Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ


Quang
cảnh Toạ đàm.

Tọa đàm được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân uỷ Trung ương (gọi tắt là Nghị quyết 847) về "Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới".

Hội thảo vinh dự có sự góp mặt của nhiều chuyên gia xây dựng Đảng, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà báo lão thành, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội như: Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; PGS, TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; GS, TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương; PGS, TS. Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Bộ phận Chuyên trách 35 Quân ủy Trung ương; đồng chí Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Hậu…

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại Toạ đàm.

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: "Nhân dân ta thường gọi cán bộ, chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam là “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu thể hiện sự thiêng liêng cao quý, niềm tự hào của quân đội, thể hiện chiều sâu lý luận của việc Đảng trong việc tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng".

Gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã cùng toàn dân làm lên những chiến thắng vẻ vang, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực sự xứng đáng với tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” do nhân dân trao tặng.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cũng đề cập đến vấn đề trong thời điểm đất nước mở cửa sâu rộng sẽ xuất hiện nhiều mặt trái, tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống xã hội trong đó có sự bùng phát của chủ nghĩa cá nhân. Quân đội là một bộ phận của xã hội, do đó, lực lượng cán bộ, chiến sỹ quân nhân cũng là đối tượng chịu sự tác động của những vấn đề trên. Những vụ việc tiêu cực, đau lòng của một bộ phận sỹ quan quân đội thời gian qua là những biểu hiện “con sâu làm giàu nồi canh” của một số cá nhân thiếu tu dưỡng, không khống chế được lòng tham, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và tổ chức xây dựng Đảng... Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có niềm tin với phẩm chất ngời sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”, những hành vi tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân sẽ được đẩy lùi để tiếp tục gây dựng hình ảnh người quân nhân được nhân dân tin yêu.

“Nghị quyết 847 đặt ra nhiều nhiệm vụ sâu sắc, chiến lược, mang tính định hướng để Quân đội vững mạnh về chính trị cơ bản và lâu dài. Toạ đàm ngày hôm nay được tổ chức để góp phần thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sớm đưa Nghị quyết 847 đi sâu vào đời sống của toàn quân, toàn dân”, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh.

Với 35 tham luận cùng 9 ý kiến phát biểu Toạ đàm, các đại biểu đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học, lịch sử, đánh giá sự cần thiết việc ban hành Nghị quyết 847, phân tích đánh giá 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được nêu trong Nghị quyết 847, đồng thời nhấn mạnh truyền thống vẻ vang của quân đội, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được gìn giữ và phát huy. Các đại biểu đều đồng tình thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, để tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thì cần nhiều giải pháp mạnh mẽ, trong đó phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. 

Ngoài ra, các ý kiến tập trung phân tích, chỉ rõ yêu cầu phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm; chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; phát huy vai trò các thiết chế văn hoá trong các đơn vị cơ sở, đặc biệt là việc tạo điều kiện để bộ đội tiếp thu báo chí, văn học lành mạnh, chính thống, chống biểu hiện hình thức, đối phó khi tiến hành công tác tư tưởng; thực hiện tốt cơ chế, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội…

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: 5 giá trị đặc biệt, đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ

Tôi từng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc vì sao một dân tộc nhỏ, còn nghèo nàn lạc hậu, chịu sự đàn áp của đế quốc thực dân phong kiến như Việt Nam lại dám đứng lên chiến đấu, giành chiến thắng kinh hoàng trước các kẻ thù hùng mạnh hàng đầu thế giới, Đại tướng từng nói một trong các nhân tố là giá trị văn hoá của Việt Nam.

Do đó, tôi xin phép tóm lược “5 giá trị đặc biệt, đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ” khác với các quân đội dân tộc khác:

(1) Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá, sẵn sàng hi sinh cái quý giá nhất của một con người là cuộc sống vì độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

(2) Bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, thông minh tài năng, sáng tạo trong thời chiến lẫn thời bình của người quân nhân.

(3) Tinh thần đồng đội keo sơn, gắn bó máu thịt với nhân dân.

(4) Tinh thần sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với các dân tộc đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội. Quân đội ta đã nhiều lần ủng hộ giúp đỡ trực tiếp cho quân đội, nhân dân các nước.

(5) Tính nhân văn và lòng vị tha của dân tộc ta, quân đội ta với hàng binh, tù binh.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Kết hợp giáo dục niềm tin chính trị với giáo dục kỷ luật, pháp luật

Nghị quyết 847 ra đời không phải chỉ để giải quyết những điểm tiêu cực, vi phạm tồn tại thời gian gần đây mà nó là sự cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quân và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành những chuyên đề cụ thể để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu trong tình hình mới. Toạ đàm này được tổ chức là phát huy thế mạnh của báo chí trong việc phổ biến, quán triệt triển khai toàn bộ các nội dung của Nghị quyết đến toàn quân.

Thông qua tìm hiểu, tôi nhận thấy, Nghị quyết mang tính tổng kết, khoa học, tính thực tiến rất cao với nhiều vấn đề mới. Ví dụ như trong Từ điển Bách khoa quân sự chỉ đề cập đến “Bộ đội Cụ Hồ” là hình ảnh thân thương, trìu mến, được nhân dân quý trọng gọi từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay, thì trong Nghị quyết 847 cụ thể nội hàm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thành 5 nội dung rõ ràng, có tính bổ sung phát triển rất rõ ràng.

Tôi luôn đắn đo, trăn trở với câu hỏi cần làm gì để giữ gìn được phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Theo cá nhân tôi, vấn đề giáo dục chính trị, nâng cao niềm tin của cán bộ chiến sỹ phải đi kèm với giáo dục kỷ luật và pháp luật Nhà nước. Đây là 2 mặt có tính gắn bó mật thiết, không thể tách rời. Chúng ta giáo dục niềm tin thông qua giáo dục lý luận, giáo dục truyền thống cách mạng dân tộc… thì việc tăng cường giáo dục về kỷ luật và pháp luật chính là cơ hội tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ phát huy tình cảm cách mạng, trách nhiệm cách mạng khi đảm nhiệm các chức vụ công tác.

Ngoài ra, vấn đề nêu gương của cán bộ các cấp hết sức quan trọng. Phải gắn giữa xây và chống, xây là chủ yếu, chống phải quyết liệt. Do đó, tôi cũng đề nghị chúng ta cần phải quan tâm đầu tư các trung tâm đào tạo cán bộ nguồn, để đào tạo cán bộ có tình cảm cách mạng, có tinh thần trách nhiệm cao, làm được việc.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Việc giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phải gắn với việc học tập và làm theo Bác

"Bộ đội Cụ Hồ" là cách gọi thể hiện sự tôn vinh của nhân dân cho bộ đội. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục giáo dục, nuôi dưỡng niềm tự hào truyền thống quý báu của quân đội cho cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là chiến sỹ trẻ đặc biệt quan trọng. Bởi hiếm có quân đội nào trên thế giới chưa đầy 1 tuổi đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại. Không có quân đội nào ở tuổi thiếu niên chỉ mới 10 tuổi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Ở tuổi 20, thanh xuân đương đầu với cuộc kháng chiến ác liệt làm nên không chỉ chiến thắng Điện Biên Phủ Việt Bắc mà còn Điện Biên Phủ trên không. Do đó, việc giáo dục truyền thống cách mạng như một sự tiếp lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Những chỉ dẫn rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nằm ở tư tưởng mà Người rất chú trọng vào đạo đức, phương pháp và phong cách. Do đó, nhận thức mới của Đảng ra là học tập và làm theo Bác gắn liền tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách.

Bác từng nhấn mạnh, quân với dân như cá với nước, Quân đội từ nhân dân mà ra, Quân đội phải từ tướng lĩnh và chỉ huy, coi nhân dân là nền tảng của Quân đội, là cha mẹ của Quân đội. Dân vận trong Quân đội phải như thế nào để khi sắp đến dân mong, khi ở thì dân thương, khi đi thì dân nhớ. Dân giúp đỡ nhiều thì thắng lợi nhiều, dân giúp đỡ ít thì thắng lợi ít, dân giúp đỡ hoặc ủng hộ hoàn toàn thì thắng lợi, thành công hoàn toàn.

Giáo dục đạo đức, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, văn hoá quân sự cho cán bộ, chiến sỹ thì không gì tốt hơn bằng việc khai thác bài học văn hoá ứng xử của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những vấn đề không chỉ nằm ở học vấn mà còn là trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm tích luỹ, bản lĩnh con người… Do đó, giáo dục, học tập về Bác là nguồn năng lượng vô giá, tạo động lực cho chúng ta phát triển và Bác cũng chính là người thức tỉnh lương tâm, danh dự của người chiến sỹ trong mọi hoàn cảnh. Càng nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lại càng cảm thấy chính Người là người truyền cảm hứng vĩ đại nhất cho quân đội, dân tộc Việt Nam.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: 5 khó khăn và 6 giải pháp trong việc giữ gìn, phát huy và tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

“Bộ đội Cụ Hồ” là biểu tượng nhân văn cao đẹp của dân tộc ta, là giá trị cao quý của văn hoá quân sự Việt Nam. Do đó, việc giữ gìn hình ảnh của người quân nhân phải trở thành nhận thức sâu sắc trong từng cán bộ, chiến sỹ.

Tôi xin mạn phép chỉ ra 5 thách thức rất mới ảnh hưởng đến văn hoá, tư tưởng, tâm lý, tinh thần, cách rèn luyện quản lý bộ đội.

Thứ nhất, sự phát triển bùng nổ của in-tơ-nét, đặc biệt là mạng xã hội. Mạng xã hội đem lại nhiều tiện ích to lớn nhưng cũng tồn tại nhiều hệ luỵ khó lường, tác động từng giờ, từng phút đến tư tưởng, nhận thức con người. Trong thời đại hiện nay, thông tin tồn tại đa dạng, nhiều chiều, trong đó có không ít các thông tin xấu độc ảnh hưởng tư tưởng, tâm lý của bộ đội.

Thứ hai, mặt trái của nền kinh tế thị trường với những biểu hiện của lối sống thực dụng, tư tưởng so bì len lỏi trong 1 bộ phận chiến sỹ. Một số người chưa nhận thức sâu sắc trách nhiệm phải giữ gìn phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nên còn thiếu tự giác trong rèn luyện, dễ dàng bị dao động.

Thứ ba, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đang ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Thời gian qua, trong Quân đội đã xảy ra nhiều vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín, danh dự, hình ảnh tốt đẹp của cán bộ, chiến sỹ trong xã hội.

Thứ tư, một số nơi xuất hiện tình trạng vi phạm dân chủ, có biểu hiện quân phiệt, làm tổn hại tình đồng chí, đồng đội, tạo ra tác động xấu trong môi trường Quân đội.

Thứ năm, các thế lực thù địch, phản động dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Quân đội nhằm chia rẽ mối đoàn kết máu thịt quân dân, âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với Quân đội, truyền bá quan điểm phi chính trị hoá Quân đội.

Qua đây, tôi xin đề xuất một số biện pháp chúng ta có thể nghiên cứu triển khai việc giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”:

(1) Quân uỷ Trung ương đã ban hành Nghị quyết 847, trước những đòi hỏi như hiện nay, chúng ta cần mở 1 đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân, gắn việc học tập Nghị quyết 947 với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của quân nhân.

(2) Có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống biểu hiện suy thoái, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng tiêu cực trong Quân đội, kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”, chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

(3) Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá quân sự bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú.

(4) Khuyến khích tinh thần sáng tạo trong Quân đội. Tăng cường sử dụng khoa học - công nghệ trong việc giáo dục, sinh hoạt văn hoá tinh thần của bộ đội. Giáo dục quân nhân sử dụng mạng xã hội chuẩn mực, có trách nhiệm, tạo sức đề kháng cho quân nhân trước thông tin xấu độc và các luồng thông tin phản văn hoá.

(5) Tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, chống mưu đồ phi chính trị hoá Quân đội và xói mòn mối quan hệ tình cảm máu thịt giữa quân với dân.

(6) Xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, nhịp nhàng giữa quân đội với ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương và các cơ quan địa phương trong việc triển khai các chương trình, chuyên đề phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất