉm Sơn.
Chất thải y tế được xử lý bằng lò đốt chuyên dụng (hầu hết các bệnh viện có lò đốt), số ít bệnh viện không có lò đốt hợp đồng với các đơn vị có lò đốt hỗ trợ xử lý chất thải y tế. Đến cuối năm 2014, có 26/26 bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư xây dựng lò đốt theo công nghệ BDF – LDR 10i để đốt rác thải y tế. Ngoài ra bệnh viện còn hỗ trợ tiếp nhận đốt rác thải y tế của các trung tâm, phòng khám đa khoa tại lò đốt của bệnh viện. Tuy nhiên hiện tại một số lò đốt của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã cũ, sửa chữa nhiều lần...
Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trước mắt Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố có lò đốt đã hỏng hoặc đang xây dựng, vận chuyển chất thải rắn y tế, chất thải lây nhiễm đến xử lý (đốt) tại Công ty TNHH Tâm Đức và Bệnh viện Phổi Thanh Hóa. BVĐK tỉnh đã được đầu hệ thống xử lý chất thải rắn gia nhiệt ma sát ẩm, sau khi hoàn thành sẽ chịu trách nhiệm xử lý chất thải rắn y tế của bệnh viện và các bệnh viện, phòng khám đa khoa lân cận trên địa bàn thành phố không có lò đốt (thay cho Bệnh viện Phổi và Công ty TNHH Tâm Đức đang xử lý tạm thời cho các đơn vị như hiện nay). Đồng thời, nhiều bệnh viện đã lập đề án bảo vệ môi trường và hoàn thành đầy đủ hồ sơ. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các biện pháp xử lý tạm thời và lập đề án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường để trình UBND tỉnh phê duyệt. Các cơ sở được trình phê duyệt là BVĐK tỉnh Thanh Hóa; Bệnh viện Mắt Thanh Hóa; Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa; BVĐK huyện Hậu Lộc; BVĐK thị xã Bỉm Sơn... Hằng năm các bệnh viện trong ngành được các cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá, quan trắc, giám sát môi trường định kỳ (2 lần/năm). Qua đánh giá thực trạng, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và các ngành hữu quan đang tích cực giải quyết những khó khăn hạn chế nêu trên trong thời gian tới.
Minh Đức