Nhạc sĩ Hồng Đăng trút bỏ dương gian trong những ngày cuối xuân nhưng từng con đường, góc phố Thủ đô vẫn in hằn bóng dáng ông và mỗi độ thu về khi “hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” người ta lại nhớ về ông với nỗi niềm khắc khoải, khôn nguôi.
Nhạc sĩ Hồng Đăng nổi tiếng với ca khúc "Hoa sữa".
Những ca khúc về Thủ đô thường trong lời ca Hà Nội sẽ được nhắc đến ít nhất một lần. Thế nhưng có một bài ca viết về Hà Nội mà trong ca từ không có bất cứ cụm từ “Hà Nội” nào vậy mà khi giai điệu vang lên người Hà Nội luôn hiểu, luôn tự hào đó là bài hát dành cho mình. Ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng là trường hợp đặc biệt như vậy. Bài hát này còn đặc biệt ở chỗ nó là ca khúc nhạc phim nhưng đã vượt qua khuôn khổ của một bộ phim để hòa vào trong đời sống và có một chỗ đứng riêng trong lòng người yêu nhạc. Sáng tác ca khúc “Hoa sữa” khi chưa hề biết hoa sữa ra sao, thế nhưng bằng tài năng của mình nhạc sĩ Hồng Đăng đã tưởng tượng ra một tình yêu đôi lứa đẹp nảy nở trong mùa thu nắng vàng rực rỡ, trong mùi “hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”.
Từ lâu người ta đã đặt cho nhạc sĩ Hồng Đăng biệt danh “Người “định vị” hoa sữa với Hà Nội”. Bởi vì quá yêu ca từ và giai điệu nhẹ nhàng, êm ái của bài hát này mà lâu dần người dân Thủ đô lại trồng thêm những cây hoa sữa và hoa sữa mặc nhiên đã trở thành hương vị đặc trưng của mùa thu Hà Nội. Nhạc sĩ Hồng Đăng yêu Hà Nội và loài hoa sữa vô cùng. Ông từng tâm sự: “Chỉ những ai yêu Hà Nội và từng đi dưới những hàng hoa sữa vào phố cổ vào những đêm khuya và bình minh mới cảm nhận được hương vị thanh nhã của thành phố nghìn năm tuổi”. Hà Nội không là nơi ông sinh ra nhưng đã là nơi ông sinh sống, gắn bó hơn nửa thế kỷ. Công bằng mà nói nơi này đã cho ông một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Bởi thế càng ý nghĩa hơn khi trong năm 2021 ông đã được chính quyền thành phố vinh danh Giải thưởng Lớn - hạng mục quan trọng nhất của trong Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học ở vùng quê Yên Thành (Nghệ An), có bác ruột là nhà cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu. Thế nhưng ông không dựa vào hơi bác để làm chính trị và cũng không theo con đường của cha (nhà báo Phan Đăng Tài, bút danh Phan Hồng Sơn, từng giữ chức Trưởng Phòng Tư liệu - Thư viện, Báo Nhân Dân) để làm báo mà chọn cho mình một lối đi riêng, đó là làm âm nhạc. Dòng họ Phan Đăng ở Yên Thành trước và sau ông không ai theo âm nhạc. Ông mày mò tự đi trên con đường riêng đầy ngạo nghễ, thăng hoa với niềm tin sắt đá như văn hào Lỗ Tấn từng đúc rút “đi mãi cũng thành đường thôi”.
Là người tri thức, uyên bác nhưng ông luôn khiêm nhường trước mọi lời tán thưởng, luôn bình dị trong sinh hoạt đời sống thường ngày. Ông luôn nhận mình là người hạnh phúc khi cuối đời có một người vợ thông minh, giỏi giang và hiểu âm nhạc của ông như một “nhà Hồng Đăng học”. Bởi ông đã từng trải qua những ngày tháng lênh đênh như ca khúc từng viết nên ông rất trân trọng giá trị của mái ấm gia đình. Ông từng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ: “Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích là niềm hạnh phúc lớn. Chúng ta ngồi với nhau ở đây là hạnh phúc nhỏ mà có thật. Còn vợ con là hạnh phúc khổng lồ”.
Ngoài ca khúc “Hoa sữa” nổi tiếng nhiều người còn nhớ về ông với ca khúc “Biển hát chiều nay” với giai điệu hùng tráng, tràn đầy niêm tự hào. Nhiều câu hát trong “Biển hát chiều nay” khiến tâm hồn người nghe rung động, xuyến xao: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm biển chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương...”, tới sự liên tưởng “Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời/ Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người” và “Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”. Có thể nói bài hát đã gợi lên tinh thần lạc quan, một tình yêu tha thiết của một người con đất Việt với biển quê hương.
Nhạc sĩ Hồng Đăng có lẽ cũng là Tổng Biên tập (Tạp chí Âm nhạc Việt Nam) duy nhất là người ngoài Đảng nhưng cũng đã có bài hát ca ngợi Đảng rất hay: “Đường ta đi có ánh nắng mặt trời”: “Mặt trời lên xua hết mây mù/ Và xua tan những ngày dài âm u/ Trước mặt ta chói rực mặt trời/ Đảng là chân lý sáng soi ngàn nơi…”. Ông cũng chính là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam nhờ những sáng tác cho nhạc phim rất nổi tiếng của mình, trong đó “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”… là những ví dụ điển hình. Rất nhiều nhạc sĩ có tiếng với một số ca khúc nhưng lại thường không thành công với nhạc phim, bởi viết nhạc phim là công việc rất khó, đòi hỏi người viết phải hội tụ nhiều yếu tố, đó là giỏi về khí nhạc, chắc về hòa thanh, phối khí…
Gia đình ông từng làm đêm nhạc mang tên “Lênh đênh” ở Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), thế nhưng điều mong mỏi của ông lúc sinh thời là làm đêm nhạc ngay tại quê hương Nghệ An vẫn chưa thể thực hiện được. Và điều tiếc nuối hơn nữa là ông đã cùng tác giả “Bài ca hy vọng” – nhạc sĩ Văn Ký sẽ không có cơ hội để có thể được chứng kiến giây phút hạnh phúc của cuộc đời – đó là nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật trong đợt tới này. (Năm 2021, ông cùng 4 nhạc sĩ khác là Phạm Minh Tuấn, Trần Quý, Văn Ký, Đinh Quang Hợp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật).
Tác giả “Hoa sữa” đã chọn mùa xuân để vĩnh biệt người thân, bạn bè và những người nghe nhạc của ông, yêu nhạc của ông. Đó cũng là mùa hợp với tính cách và con người ông – một người luôn lạc quan, yêu đời, tràn đầy niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, luôn sống hết mình vì người khác. Cuộc đời và những ca khúc của ông đã, đang và sẽ là những chủ đề mà người ta còn nói đến, còn viết đến với sự trân trọng và lòng biết ơn. Ông sẽ còn mãi trong lòng người dân Thủ đô như những bông hoa sữa nồng nàn mùi hương mỗi độ thu về.
Ngô Khiêm