Tuổi trẻ Việt Nam: Tầm cao ý chí, nghị lực, sự trung thành vô hạn và những hành động phi thường


Tuổi trẻ và những tấm gương anh hùng, bất khuất

Đồng chí Trần Phú nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư khi mới 27 tuổi. Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Trần Phú là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, kiên cường, người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời đồng chí chỉ trong 27 năm, với hơn 8 năm hoạt động cách mạng, gần một năm trên cương vị Tổng Bí thư, nhưng đồng chí đã để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân một tấm gương sáng ngời về trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh kiên cường. Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Luận cương chính trị do đồng chí khởi thảo là một văn kiện quan trọng, là cơ sở để Đảng đề ra sách lược, chiến lược trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”. Do căn bệnh lao ngày càng trầm trọng, cộng thêm những đòn tra tấn tàn bạo và chế độ lao tù khắc nghiệt, sức khỏe đồng chí ngày càng suy kiệt. Trước lúc qua đời, đã dùng chút sức lực còn lại để nhắn nhủ tới các đồng chí, đồng đội: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Lời nhắn nhủ đó của Tổng Bí thư Trần Phú đi vào lịch sử, trở thành lời cổ vũ, động viên, phương châm và lý tưởng sống, cống hiến cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên.      

Anh hùng Lý Tự Trọng: Anh tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi ngay ở tuổi niên thiếu. Khi bắt được anh, mật thám Pháp đã thay nhau tra tấn, hòng tìm ra những người chỉ huy cuộc diễn thuyết, song càng tra hỏi, thì anh càng im lặng, cho tới khi chúng đánh anh ngất xỉu. Cuối cùng chúng nhốt anh vào hầm riêng, để chờ ngày xét xử và chúng đã kết án anh án nặng nhất: Tử hình. Cuối năm đó, ngày 21-11-1931 tại Khám lớn Sài Gòn, đứng trước bàn máy chém dã man quân lính Pháp, anh vẫn bình thản, như đã làm xong nhiệm vụ vinh quang mà Tổ quốc giao phó cho anh. Lý Tự Trọng trước khi lên máy chém đã gọi: Việt Nam thân yêu và đã hát nhiều lần Quốc tế ca: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!...”, vang mãi nơi đang giam giữ anh tại nhà lao Sài Gòn. Người anh hùng Lý Tự Trọng đã ra đi khi bước sang tuổi 17, song lý tưởng của anh sống mãi trong câu nói nổi tiếng trước khi lên máy chém: “Con đường của thanh niên, chỉ có thể là con đường cách mạng”.

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Cách đây 58 năm, sáng ngày 2-5-1964, một sự kiện gây chấn động dư luận thế giới bấy giờ là kế hoạch gài bom dưới chân cầu Công Lý để tiêu diệt tên đầu sỏ chiến tranh xâm lược Mỹ - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra vừa đến Sài Gòn. Kế hoạch thất bại, anh bị bắt tại nhà tù Chí Hòa - Sài Gòn. Khi địch dùng đủ cực hình dụ dỗ nhưng anh cương quyết không khai báo bất cứ ai, bất cứ việc gì, mà chỉ là nhận chính mình làm. Trước kẻ thù, nhiều cuộc tra hỏi, anh chỉ câu trả lời duy nhất là: “Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, thương tật hay hy sinh, tôi cũng vui lòng. Tôi không thể sống như bọn tay sai mong được an thân để làm hại đồng bào!”. Sau đó, chính quyền Sài Gòn đưa anh ra tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn và kết án tử hình nhằm uy hiếp tinh thần chống Mỹ trong nhân dân bấy giờ. Vào sáng ngày 15-10-1964, bọn đao phủ Mỹ - ngụy Sài Gòn đưa anh ra pháp trường tại bãi bắn mặt sau nhà lao Chí Hòa. Trong những giây phút cuối cùng của đời mình, anh đã giật phắt mảnh băng đen mà kẻ thù đã bịt mắt và dõng dạc hô to: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!”. Và anh hô to với mọi người chứng kiến: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!”.

Nụ cười bất tử của nữ anh hùng Võ Thị Thắng.

Nữ Anh hùng Võ Thị Thắng: Chị quê ở Long An, sinh vào mùa thu năm 1945; là học sinh Trường Gia Long - Sài Gòn (nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia Tự vệ Thành, khi còn rất trẻ, chị đã bị địch bắt trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân dân cả nước Tết Mậu Thân 1968. Tòa án Quân sự chính quyền Sài Gòn đã xử Võ Thị Thắng 20 năm tù khổ sai. Và tại phiên tòa đó, nụ cười Võ Thị Thắng đã nở rạng rỡ giữa chốn lao tù! (ảnh do một nhà báo Nhật Bản cung cấp), chụp đúng lúc chúng kết án chị 20 năm tù khổ sai, chị nói thẳng quan tòa: “Không biết các ông có tồn tại được đến ngày đó, để giam cầm chúng tôi không!”.

Nụ cười ấy trở thành biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam, tinh thần lạc quan Việt Nam, vẻ đẹp thuần khiết con người Việt Nam trước gian nan, thử thách, trước kẻ thù xâm lược, hung tàn, dã man. Nhà thơ Trần Quang Long, một cây bút nổi tiếng phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh tại đô thị thời chống Mỹ tại Sài Gòn, lúc đó đã viết: “Chị là con người mang tên Chiến Thắng/ Sinh ra và lớn lên từ mùa Thu Cách mạng/ Hai ba năm rực rỡ chiến công/ Đã nở nụ cười như một đóa hồng”… Thơ Trần Quang Long mạnh mẽ, thẳng thắn và trực diện, anh viết “Rất tự hào người con gái đó/ Đã đem nụ cười vào lịch sử ngàn năm”.

Và chân dung tuổi trẻ sáng tạo cho đất nước hôm nay

Bước vào kỷ nguyên khoa học - kỹ thuật của thế kỷ XXI, tuổi trẻ Việt Nam đã luôn trau dồi, phấn đấu và đã giành nhiều thứ hạng rất cao về các đội tuyển tham dự thi Toán - Lý - Hoá - Sinh học quốc tế. Tại kỳ thi Toán học quốc tế năm 2019 tại Anh quốc cả 6 học sinh Việt Nam tham dự và đều đoạt giải huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc. Với kết quả này, Đoàn Việt Nam được xếp thứ 7/110. Đối với môn Hoá học, kỳ thi Ô-lim-píc Hóa học quốc tế năm 2019, trong 4 học sinh Việt đã giành được giải cao có 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Đặc biệt một học sinh Việt Nam được trao giải thí sinh xuất sắc nhất điểm thi thực hành với điểm tuyệt đối 40/40.

Tại kỳ thi Toán học quốc tế Ô-lim-píc, Toán học quốc tế IMO 2020, Ban tổ chức kỳ thi Ô-lim-píc Toán học quốc tế đã đưa ra điểm chuẩn đạt huy chương vàng, bạc, đồng và bằng danh dự, trong đó đoàn Việt Nam gồm 6 học sinh dự thi đều đạt 6/6 huy chương, gồm: Hai Huy chương Vàng IMO 2020 của đội tuyển Việt Nam thuộc về em Ngô Quý Đăng - lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và Trương Tuấn Nghĩa - lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Huy chương Bạc thuộc về Nguyễn Mạc Nam Trung - lớp 12 Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Hai Huy chương Đồng thuộc về em Chu Thị Thanh - lớp 12 Trường THPT chuyên tỉnh Vĩnh Phúc; em Trần Nhật Minh - lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Bằng danh dự thuộc về em Đinh Vũ Tùng Lâm - lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Điều đặc biệt, em Ngô Quý Đăng là thủ khoa của đoàn học sinh Việt Nam, xếp thứ 4 của thế giới.    

Tuổi trẻ hiện nay đang đứng vững trên bước chân của mình khi tham gia đưa ý chí để cùng xây dựng đất nước hùng cường hôm nay, không hổ thẹn với các bậc tiền nhân đã đi mở cõi cũng như xây dựng cơ đồ. Hòa chung với tuổi trẻ cả nước, các thế hệ trẻ Thủ đô Hà Nội và tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác kính yêu đã và đang học tập, nghiên cứu, phấn đấu để góp sức tạo ra những bước đột phá mới của tuổi trẻ cả nước, không ngừng tham gia tình nguyện, đưa đất nước cùng phát triển, vươn lên.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất