“Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời”

Cuốn sách được chia làm 12 chương, với những dấu mốc mang tính bước ngoặt cuộc đời của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn từ một công nhân duy tu cầu Long Biên, kỹ thuật viên nhà máy giấy, hội họa cơ khí đến khi chính thức bước vào nghề báo, tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy báo chí: Đi tìm ánh sáng trước bầu trời u ám; Vào đời – Như những cuộc thi và thử thách bất tận; Phải chăng là cơ duyên thiên định?; Cuộc thử thách nghề nghiệp không tuyên bố; Lại thêm một bước chuyển, một cuộc viễn du lịch sử; Bước quá độ ra đời Khoa Báo chí; Mấy nét về việc xây dựng Khoa Báo chí thời kỳ đầu (1962-1990); Bộ giáo trình nghiệp vụ báo chí đầu tiên ra đời như thế nào?; Những dấu ấn đáng ghi nhận trong việc đào tạo báo chí chuyên nghiệp; Khóa I Đại học Báo chí (1969-1973) ra đời như thế nào?; Những mẩu chuyện đáng nhớ giữa thầy- trò thời ấy.

Cuốn tự truyện "Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời" của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn.

Những dấu mốc trong cuộc đời của tác giả gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc cũng như sự trưởng thành của Khoa Báo chí. Bởi nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn chính là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; người có công lớn, góp phần đào tạo hàng ngàn nhà báo Việt Nam, trong đó nhiều người sau này trở thành những nhà báo tên tuổi, những giảng viên báo chí tâm huyết, những nhà quản lý báo chí tài ba.

Qua cuốn tự truyện, độc giả và nhất là những thế hệ sinh viên từng học tập, rèn luyện, trưởng thành từ “mái nhà” này thêm hiểu về lịch sử những ngày tháng đầu của Khoa Báo chí - đó là thời kỳ đầy khó khăn, thiếu thốn. Nhưng hơn hết, bằng lòng quyết tâm, yêu nghề, sự đam mê, ý chí, nhà giáo Trần Bá Lạn đã góp phần xây dựng một cơ sở báo chí non trẻ xứng tầm với mong mỏi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cuốn sách của nhà giáo Trần Bá Lạn đã giúp người đọc tìm thấy một góc nhìn mới phần nào về diện mạo báo chí Việt Nam và bức tranh khắc họa về công việc đào tạo các thế hệ nhà báo nước nhà, hơn nửa thế kỷ đã qua.

Là học trò Khóa 9 của Khoa Báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, hiện là Viện trưởng Viện Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận xét: Tự truyện “Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời” cho chúng ta thấy rõ chân dung nhà giáo, người đứng đầu một Khoa đào tạo nguồn lực báo chí cho đất nước hội tụ được cả ba yếu tố: (1) Có tâm sáng với học viên, với đồng nghiệp, với sự nghiệp đào tạo nguồn lực báo chí cách mạng cho đất nước; (2) Có tâm chiến lược trong xây dựng và phát triển Khoa Báo chí với những khó khăn chồng chất và vô vàn thách thức của thời kỳ đầu thành lập; (3) Có đủ tài cả về nghiệp vụ báo chí lẫn nghiên cứu, giảng dạy, xây dựng lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí, cùng nhau tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ vinh quang nhưng nhiều thách thức mà Đảng, Nhà nước giao phó cho Khoa Báo chí ngày ấy.

Hơn nữa với việc ra sách khi chỉ còn vài tháng nữa tác giả sẽ bước vào tuổi 90 cho thấy sức làm việc, sức khỏe và trí nhớ tuyệt vời của người thầy quê lụa này. Ông là tấm gương sáng về sự học, sự vươn lên trong công việc, cuộc sống để mỗi người trong chúng ta tự soi rọi, suy ngẫm.

Được biết Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời” vừa được ra mắt bạn đọc vào lúc 19h ngày 3-10 tại Hội trường lớn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong khuôn khổ chương trình Fire up- Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất